Không nên chạy theo quy mô hoành tráng

Công trình Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tây Bắc dự kiến xây dựng tại tỉnh Sơn La, về mặt chủ trương đã được Ban Bí thư thông qua; các bộ VH-TT-DL, KH-ĐT, Xây dựng, Tài chính đã ủng hộ. Tóm lại về mặt thủ tục hoàn toàn đúng quy trình. Đó là thông tin được ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT-DL) khẳng định trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT-DL):

Công trình Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tây Bắc dự kiến xây dựng tại tỉnh Sơn La, về mặt chủ trương đã được Ban Bí thư thông qua; các bộ VH-TT-DL, KH-ĐT, Xây dựng, Tài chính đã ủng hộ. Tóm lại về mặt thủ tục hoàn toàn đúng quy trình. Đó là thông tin được ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT-DL) khẳng định trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP.

Với kinh nghiệm của người có chuyên môn, ông Vi Kiến Thành cho biết, đưa con số dự kiến nào trong thời điểm này cũng là chưa chính xác. Ông phân tích với một công trình tượng đài phải được xây dựng, dự toán kinh phí, trên cơ sở phác thảo đã được chọn. Vì khi phác thảo sẽ xác định được tượng gồm bao nhiêu nhân vật, tượng sẽ được làm bằng chất liệu gì, quy mô của tượng như thế nào, không gian kiến trúc của công trình như thế nào?... Tất cả những điều này sẽ được thể hiện qua phác thảo của công trình. Khi có phác thảo được duyệt, mới tiến hành xây dựng dự toán là bao nhiêu tiền.

- Phóng viên: Trong thời điểm kinh tế khó khăn, việc tập trung xây dựng các công trình lớn, hoành tráng có phù hợp không thưa ông?

>> Ông Vi Kiến Thành: Quan điểm của Bộ VH-TT-DL, bằng văn bản, cũng như trong tất cả các hội nghị, hội thảo, tuyển chọn các tác phẩm, phác thảo đều lưu ý rằng phải căn cứ vào điều kiện tình hình kinh tế - xã hội của từng địa phương, cũng như quy mô công trình làm sao cho phù hợp với không gian kiến trúc ở địa phương đó. Quan điểm của bộ cũng như Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm là không chạy theo quy mô hoành tráng, tượng phải to lớn. Bộ VH-TT-DL cũng không có tư tưởng xây dựng tượng đài tràn lan.

- Một trong những yếu điểm của mỹ thuật Việt Nam là sáng tạo, thực hiện tượng đài, tranh hoành tráng. Trong tình trạng như vậy thì việc tổ chức các cuộc thi thiết kế, sáng tạo có thể đem lại được các tác phẩm ưng ý?

Tôi phải nói là việc làm các công trình mỹ thuật công cộng, trong đó có các tượng đài công cộng phục vụ đời sống nhân dân chưa bao giờ là nhu cầu đặt ra, đặt hàng của ngành mỹ thuật cả. Tất cả đều do việc làm của các địa phương, ngành mỹ thuật là người làm, phục vụ cụ thể để thành hiện thực. Nhu cầu hoàn toàn do các địa phương, bộ ngành.

Nói chung bây giờ làm tượng đài ở Việt Nam không phải nhà điêu khắc nào, kiến trúc sư nào cũng có thể làm được. Đó là thực tế. Có những cuộc thi rất đông người tham gia, ví dụ cuộc thi tượng đài Bác Hồ ở TPHCM vừa rồi, có hơn 30 tác giả, hơn 30 mẫu phác thảo gửi đến. Nhưng mẫu chất lượng chỉ loanh quanh khoảng 7 công ty, tác giả là cùng, không nhiều tác phẩm tốt. Hiện nay chúng ta đang thiếu các nhà điêu khắc, kiến trúc sư tài năng, có năng lực để làm tượng đài. Thực tế này không khỏa lấp được trong thời gian ngắn.

- Được biết trong báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm 2015, tỉnh Sơn La đã đưa ra con số với 5 huyện còn đang trong tình trạng nghèo. Vậy với một quần thể được dự toán lên tới 1.400 tỷ đồng, liệu là có quá lãng phí với một tỉnh còn nhiều huyện nghèo như vậy?

Tôi nghĩ, không chỉ cá nhân tôi mà rất nhiều người dân khác cũng nghĩ là cần phải hết sức cân nhắc cho một dự án quần thể với số tiền là 1.400 tỷ đồng, khi mà tỉnh này còn nhiều huyện nghèo. Họ cần phải tính toán rất chặt chẽ và thi công có thể được chia làm nhiều giai đoạn, 5 năm đến 10 năm, chứ không thể thi công cùng một lúc với số tiền khổng lồ ấy. Họ có thể thi công mỗi năm hay vài năm một hạng mục, công trình nào đó.

- Có người cho rằng các tác phẩm phải to mới thể hiện được tầm, sức lan tỏa của tượng đài? Dưới góc nhìn của người làm nghệ thuật ông có nhận xét gì?

Quy mô của công trình không ảnh hưởng tới giá trị nghệ thuật. Hay có thể nói rõ hơn là giá trị nghệ thuật của tượng đài hay các công trình không tỷ lệ thuận và cũng không phải tỷ lệ nghịch với quy mô của công trình ấy. Có những tượng đài có quy mô nhỏ nhưng giá trị nghệ thuật lại được đánh giá cao. Việc đem đánh đồng giá trị của tượng đài, công trình với quy mô là suy nghĩ rất sơ đẳng. Không ai nghĩ là làm to mà giá trị lại cao, theo tôi quy mô lớn hay nhỏ là do nhu cầu, mong muốn, quan niệm của địa phương. Bởi phía sau tượng đài là có những chuyện có thể nói cả ngày. Có những việc mà không phải giới chuyên môn, giới mỹ thuật, giới kiến trúc có thể quyết định được hết hình thức nghệ thuật của tác phẩm đâu mà còn nhiều yếu tố khác.

- Ông nghĩ như thế nào khi mà gần đây, rất nhiều địa phương đua nhau xây dựng những công trình, tượng đài lớn? Là người phụ trách ngành mỹ thuật, một ngành có chuyên môn, ông đã có tư vấn hay tham mưu nào cho Bộ VH-TT-DL cũng như cho Chính phủ về điều này?

Những công trình mỹ thuật công cộng, trong đó có tượng đài phục vụ đời sống nhân dân, chưa bao giờ là nhu cầu đặt hàng của ngành mỹ thuật. Tất cả các yêu cầu đó đều xuất phát từ địa phương. Tức là khi địa phương có nhu cầu thì ngành mỹ thuật tham gia để thực hiện về mặt chuyên môn cho các công trình. Còn về tham mưu cho bộ và Chính phủ, tôi nghĩ cần sự đồng thuận, vào cuộc của các nhà lãnh đạo cũng như của giới truyền thông. Bởi xu hướng của khá nhiều người trong xã hội hiện nay là thích to, rất thích lập kỷ lục, hoành tráng. Thậm chí là xu hướng của nhiệm kỳ, họ muốn làm một công trình hoành tráng để đời, để nhân dân có thể ghi nhớ nhiệm kỳ đó đã xây dựng được một tượng đài to lớn, một công trình để đời. Tôi nghĩ cần có thời gian thay đổi quan niệm, chứ không thể một sớm, một chiều và ngành mỹ thuật thì không thể can thiệp quan niệm như vậy được.

- Xin cảm ơn ông!

MAI AN

- Không có chuyện xây tượng đài ở Sơn La tốn 1.400 tỷ đồng

Tin cùng chuyên mục