Không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Khơi mạch nguồn phấn đấu

Thời gian qua, nhiều Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã được hình thành tại các doanh nghiệp với mong muốn tạo điều kiện để người lao động dễ tiếp cận, tìm hiểu về cuộc đời, giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ chí Minh.
Công nhân đọc sách tại Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại khu nhà trọ của bà Đào Thị Quá (quận Bình Tân)
Công nhân đọc sách tại Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại khu nhà trọ của bà Đào Thị Quá (quận Bình Tân)

Mở rộng, đáp ứng nhu cầu văn hóa trong người lao động

Một ngày đầu tháng 11-2023, tranh thủ giờ nghỉ giải lao giữa ca, chị Nguyễn Thu Hằng, công nhân Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TPHCM) cùng 2 đồng nghiệp rủ nhau đến tham quan Không gian văn hóa Hồ Chí Minh vừa được xây dựng tại Phòng Công đoàn công ty.

“Tôi ấn tượng vì nơi đây không chỉ có nhiều đầu sách về Bác Hồ, Bác Tôn mà còn có bản đồ hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ. Đọc, hiểu, từ đó thấy mình có thêm động lực để phấn đấu”, chị Thu Hằng chia sẻ.

Gần 1 tháng qua, từ khi Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được thực hiện, Phòng Công đoàn tại Công ty TNHH Nidec Việt Nam là điểm đến của nhiều lao động công ty. Chủ tịch Công đoàn Lưu Kim Hồng cho biết, có người chỉ tranh thủ ghé qua 5 phút để xem rồi mượn sách về đọc, có người ở lại lâu hơn để ngắm nghía, tìm hiểu về cuộc đời Bác Hồ và người thợ cả Tôn Đức Thắng.

Theo ông Lưu Kim Hồng, khi biết công đoàn thực hiện Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, lãnh đạo đơn vị rất vui vẻ đồng tình. “Chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng để tổ chức thành không gian động, có màn hình tivi để công nhân chỉ cần chạm vào là đọc và nghe được thông tin kèm hình ảnh sinh động. Đồng thời tổ chức các buổi giao lưu để trao đổi, chia sẻ các thông tin về cuộc đời Bác giữa các khu làm việc”, ông Lưu Kim Hồng cho biết.

Ngày 9-11, Liên đoàn Lao động quận 1 cũng ra mắt Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Công đoàn cơ sở Công ty TNHH E.land Việt Nam (huyện Củ Chi). Đây là Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đầu tiên tại doanh nghiệp FDI trên địa bàn quận 1. Không gian trưng bày hơn 200 hình ảnh, đầu sách là các tác phẩm, tư liệu về cuộc đời sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, phong trào CNVC-LĐ; sách pháp luật, văn học, tâm lý… nhằm giúp người lao động có thêm nơi giao lưu, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Phùng Thái Quang cho biết, việc hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các doanh nghiệp có đông công nhân, khu nhà trọ góp phần xây dựng văn hóa và con người toàn diện, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, người lao động. Đến nay, Liên đoàn Lao động TPHCM đã xây dựng hơn 50 Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI.

Góp sức lan tỏa không gian học tập Bác

Tại chi nhánh Tươi Mart ở khu dân cư Hai Thành, phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân), ông Nguyễn Long Tươi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Tươi Mart đã dành hơn 30m2 trong công ty để cùng người lao động xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Theo ông Nguyễn Long Tươi, đây là nơi công nhân, người lao động thường chọn để nghỉ trưa nên ông thực hiện không gian ngay nơi này để người lao động dễ dàng ghé qua tìm hiểu cuộc đời Bác Hồ. Tại không gian này, Công đoàn Công ty Tươi Mart cũng thường tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, đờn ca tài tử, các sân chơi… để giúp công nhân hiểu về cuộc đời hoạt động của Bác.

Ông Nguyễn Long Tươi cho biết, việc thực hiện Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không mất nhiều chi phí nhưng cần thời gian, công sức chung của toàn thể người lao động để chăm chút và làm phong phú thêm không gian bằng những đầu sách, hình ảnh. Công ty cũng đặt ra yêu cầu công nhân vận dụng những điều học được từ Bác vào công việc hàng ngày để cung cách phục vụ ngày càng nhẹ nhàng, ứng xử văn minh, lịch sự, nghĩa tình. Với mong muốn giúp người thuê trọ hiểu thêm những thông tin về Bác Hồ, nhiều Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã ra đời tại các khu nhà trọ, nơi có đông công nhân lao động sinh sống.

Hơn 1 năm qua, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại khu nhà trọ của bà Nguyễn Thị Huệ ở số 155/23 Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo (quận Bình Tân) được hầu hết người thuê trọ nơi đây thường xuyên lui tới.

“Ngoài trưng bày tư liệu, sách báo, tôi cũng tạo góc đọc sách tại không gian để trẻ con thoải mái chọn sách về Bác Hồ với thiếu nhi để đọc, còn công nhân thì cũng có nơi tìm hiểu về cuộc đời Bác Hồ, Bác Tôn hay các sách báo, tạp chí”, bà Nguyễn Thị Huệ cho biết.

Còn tại khu trọ của bà Đào Thị Quá tại số 164/8 đường Tập Đoàn 6B, phường Tân Tạo A (quận Bình Tân), trong một căn phòng trọ chưa cho thuê bà Quá sửa sang lại để làm Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ngoài sách báo, tài liệu về Bác Hồ, tại không gian còn có gần 100 đầu sách về lịch sử Sài Gòn - Gia Định, các văn kiện Đại hội Đảng, tư liệu về công đoàn...

Hay tại khu nhà trọ của bà Nguyễn Thị Xuân Hà tại đường An Dương Vương, phường 16 (quận 8), Không gian văn hóa Hồ Chí Minh có hàng trăm đầu sách, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thu hút người thuê trọ đến đọc sách vào thời gian rảnh rỗi.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Phùng Thái Quang cho biết, qua 1 năm triển khai, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, chính trị của người lao động và thu hút đông đảo người lao động tham quan, chung tay duy trì, phát triển. Đặc biệt, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các doanh nghiệp cũng đã giúp khơi gợi tinh thần trách nhiệm của người công nhân trong xây dựng giai cấp vững mạnh, qua đó có nhiều công nhân đã được đứng vào hàng ngũ Đảng.

Tin cùng chuyên mục