Phục hồi kinh tế hậu Covid-19: Thách thức của ASEAN

Tại Hội thảo trực tuyến về tình hình dịch Covid-19 tại ASEAN và sự phục hồi kinh tế khu vực do Trung tâm Nghiên cứu và Vận động chính sách ASEAN (Malaysia) tổ chức, giới chuyên gia nhận định, ASEAN phải đối mặt 3 thách thức trong tiến trình phục hồi kinh tế ở giai đoạn hiện nay gồm: nguồn cung vaccine, niềm tin và chiến lược đối phó với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Trung tâm tiêm vaccine Covid-19 đặt tại sân bay quốc tế Changi
Trung tâm tiêm vaccine Covid-19 đặt tại sân bay quốc tế Changi

Không thể chỉ dựa vào vaccine

Về nguồn cung vaccine, theo chuyên gia phân tích về chính sách và hệ thống y tế, TS Khor Swee Kheng, tính đến ngày 5-4, tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 của Malaysia cao thứ 3 trong khu vực với 1,57% tổng dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine. Singapore dẫn đầu các nước ASEAN về tỷ lệ tiêm chủng vaccine trên tổng dân số với 17,95% người dân được tiêm chủng, trong khi Indonesia theo sau, khi đạt tỷ lệ 3,16%. Campuchia ở vị trí thứ 4 với tỷ lệ 1,37%, trong khi các nước như Lào, Thái Lan, Brunei và Việt Nam đạt tỷ lệ dưới 1%.

Để bảo đảm nguồn cung vaccine, việc đặt mua liên tục có vai trò rất quan trọng. Ông Khor Swee Kheng khuyến nghị, ASEAN nên đặt mua chung và sản xuất theo khu vực nhằm mang lại lợi ích khi giúp giữ chi phí thấp cùng nguồn cung không đổi. Chuyên gia này cũng cảnh báo, tiêm vaccine không phải là chiến lược kỳ diệu khống chế dịch bệnh mà chính các biện pháp y tế công cộng mới có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm tái khởi động nền kinh tế theo từng giai đoạn. Do đó, các chính phủ không thể dựa vào vaccine để thoát khỏi đại dịch.

Về chiến lược đối phó với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và củng cố niềm tin về chính sách chống dịch, các đại biểu tham dự đều cho rằng, những biện pháp hạn chế ở quy mô quốc tế sẽ ít hiệu quả nếu các chính phủ không “thanh toán” được dịch bệnh trong nước. Do vậy, các chính phủ ASEAN cần cải tiến các hệ thống “xét nghiệm, theo dõi và cách ly”, thậm chí có thể phát triển những bộ xét nghiệm PCR phát hiện nhanh biến thể mới. Điều quan trọng là phải giảm thiểu mức độ lây lan trong cộng đồng, từ đó giảm tỷ lệ đột biến của virus.

Ưu tiên chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Đề cập kế hoạch tái khởi động nền kinh tế, giới chuyên gia cho rằng, có thể ưu tiên một số chính sách như số hóa nền kinh tế, xây dựng nguồn cung từ tư nhân đối với thiết bị y tế công và tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nòng cốt tạo việc làm, đảm bảo sinh kế cho người dân ASEAN. Việc giúp các doanh nghiệp phục hồi còn hỗ trợ chính sách thúc đẩy Cộng đồng Kinh tế ASEAN theo cách toàn diện hơn, tăng cường khả năng phục hồi của xã hội, nền kinh tế và hệ thống y tế. ASEAN đang là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới nhưng thương mại nội khối hiện chỉ chiếm khoảng 20%, bất chấp việc 98% các biểu thuế đã được cắt giảm về 0-5%. Do vậy, trong giai đoạn phục hồi này, điều ASEAN cần là một kế hoạch kích thích kinh tế đồng bộ, được thiết kế linh hoạt để chống chọi với suy thoái kinh tế kéo dài và thúc đẩy mạng lưới liên kết sản xuất của ASEAN.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN diễn ra theo hình thức trực tuyến trong tháng 3, các bộ trưởng đã đề xuất cấp chứng nhận chung của cả khối dưới dạng kỹ thuật số về tiêm vaccine Covid-19 để thúc đẩy việc mở cửa trở lại các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch như du lịch. Nếu chứng nhận này được thực hiện trong tương lai gần sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển giữa các nước thành viên ASEAN. Tuy nhiên, hiện chưa có mốc thời gian cụ thể về việc áp dụng chứng nhận này bởi cần được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp Bộ trưởng Y tế của ASEAN trong thời gian tới.

Theo dự báo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong năm 2022, nhóm nước đạt tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhanh nhất ASEAN sẽ gồm Việt Nam (7,2%), Philippines (6,5%), Malaysia và Campuchia cùng đứng thứ 3 với mức tăng trưởng dự báo đạt 6%. Riêng trong năm 2021, có 6 nước ASEAN đạt tăng trưởng GDP cao gồm Philippines (6,9%), Malaysia và Việt Nam (cùng 6,5%), Singapore (5,2%), Lào (4,6%), Indonesia (4,3%) và Campuchia (4,2%).

Tin cùng chuyên mục