Không lo thiếu hàng tết

Lượng hàng hóa tương ứng hơn 7.580 tỷ đồng
Không lo thiếu hàng tết

Còn đúng 2 tháng nữa là thị trường bước vào cao điểm kinh doanh, mua sắm hàng hóa, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. So với những mùa tết năm trước, năm nay các doanh nghiệp (DN) tại TPHCM, đặc biệt là các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường đều tăng lượng hàng dự trữ khá cao, gấp 2 - 3 lần so với tháng thường và tăng bình quân 69,4% so với kế hoạch thực hiện mùa tết năm 2013. Với sự chuẩn bị hàng hóa dồi dào, phong phú người dân TP hoàn toàn yên tâm mua sắm hàng tết với giá cả ổn định.

Gian hàng trái cây đặc sản của các tỉnh, thành được giới thiệu và bày bán tại Hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa diễn ra ngày 7-11 -2013 tại TPHCM. Ảnh: Thanh Vũ

Gian hàng trái cây đặc sản của các tỉnh, thành được giới thiệu và bày bán tại Hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa diễn ra ngày 7-11 -2013 tại TPHCM. Ảnh: Thanh Vũ

Lượng hàng hóa tương ứng hơn 7.580 tỷ đồng

Theo nhận định của Sở Công thương TPHCM, năm 2013 là năm đầu tiên TP không thực hiện việc ứng vốn ngân sách cho DN vay với lãi suất 0% để chuẩn bị hàng hóa, phục vụ tết. Nhưng với sự vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời của 5 ngân hàng thương mại, thông qua việc cung ứng vốn với lãi suất ưu đãi (ngắn hạn 6%/năm, trung và dài hạn 10%/năm), cộng với nguồn vốn sẵn có của mình, đến nay các DN trong chương trình bình ổn đều đã hoàn thành kế hoạch dự trữ hàng hóa, đảm bảo cung - cầu thị trường cuối năm.

Theo đó, tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị cho 2 tháng trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 là 7.581,7 tỷ đồng, tăng 2.184,5 tỷ đồng (tăng 40,5%) so với Tết Quý Tỵ 2013 (5.397,3 tỷ đồng); trong đó, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 4.901 tỷ đồng, tăng 1.879 tỷ đồng (tăng 62,17%) so với Tết Quý Tỵ 2013 (3.022,1 tỷ đồng). Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 (từ ngày 1-1-2014 đến 31-1-2014) tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 3.790,9 tỷ đồng, trong đó hàng hóa bình ổn thị trường là 2.450,5 tỷ đồng. Cụ thể, Liên hiệp HTX Thương mại thành phố (Saigon Co.op) đang chuẩn bị 46.000 tấn hàng hóa thực hiện chương trình bình ổn, trong đó có 12.000 tấn lương thực, 8.000 tấn thịt gia súc và gia cầm, 3.000 tấn thực phẩm chế biến, 16.000 tấn rau củ quả… Hiện tổng vốn mà Saigon Co.op chuẩn bị cho mùa kinh doanh tết là 1.580,6 tỷ đồng (hàng hóa bình ổn thị trường là 794,6 tỷ đồng). Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) chuẩn bị 853 tỷ đồng (hàng hóa bình ổn thị trường là 784 tỷ đồng) với 40.000 con heo và 10.000 tấn thực phẩm chế biến cho mùa Tết Giáp Ngọ, tăng 20% so với cùng kỳ. Công ty TNHH Phạm Tôn chuẩn bị 287,4 tỷ đồng (toàn bộ giá trị hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường), Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn chuẩn bị 195 tỷ đồng (hàng hóa bình ổn thị trường 103 tỷ đồng), Công ty TNHH Ba Huân chuẩn bị 71,1 tỷ đồng cho mùa kinh doanh tết...

Về khả năng cung ứng hàng hóa của DN trong chương trình, tăng bình quân 114% so với kế hoạch mà TP giao và tăng bình quân 69,4% so với kết quả thực hiện của Tết Quý Tỵ 2013. Nhiều mặt hàng được chuẩn bị với số lượng lớn, có khả năng chi phối từ 30% - 60% nhu cầu của thị trường như dầu ăn (61,5%), đường (75,4%), thịt gia cầm (66%), trứng gia cầm (47,8%), thực phẩm chế biến (64,7%), thịt gia súc (32,2%).

Cùng với các DN bình ổn, các DN khác cũng đang tích cực triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng tết. Là một trong những DN cung ứng bánh kẹo chủ lực cho thị trường, Công ty Kinh Đô sẽ tung ra thị trường hơn 4.500 tấn bánh kẹo, tăng 20% sản lượng so với năm ngoái, với 4 nhóm sản phẩm chính đa dạng về mẫu mã, chủng loại để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Công ty Saigon Food cũng tăng 10% lượng hàng hóa với 500 tấn, đồng thời thực hiện chiến lược sản xuất dựa trên nhu cầu của thị trường, không sản xuất tràn lan, tránh bị “chôn” vốn… Các nhà phân phối như Maximark, Big C, Citimart… cũng chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp 2 - 3 lần so với tháng thường.

Ổn định giá hàng tết

Để tránh tình trạng thị trường bị thiếu hàng, sốt giá, năm nay, Sở Công thương TPHCM đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để theo dõi chặt tình hình cung - cầu cũng như giá cả các mặt hàng tết. Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP cho biết, bên cạnh việc tổ chức chuẩn bị nguồn hàng, năm nay sở đã yêu cầu các DN sản xuất và phân phối lên kế hoạch thật chi tiết, cụ thể. Đối với DN sản xuất phải đưa ra cho được số lượng hàng hóa thật cụ thể như lượng hàng do DN chủ động đầu tư sản xuất hoặc liên kết với các vệ tinh, khả năng cung ứng và chi phối thị trường… Các DN phân phối cũng phải có kế hoạch kinh doanh đối với từng mặt hàng thiết yếu, đồng thời tiến hành đặt hàng chi tiết cho các DN sản xuất để tạo sự kết nối tốt nhằm chủ động hơn trong quá trình cung ứng và phân phối hàng hóa.

Về giá bán, năm nay các sở, ngành chức năng của TP cũng đã yêu cầu các DN trong chương trình bình ổn thị trường có cam kết sẽ ổn định giá bán, sẽ không chấp nhận cho tăng giá bất kỳ mặt hàng nào trong tháng tết. Giá cả hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đảm bảo ổn định, không tăng giá trong 2 tháng tết (tức 1 tháng trước tết và 1 tháng sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, kể từ ngày 1-1-2014 đến ngày 28-2-2014). Ngoài ra, các DN cũng đăng ký với Sở Công thương TP về kế hoạch giảm giá bán hàng thiết yếu như thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, gạo… trong những ngày cận tết để hỗ trợ người dân nghèo có thể mua sắm hàng hóa đón tết.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan khẳng định, tết năm nay hàng hóa sẽ rất dồi dào, phong phú. Vissan cam kết không tăng giá bán trong suốt mùa kinh doanh tết, thậm chí để kích cầu, công ty sẽ tổ chức các chương trình khuyến mại giảm giá từ 5% - 10% so với thị trường. Điều khiến Vissan và nhiều DN lo lắng hiện nay chính là sức mua còn chậm, nếu không có chiến lược kinh doanh đúng đắn thì sẽ khó đạt được mức tăng trưởng doanh thu như mong muốn. Ông Nguyễn Xuân Luân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, cho biết, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm, Kinh Đô còn nỗ lực giữ giá bán sản phẩm và chỉ điều chỉnh nhẹ từ 1% – 2% cho một số mặt hàng, dù giá đầu vào một số loại nguyên liệu tăng tới 20%. Để thực hiện chính sách này, Kinh Đô tập trung hợp lý hóa các chi phí sản xuất, bán hàng… cũng như chia sẻ một phần chi phí, lợi nhuận với người tiêu dùng.

Theo nhận định của Sở Công thương TPHCM, thời điểm cuối năm, giá cả một số loại nguyên liệu thường có sự biến động, nhưng công tác chuẩn bị hàng hóa đang được triển khai hiệu quả, chất lượng tốt, giá cả phù hợp, ổn định có khả năng chi phối thị trường, dẫn dắt thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

  • Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng: Giám sát chặt khả năng cung - cầu, giá cả

Các sở, ngành cần theo dõi và nắm bắt sát diễn biến của thị trường, từ đó có những phân tích, đánh giá để triển khai, hỗ trợ các thành phần kinh tế chuẩn bị hàng hóa phù hợp và kịp thời. Về cơ cấu các nhóm hàng, đặc biệt là hàng đặc trưng cho mùa mua sắm tết, nên căn cứ vào kết quả tiêu dùng của năm trước và sức mua trong thực tế. Từ đó xây dựng kế hoạch sát thực, tránh tình trạng dự trữ quá nhiều trong khi mức cầu không tăng cao.

TP đã định hình được mạng lưới phân phối đa dạng và rộng khắp, ngoài hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống, phiên chợ nông thôn, bán lưu động, còn có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể… Nhưng điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự kết nối tốt hơn giữa DN với người tiêu dùng. Cần có sự kết nối giữa các sở, ngành, quận, huyện với ban quản lý  các chợ trong việc xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa, kiểm soát hàng gian, hàng giả và quản lý giám sát giá, đặc biệt là giá dịch vụ thường đồng loạt tăng vào dịp tết. Trong trường hợp nơi nào để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá thì người đứng đầu của địa bàn đó chịu trách nhiệm trước UBND TP. Đối với những địa điểm phát hiện tự ý nâng giá dịch vụ tăng cao trong dịp tết, các sở, ngành phải nắm sát thực tế để tiến hành truy thu thuế hoặc phạt thật nặng đối với hành vi vi phạm.

  • Sản lượng 9 mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014

Qua báo cáo của các đơn vị, kết hợp công tác kiểm tra chương trình bình ổn thị trường đối với các DN tham gia trong kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa bình ổn thị trường tháng cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 tại TPHCM như sau:

° Lương thực (gạo, nếp, mì, bún khô): Kế hoạch TP giao cho các DN để thực hiện cung ứng ra thị trường trong 1 tháng tết là 5.564 tấn. Tuy nhiên, khả năng cung ứng của các DN trong 1 tháng cao điểm là 15.238 tấn, chiếm 27,7% nhu cầu tiêu dùng, vượt 173,9% kế hoạch TP giao, trong đó lượng hàng bình ổn là 7.043 tấn, vượt 85% lượng hàng thực hiện trong Tết Quý Tỵ 2013. Số lượng hàng hóa dự trữ hiện có tại các kho hàng đảm bảo cung ứng khi có biến động thị trường là 34.107 tấn.

° Đường: Kế hoạch TP giao chuẩn bị là 3.505 tấn, khả năng cung ứng của DN là 6.186 tấn, chiếm 75,4% nhu cầu, vượt 76,5% kế hoạch, trong đó lượng hàng bình ổn là 4.081 tấn, vượt 39,1% lượng hàng thực hiện trong Tết Quý Tỵ 2013. Hàng dự trữ là 3.380 tấn.

° Dầu ăn: Kế hoạch TP giao là 1.793 tấn, khả năng cung ứng của DN là 3.075 tấn, chiếm 61,5% nhu cầu, vượt 71,5% kế hoạch, trong đó lượng hàng bình ổn là 1.945 tấn, vượt 17,2% lượng hàng thực hiện trong Tết Quý Tỵ 2013. Hàng dự trữ là 1.284 tấn.

° Thịt gia súc: Kế hoạch TP giao là 4.830 tấn, khả năng cung ứng của DN là 5.835 tấn, chiếm 32,2% nhu cầu, vượt 20,8% kế hoạch, trong đó lượng hàng bình ổn là 5.755 tấn, vượt 14,2% lượng hàng thực hiện trong Tết Quý Tỵ 2013. Hàng dự trữ là 18.237 tấn.

° Thịt gia cầm: Kế hoạch TP giao là 5.940 tấn, khả năng cung ứng của các DN là 7.790 tấn, chiếm 66% nhu cầu,vượt 31,1% kế hoạch, trong đó lượng hàng bình ổn là 7.300 tấn, vượt 114,3% lượng hàng thực hiện trong Tết Quý Tỵ 2013. Hàng dự trữ là 9.527 tấn.

° Trứng gia cầm: Kế hoạch TP giao là 34,9 triệu quả, khả năng cung ứng của DN là 40,6 triệu quả, chiếm 47,8% nhu cầu, vượt 16,3% kế hoạch, trong đó lượng hàng bình ổn là 36,6 triệu quả, vượt 19,2% lượng hàng thực hiện trong Tết Quý Tỵ 2013. Hàng dự trữ 39,57 triệu quả.

° Thực phẩm chế biến: Kế hoạch TP giao là 2.266 tấn, khả năng cung ứng của DN là 4.530 tấn, chiếm 64,7% nhu cầu, vượt 99,9% kế hoạch, trong đó lượng hàng bình ổn là 3.690 tấn, vượt 56,9% lượng hàng thực hiện trong Tết Quý Tỵ 2013. Hàng dự trữ 9.862 tấn.

° Rau củ quả: Kế hoạch TP giao là 4.472 tấn, khả năng cung ứng của DN là 11.200 tấn, chiếm 15,6% nhu cầu, vượt 150,4% kế hoạch, trong đó lượng hàng bình ổn là 7.020 tấn, vượt 93,4% lượng hàng thực hiện trong Tết Quý Tỵ 2013. Hàng dự trữ là 5.173 tấn.

° Thủy hải sản: Kế hoạch TP giao là 557 tấn, khả năng cung ứng 1.646 tấn, chiếm 9,1% nhu cầu, vượt 195,4% kế hoạch, trong đó lượng hàng bình ổn là 738 tấn, vượt 185,4% lượng hàng thực hiện trong Tết Quý Tỵ 2013. Hàng dự trữ là 1.329 tấn.

Nguồn: Sở Công thương TPHCM

HẢI HÀ

Tin cùng chuyên mục