Ngày cuối xét tuyển đợt 1
(SGGPO). - Hôm nay, 20-8 là ngày cuối cùng thí sinh được nộp hồ sơ ĐKXT nguyện vọng 1. Đúng như dự kiến, trong ngày cuối cùng, tình hình nộp - rút hồ sơ vẫn diễn ra căng thẳng ở các trường đại học, nhất là những trường tốp giữa, thậm chí có nơi gần như “vỡ trận” khi mạng bị nghẽn với hàng ngàn thí sinh đến nộp - rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng như ở Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
Nước mắt rơi trên khuôn mặt của không ít phụ huynh lẫn thí sinh trong ngày cuối xét tuyển đợt 1.
Theo ghi nhận chung, thí sinh nộp vào thời điểm này thường có điểm cao còn thí sinh rút ra thường điểm thấp hơn điểm chuẩn dự kiến của trường. Một cuộc “tháo chạy” khỏi các trường tốp trên và đổ dồn về các trường tốp giữa đã diễn ra trong ngày cuối của đợt tuyển sinh thứ nhất. Thí sinh và người nhà như ngồi trên đống lửa. Thậm chí, nước mắt đã rơi không ít ở các thí sinh và phụ huynh vì cuộc đua xét tuyển được đánh giá là căng thẳng, mệt mỏi nhất từ trước đến nay.
Nghẽn mạng vì quá đông thí sinh rút - nộp
Tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, từ sáng đến tận cuối giờ trưa 20-8, cả hội trường lớn và phía hành lang vẫn đông nghẹt phụ huynh lẫn sĩ tử. Cả ngàn thí sinh, phụ huynh đứng ngồi không yên để thực hiện việc rút, nộp hồ sơ và thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Tuy nhà trường đã huy động tối đa lực lượng cho công tác tuyển sinh, việc tiếp nhận bố trí rất khoa học (có bàn phát số thứ tự cho thí sinh về: rút hồ sơ, nộp hồ sơ, thay đổi nguyện vọng) nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng dồn ứ. Nguyên nhân là mạng bị nghẽn do lượng truy cập cùng thời điểm quá đông.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nỗi đã linh động khi ưu tiên cho những thí sinh rút hồ sơ được giải quyết sớm để các em kịp nộp hồ sơ sang trường khác. Nhưng do mạng bị nghẽn nên vẫn xảy ra tình cảnh thí sinh đã rút hồ sơ xong từ đầu giờ sáng, sang nộp trường khác nhưng đến nơi thấy tên mình chưa bị xóa ở Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội nên lại hớt hải chạy về trường này để hỏi. Vì vậy, các cán bộ tuyển sinh của trường phải liên tục phát loa thông báo: “Vì mạng đang nghẽn, có thể trong buổi chiều phần mềm mới xóa được tên các em ở Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nên thí sinh đã rút hồ sơ cứ yên tâm đến đầu trường nộp hồ sơ để.. đợi”.
Theo Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội Nguyễn Quang Dong, chưa bao giờ trường có cảnh thí sinh ồ ạt đến rồi chen chúc xếp hàng để nộp hồ sơ như vậy. Tình trạng này đã diễn ra từ ngày 19-8. Sáng nay, 20-8, nhà trường đã in kết quả tuyển sinh theo ngành đợt 1, tạm thời đến 18 giờ ngày 19-8 (kể cả hồ sơ chuyển qua bưu điện và đăng ký trực tuyến) và dán nhiều nơi cho thí sinh, phụ huynh tham khảo. Theo đó, hầu hết các ngành đều có điểm chuẩn tạm thời từ 22,5 điểm đến 26 điểm và số hồ sơ trúng tuyển tạm thời đều đã vượt chỉ tiêu. Chắc chắn mức điểm chuẩn tạm thời này sẽ còn biến động vì trong ngày 20-8, số thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường vẫn rất đông.
Thí sinh Trần Thị Anh Vân (Hà Nội) cầm trên tay số thứ tự 324 để đợi nộp hồ sơ cho biết, với tình trạng đông và nghẽn mạng như thế này, chắc em phải đợi sang buổi chiều mới nộp được. Em thi được 26,25 điểm và đã nộp hồ sơ vào Trường ĐH Ngoại thương. Nhưng đến ngày 19-8, nhận thấy điểm của em chỉ ngấp nghé mức điểm chuẩn tạm thời của Trường ĐH Ngoại thương nên em vội rút hồ sơ nộp vào ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho chắc ăn.
Trong khi đó, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, tình hình có vẻ yên cả hơn. Tính đến trưa 20-8, thống kê cho thấy khoảng gần 200 thí sinh đến rút hồ sơ khỏi trường này. Tuy nhiên, số nộp vào cũng khoảng 100 hồ sơ.
Đến 11 giờ, thí sinh Lê Tiến Trung vẫn ngồi bần thần trước cửa phòng đào tạo trường đại học Bách khoa không biết có nên rút hồ sơ hay không. “Em thi được 23,75 điểm, đăng ký nguyện vọng một vào ngành KT12, nguyện vọng hai vào ngành CN3. Nhưng hiện giờ em đã bị gạt khỏi danh sách ngành KT12, ngành CN3 thì điểm chuẩn dự kiến đang bằng mức điểm của em. Em đến đây từ sáng nhưng vẫn băn khoăn có nên rút hay không rút. Nếu để em vẫn có nguy cơ bị trượt, có lẽ là em sẽ rút,” Trung lo lắng nói. Trong sáng nay, ở Hà Nội, lượng thí sinh đến nộp - rút hồ sơ ở Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Giao thông Vận tải, Thủy lợi.. cũng rất đông.
Thí sinh, phụ huynh bật khóc vì căng thẳng
Trao đổi với chúng tôi, chị Bùi Thị Nga (Hà Nội) cho biết, con trai chị thi khối A được 23,5 điểm, đã nộp hồ sơ vào Khoa CNTT Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng thấy không an toàn nên rút ra, nộp vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Tuy vậy, cho đến sáng 20-8 vẫn thấy chưa yên tâm. “Ngày 20-8 là lần thứ 4 tôi cùng con trai đến trường để theo dõi tình hình, nếu trong chiều nay thấy không ổn sẽ rút ra lần nữa để nộp vào Học viện Ngân hàng”, chị Nga cho biết. Với cảnh xét tuyển năm nay, vị phụ huynh này than vãn: Bộ GD-ĐT phải xem lại phương án tuyển sinh, như thế này khổ cho phụ huynh và thí sinh quá. Mọi năm thi xong là biết đỗ hay trượt, năm nay phải tính toán, canh điểm, rút ra rút vào mà vẫn không chắc có đỗ hay không.
Rất xúc động, bà Nguyễn Thị Hồng, 60 tuổi đến từ Hải Phòng chia sẻ với phóng viên qua hai hàng nước mắt: “Một tuần nay mẹ con tôi thuê trọ ở Hà Nội rồi, mệt mỏi, cực nhọc lắm mà không biết tương lai con tôi ra sao”. Con gái bà Hồng là thí sinh Vũ Thị Phương Hạnh, trường chuyên Trần Phú - Hải Phòng, học sinh giỏi 12 năm liền, năm nay thi khối D được 24,25 điểm. Với số điểm này, ban đầu em tự tin nộp vào Khoa Quản trị kinh doanh ĐH Ngoại thương, nhưng đến ngày 17-8 thì rút ra vì không có cơ hội. Từ ngày 17-8 đến nay, 2 mẹ con em thuê phòng trọ ở gần ĐH Kinh tế Quốc dân để hàng ngày đến trường theo dõi tình hình nhằm nộp hồ sơ. “Nhưng đến sáng 20-8, biết là khó vào ĐH Kinh tế Quốc dân nên em đã quyết định nộp vào Học viện Tài chính (dự kiến điểm chuẩn đến ngày 19-8 là 21,75 điểm). Em mệt mỏi lắm rồi, không muốn tính toán nữa, chấp nhận nộp khoa tài chính ngân hàng-là khoa thấp nhất của Học viện Tài chính. Giờ thì đỗ-trượt cũng mặc kệ”, thí sinh Hạnh chán nản chia sẻ.
Theo thí sinh Vũ Thị Phương Hạnh, để “me” việc xét tuyển, 2 mẹ con lên trọ ở Hà Nội, còn ở nhà 3 chị gái của em túc trực bên máy tính để theo dõi tình hình các trường, tính toán cơ hội, sau đó liên lạc với 2 mẹ con ở trên Hà Nội để quyết định rút-nộp hồ sơ. “Tôi phản đổi việc xét tuyển năm nay. Không chỉ mình con tôi khổ sở mà cả gia đình cùng khổ. Con tôi thi vậy là điểm cũng cao, mọi năm là có thể chắc chắn đỗ đại học, nhưng giờ thì ăn chực nằm chờ để tìm cơ hội. Các phụ huynh xung quanh tôi ai cũng phản đối tuyển sinh kiểu này, tốn kém, mệt mỏi lắm”, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết. Theo phụ huynh này, để chọn được người giỏi vào đại học, cần thi đại học thật khó, thật nghiêm, em nào đủ năng lực thì vào đại học, nếu trượt thì cũng chỉ … đau một lần rồi thôi. Còn thi như năm nay, đề thi khiến thí sinh điểm đều cao, trừ những thí sinh điểm rất cao thì xét tuyển thuận lợi, còn những em từ 21 đến 24 điểm không biết tính toán thế nào cho phù hợp. “Con tôi được 24,25 điểm, cả họ phải lao vào tính toán. Vợ chồng tôi cả mấy tuần nay không làm ăn gì, chỉ biết nấu ăn phục vụ cho các con tôi ngồi tính toán điểm chác. Quá căng thẳng. Đến hôm nay thì không thiết tính toán gì nữa, cho cháu nộp vào Học viện Tài chính. Tôi xem thấy Bộ trưởng nói đây cũng là cơ hội để thí sinh biết lo lắng, trưởng thành lên. Nhưng tôi cho rằng, tuổi các cháu chưa đến lúc phải chịu đựng cảnh tính toán như chơi chứng khoán này. Chúng tôi là bố mẹ các cháu mà còn điên lên vì tính toán nữa là những đứa mới 18 tuổi”, bà Hồng tâm sự.
PHAN THẢO