Không được xây dựng công trình phụ trợ: Sản xuất nông nghiệp gặp khó

Năm 2020, nhằm hỗ trợ nông dân trồng trọt, chăn nuôi, TPHCM đã hướng dẫn cho thí điểm xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp ở địa bàn một số huyện. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Tư pháp kết luận hướng dẫn này là trái pháp luật và phải tạm ngưng.
Sơ chế rau tại HTX Nông nghiệp SX-TM-DV Phước An (huyện Bình Chánh, TPHCM)
Sơ chế rau tại HTX Nông nghiệp SX-TM-DV Phước An (huyện Bình Chánh, TPHCM)

Trả đất, di dời qua tỉnh khác

Công ty TNHH MTV Bò sữa TPHCM đang triển khai trồng chuối, ca cao trên diện tích hơn 37ha tại xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi), đóng tiền thuê đất hàng năm. Đại diện lãnh đạo công ty cho biết, công ty đã gởi đơn đề nghị UBND huyện Củ Chi cho xây dựng nhà tiền chế với diện tích 900m2 để chứa phân bón và sơ chế nông sản, làm nhà đặt máy bơm cho hệ thống tưới với diện tích 28m2 và một công trình tạm khác với diện tích 45m2 để làm nơi tập kết thiết bị nông nghiệp, nhà vệ sinh… nhưng chưa nhận được văn bản trả lời của huyện.

Công ty cũng đã gửi văn bản đề xuất thành phố xem xét cho chủ trương giải quyết các khó khăn trong quá trình xin phép xây dựng công trình phụ trợ trong sản xuất nông nghiệp. Nếu không được giải quyết, công ty đề nghị thành phố cho thu hồi lại toàn bộ diện tích hơn 37ha mà đơn vị đang trồng chuối và ca cao vì nếu không có các công trình phụ trợ, công ty không thể tiến hành sản xuất nông nghiệp.

Trong khi đó, dù đơn hàng ngày càng tăng nhưng Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tuấn Ngọc (TP Thủ Đức) không thể mở rộng diện tích sản xuất do vướng quy định không được xây dựng nhà màng, nhà lưới. Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX chia sẻ, HTX đã tìm đến huyện Củ Chi để thuê hoặc mua đất sản xuất nhưng được biết việc chuyển đổi đất nông nghiệp để có thể làm nhà màng, nhà lưới phục vụ sản xuất đang bị vướng mắc. Vì vậy, HTX đến Ninh Thuận vì địa phương này có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng nhà màng, nhà lưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho biết, sở đang đề xuất UBND TPHCM xem xét tháo gỡ các khó khăn mà nông dân, các HTX nông nghiệp phản ánh từ thực tế.

Tương tự, đã nhiều năm nay, HTX Nông nghiệp SX-TM-DV Phước An (huyện Bình Chánh) vẫn không xây dựng được nhà màng, nhà lưới do vướng quy định xây dựng trên đất nông nghiệp. HTX đã gởi đơn lên UBND xã, huyện đề nghị được giải quyết khó khăn nhưng không kết quả. Nhiều xã viên đã phải chuyển đổi sang nghề khác hoặc bán đất.

“Tôi có 5.000m2 đất nông nghiệp xin chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác để có thể xây dựng công trình phụ trợ, nhưng hơn 2 năm vẫn chưa thấy ngành chức năng trả lời. Nếu hết năm nay mà vẫn chưa có phương án xây dựng nhà màng, nhà lưới, công trình phụ trợ… thì tôi sẽ làm đơn giải thể HTX”, ông Trần Văn Thích, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp SX-TM-DV Phước An, nói.

Theo Hội Nông dân huyện Bình Chánh, toàn huyện hiện có 1.147 trường hợp đang có nhu cầu xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng chưa được giải quyết.

Chờ đề án… nuôi chim yến

Ông Nguyễn Công Trà, Công ty CP Yến sào Khánh Đan (huyện Cần Giờ) cho biết, việc xây dựng nhà nuôi chim yến trên địa bàn chủ yếu là xin phép xây nhà ở rồi chuyển công năng. Việc sử dụng nhà không đúng công năng đang ảnh hưởng tới việc xác lập mã số xuất khẩu. Chưa kể, chi phí xây nhà nuôi chim yến thường rất lớn, nhưng khi không đúng công năng thì nông dân cũng không được vay tiền từ quỹ hỗ trợ nông dân để xây dựng.

Hiện toàn TPHCM chỉ có 10 nhà nuôi chim yến được cấp phép do được thí điểm nhiều năm trước. Ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM, cho biết, hiện nay nhà nuôi yến xây dựng trên đất nông nghiệp chiếm 10%; xây dựng trên đất nông nghiệp khác 66,67%; xây dựng trên đất ở và đất khác là 22%. Nhiều nhà nuôi yến không được cấp phép đang gây mất trật tự trong xây dựng, ảnh hưởng chung đến mỹ quan đô thị. Riêng tại huyện Cần Giờ, toàn huyện có 519 nhà nuôi chim yến. Năm 2022, toàn huyện Cần Giờ thu hoạch 14,1 tấn yến thô, đạt giá trị hơn 310 tỷ đồng; trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng yến đạt 9,7 tấn, mang lại nguồn lợi lớn cho huyện.

Nhằm khắc phục những tồn tại của hoạt động nuôi chim yến, nhất là việc xây dựng nhà nuôi yến trên đất nông nghiệp, Sở NN-PTNT TPHCM đang hoàn thiện Đề án nuôi chim yến trên địa bàn giai đoạn 2024-2030 để trình HĐND thành phố trong năm nay. Điều này đang được nhiều nông dân nuôi yến hoặc có ý định đầu tư nuôi chim yến trông chờ!

Văn phòng UBND TPHCM vừa thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường về việc xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác hoặc phi nông nghiệp khác trên địa bàn thành phố.

Theo đó, lãnh đạo thành phố đánh giá, việc xây dựng các công trình như chòi canh, cấu kiện lắp ghép để phủ màng, lưới tạo môi trường thích hợp cho cây trồng, vật nuôi nhằm phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản là nhu cầu rất lớn và cần thiết cho người dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp. Để có giải pháp hướng dẫn thực hiện đảm bảo đúng quy định, UBND TPHCM giao cho UBND các huyện thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp, có đề xuất giải pháp xử lý.

Tin cùng chuyên mục