Bỏ biện pháp “ngưng cung cấp điện, nước” như dự thảo ban đầu
Trước khi bấm nút thông qua, giải trình của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, việc bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 86 của Luật XLVPHC) hiện còn nhiều ý kiến khác nhau.
Ý kiến thứ nhất đề nghị không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước…”, ý kiến thứ hai cho rằng việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt hành vi vi phạm. Vì vậy, trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật, Quốc hội đã biểu quyết về việc không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước”. Kết quả, có 390 đại biểu tham gia tán thành (chiếm 80,91% tổng số ĐBQH) về việc không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước”.
Như vậy, Luật sửa đổi một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính không có biện pháp “ngưng cung cấp điện, nước” như dự thảo ban đầu.
Cấm thu tiền môi giới để đưa người lao động ra nước ngoài làm việc
Chiều 13-11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội cũng đã thông qua Luật người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Luật có nhiều quy định mới để bảo vệ quyền lợi NLĐ.
Luật quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ phải có nhân viên nghiệp vụ đủ năng lực quản lý và hỗ trợ NLĐ ở nước ngoài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; bảo đảm cung cấp trợ giúp pháp lý trong trường hợp NLĐ cần đến các hỗ trợ pháp lý khi bị lạm dụng, bạo lực hoặc phân biệt đối xử trong quá trình làm việc ở nước ngoài.
Luật cũng bổ sung nội dung giáo dục để bảo đảm NLĐ được cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản về vấn đề cưỡng bức lao động, phòng, chống buôn bán người, bình đẳng giới, lạm dụng tình dục, bạo lực giới và các kỹ năng phòng ngừa; về bảo hộ công dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và những vấn đề cần phòng ngừa trong thời gian làm việc ở nước ngoài. NLĐ sau khi về nước được hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp, tập huấn nghề nghiệp, kỹ năng… Luật cấm việc thu tiền môi giới để đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc. NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn phải trả cho doanh nghiệp tiền dịch vụ.
Tổng thu ngân sách Trung ương năm 2021 là 739.401 tỷ đồng
Chiều 13-11, với 93,15% ĐBQH biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021.
Nghị quyết được thông qua quyết nghị: tổng số thu ngân sách Trung ương là 739.401 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 603.929 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách Trung ương là 1.058.271 tỷ đồng, trong đó dự toán 350.804 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách Trung ương cho từng bộ, cơ quan Trung ương và từng tỉnh, thành. Chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước theo thứ tự ưu tiên đã được quy định trong Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan; ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước, dự án cấp bách, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn, vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài...
Cũng trong chiều 3-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thỏa thuận quốc tế và Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.