Không hỗ trợ kiểu cào bằng

Tại cuộc tọa đàm góp ý xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Bộ Tư pháp tổ chức ngày 21-6, nhiều ý kiến nhận định, dự thảo cần quán triệt nguyên tắc bảo đảm sự bình đẳng pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa so với doanh nghiệp lớn và thiết lập một số cơ chế pháp lý đặc thù dành cho doanh nghiệp thực sự nhỏ.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần xem xét phân nhóm cụ thể hơn giữa doanh nghiệp nhỏ (gồm cả siêu nhỏ) và doanh nghiệp vừa, để có mức độ hỗ trợ khác nhau trong luật. Quy định như dự thảo thì giữa doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa (gần trở thành doanh nghiệp lớn), có sự khác nhau quá lớn về năng lực và quy mô (có khi đến hàng trăm, hàng ngàn lần) nên không thể hỗ trợ cào bằng như nhau. Mặt khác, cần xem xét loại trừ một số đối tượng không nên hỗ trợ hoặc chỉ hỗ trợ một phần, như đối với các công ty đại chúng, công ty niêm yết, vì đây đã là những doanh nghiệp bài bản, có quy mô tương đối lớn. Tương tự, nên loại trừ các doanh nghiệp là công ty con của doanh nghiệp lớn, vốn đã được dựa vào thế mạnh rất lớn của công ty mẹ. Hơn nữa, bản thân nguồn lực hỗ trợ cũng còn hạn chế nên không thể mở quá rộng, “gánh quá sức sẽ đứt gánh giữa đường”. Vì vậy, cần tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (với quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng doanh thu hoặc từ 20 - 30 lao động trở xuống), chứ không nên hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa; hoặc nếu có hỗ trợ thì chỉ cần hỗ trợ với mức độ ít hơn nhiều.

Một điểm đáng lưu ý khác là dự thảo luật quy định rất nhiều đối tượng tham gia vào quá trình hỗ trợ doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ cũng lên đến trên nửa triệu và dự kiến khoảng 5 năm nữa sẽ lên đến 1 triệu. Vì vậy, cần phải thành lập một cơ quan chuyên trách cấp cục vụ ở trung ương và cấp phòng mỗi tỉnh, thành để bảo đảm khả năng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là bảo đảm sự bình đẳng giữa tất cả các loại hình, sở hữu và quy mô doanh nghiệp, không để họ mất cơ hội và quyền lợi đáng ra được hưởng so với doanh nghiệp lớn. Vì vậy, khoản 2, Điều 9 về “Cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính”, dự thảo luật đã quy định nghiêm cấm cơ quan, tổ chức “Ban hành quy định phân biệt đối xử về điều kiện kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận các nguồn lực dựa trên các tiêu chí về quy mô kinh doanh, trừ khi các quy định này được luật quy định” hay có hành vi phân biệt đối xử.

Như vậy, nhiều quy định đã ban hành tại các nghị định về điều kiện kinh doanh dựa vào quy mô trái với quy định trên về kinh doanh xuất khẩu gạo, vận tải taxi, phân phối gas và các quy định tương tự cần phải được bãi bỏ. Thậm chí cả việc quy định về mức vốn pháp định cũng cần phải xem lại đối với nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp có vốn lớn thì đương nhiên có cơ hội kinh doanh bất động sản tốt hơn. “Nhưng tại sao trước đây doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới 6 tỷ đồng trước đây và hiện nay có mức vốn điều lệ dưới 20 tỷ đồng lại không được kinh doanh bất động sản?” - luật sư Trương Thanh Đức nêu vấn đề. Cơ bản tán thành các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, song có rất nhiều điểm được đề nghị điều chỉnh theo hướng cụ thể hóa hơn.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục