Khổ vì mỗi trường một kiểu...

Sau khi bài viết “Khi nội quy thiếu thuyết phục” đăng trên Báo SGGP số ra ngày 22-3, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến của phụ huynh, học sinh ở các trường phổ thông trên địa bàn TPHCM phản ánh thêm những bức xúc về nội quy học đường áp dụng mỗi nơi một kiểu. Việc triển khai nội quy đối với học sinh ở trường trung học phổ thông đều phải tuân thủ theo quy định chung tại Quyết định số 23/2000/ QĐ-BGD&ĐT). Thế nhưng để quản học sinh vào kỷ luật, mỗi trường ban hành một nội quy riêng và có những điều trường này cho phép thì trường kia lại cấm.

Cụ thể, việc cấm đoán học sinh không được mang ba lô đi học và cặp táp chỉ là màu đen, không có quai đeo lưng đang gây phản ứng ở nhiều trường. Trong khi trường THPT Gia Định, Marie Curie… cho phép thì nhiều trường khác lại cấm đoán và học sinh nào vi phạm mang ba lô đến trường bị hạ bậc hạnh kiểm. Nhiều học sinh ở vùng ven như Trường THPT Tân Phong quận 7, Phạm Văn Sáng (Hóc Môn)… nơi học sinh đi học xa, hay bị cướp giật cặp táp khẩn thiết đề nghị ban giám hiệu nhà trường cho mang ba lô nhưng không được chấp thuận. Soi kỹ trong điều lệ học sinh THPT, chẳng thấy điều nào cấm mang ba lô đi học.

Quay lại chuyện đầu tóc, quần áo, Bộ GD-ĐT chỉ quy định phải gọn gàng nghiêm túc chứ không cấm nam sinh đeo thắt lưng có màu hay tóc mái kéo đến chân mày… thì bị kỷ luật - hạ bậc hạnh kiểm. Về chuyện giày dép, Bộ GD-ĐT quy định phải đi giày và dép có quai hậu, cấm dép lê, guốc. Vậy mà nhiều trường lại đặt thêm luật lệ nam sinh chỉ được đi giày bata trắng, nữ sinh không được đi giày cao gót, giày búp bê, không được đi giày hở mũi, giày sandal… Thử hỏi, học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn bị bắt bẻ theo quy định này thì lấy tiền đâu để mua giày như nhà trường tự quy định (!?). Điều khiến nhiều học sinh ấm ức hơn nữa là những vi phạm về nội quy, xét kỷ luật của nhiều trường luôn gắn với việc đánh giá, xếp bậc hạnh kiểm. Chỉ vì một đến vài lần đi học trễ, mang ba lô đến trường, đi giày dép sai quy định…bị hạ bậc hạnh kiểm từ giỏi, khá xuống trung bình, yếu. Cũng có trường bắt học sinh cấm túc đi dọn dẹp vệ sinh trong sân trường, nhà vệ sinh chỉ vì lý do đi học trễ có một lần.

Một số trường đưa ra quy định cứng nhắc về thang điểm xếp loại hạnh kiểm và chỉ chú tâm trừ điểm vi phạm, chứ không mở rộng cơ hội cho học sinh sửa sai, khắc phục, có thiện chí làm điều tốt. Cụ thể, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hóc Môn) áp dụng thang điểm hạnh kiểm là 10 điểm và mỗi lần học sinh vi phạm bị trừ 2 điểm. Cụ thể đi trễ trừ 2 điểm, không làm bài trừ 2 điểm, nghỉ học trừ 2 điểm…và học sinh nào dù có lý do chính đáng như đi thi học sinh giỏi, làm không hết bài tập về nhà cũng không được xem xét. Việc đặt nặng các quy định mang tính kỷ luật, nhăm nhăm trừ thi đua, hạ hạnh kiểm ở nhiều trường khiến học sinh cảm thấy áp lực nặng nề, giảm hứng thú học tập.

Lắng nghe những điều học sinh thổ lộ và sớm điều chỉnh những nội quy học đường chưa phù hợp với quy định chung của Bộ GD-ĐT hoặc quá cứng nhắc của từng trường như nêu trên là điều các em mong chờ.

Khánh Hà

Tin cùng chuyên mục