Trong 2 bài viết đăng trên Báo SGGP mới đây - “Khi nội dung thiếu thuyết phục” và “Khổ vì mỗi trường một kiểu”, phản ánh nội quy học đường của một số trường phổ thông ở TPHCM vừa thiếu thuyết phục vừa gây phản ứng đối với học sinh. Để làm rõ quan điểm giáo dục có nên cấm hay trừng phạt học sinh, PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM.
* PV: Thưa ông, một số trường phổ thông ở TPHCM đưa ra những nội quy học đường hơi khắt khe về quần áo, đầu tóc, cặp táp, giày dép… và việc cấm đoán, trừng phạt cũng khác nhau. Nhận định của ông về vấn đề này?
* Ông NGUYỄN HOÀI CHƯƠNG: Theo tôi, việc đưa ra nội quy học đường phải tuân thủ những quy định chung của ngành giáo dục nhưng không được xa rời quy tắc hướng học sinh vào nề nếp, giáo dục nhân cách, đạo đức để các em trở thành những công dân tốt, sống có kỹ năng. Chính vì thế, việc xây dựng, ban hành các quy định, nội quy học đường, nhất là đối với học sinh trung học phổ thông phải bắt nguồn từ mục đích giáo dục, điều chỉnh các hành vi chưa đúng của các em.
Đừng nghĩ đưa ra quy định khắt khe trừng phạt học sinh thì các em sẽ nghe theo. Mọi quy định cứng nhắc, thiếu tính thuyết phục và không mang tính giáo dục từ cá thể đến toàn trường sẽ tạo áp lực, thậm chí ức chế học sinh. Điều này không nên làm. Nếu ở trường nào đó (như Báo SGGP phản ánh - PV) đang áp dụng những quy định cứng nhắc như bắt lỗi nhỏ nhặt, trừ điểm hạnh kiểm của học sinh và coi đây là phương pháp quản lý, giáo dục các em là chưa đúng với tinh thần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
* Nhiều trường đưa ra những quy định về thang điểm để trừ điểm và hạ bậc hạnh kiểm một cách cứng nhắc?
* Tôi nghĩ trường nào dùng hình thức này trừng phạt học sinh là thiếu phương pháp sư phạm, chưa tâm lý, chưa hiểu học sinh của mình. Từng làm quản lý tôi thấy việc lấy thang điểm để đánh giá hạnh kiểm học sinh là chưa thuyết phục. Chẳng hạn tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT với học sinh phổ thông mới đây, có học sinh bức xúc phản ánh trường mình trừ điểm hạnh kiểm một cách máy móc. Cụ thể như nếu học sinh đi trễ trừ 1 điểm, nghỉ học không phép trừ điểm… xem ra có vẻ công bằng, sòng phẳng nhưng thực tế không phải vậy. Học sinh vi phạm nội quy như đi trễ, nghỉ học… có nhiều nguyên nhân, nhiều hoàn cảnh và nhà trường phải hiểu rõ lý do vì sao các em vi phạm để chia sẻ, thấu hiểu.
Nếu căn cứ vào quy định về thang điểm, khung chấm điểm nội quy và trừ điểm hạnh kiểm một cách sòng phẳng thì chỉ làm học sinh ganh đua chứ không mang tính giáo dục. Theo tôi không nên dùng những con số lạnh lùng này để đánh giá hạnh kiểm của học sinh. Hướng tới mục tiêu đổi mới giáo dục toàn diện thì chúng ta phải có phương pháp linh hoạt, lành mạnh và phù hợp. Tôi tin rằng những phương pháp giáo dục đúng, mang tính thuyết phục sẽ giúp học sinh học tốt hơn, rèn luyện nhân cách, kỷ luật tốt hơn.
* Tại buổi đối thoại với học sinh TP mới đây, lãnh đạo sở đã nghe nhiều ý kiến bức xúc phản ánh về môi trường học đường chưa thật sự thân thiện và nhiều hiệu trưởng chưa lắng nghe học sinh giãi bày những điều các em muốn nói?
* Đúng vậy, qua buổi đối thoại này, sở đã có văn bản chỉ đạo hiệu trưởng các trường phải tổ chức các buổi gặp mặt học sinh, lắng nghe ý kiến của các em để chia sẻ, tìm cách tháo gỡ những vướng mắc đang phát sinh ở môi trường học đường. Được sẻ chia, giải tỏa về tâm lý, tạo sự thân thiện đúng nghĩa thì các em sẽ học tập, rèn luyện nhân cách, tuân thủ kỷ luật tốt hơn. Ở tuổi mới lớn, nhiều nhạy cảm, chỉ cần một lời động viên chia sẻ có tình có lý của thầy cô, nhà trường sẽ giúp các em trưởng thành, thành đạt. Ngược lại, các em sẽ bị ức chế tâm lý nếu bị áp đặt, bị trừng phạt bằng những quy định thiếu linh hoạt, thiếu thuyết phục.
THU TÂM