
Đạt 210 điểm, bỏ xa đối thủ xếp thứ nhì trong trận chung kết tới 90 điểm, Lê Viết Hà, học sinh Trường THPT chuyên Lê Khiết tỉnh Quảng Ngãi đã trở thành nhà vô địch đường lên đỉnh Olympia lần thứ 7, giành vòng nguyệt quế vinh quang.
Nghẹt thở nơi “chảo lửa” Lê Khiết

Lê Viết Hà (giữa) vô địch đường lên đỉnh Olympia lần thứ 7
Tại Trường chuyên Lê Khiết, tỉnh Quảng Ngãi sáng 1-4, nơi đặt điểm cầu truyền hình trực tiếp của chung kết đường lên đỉnh Olympia, hơn 2.000 học sinh của trường, hàng ngàn người dân Quảng Ngãi đã kéo đến xem và cổ vũ cho Lê Viết Hà.
Trong cái nắng gay gắt đầu mùa của miền Trung, sự nhiệt tình cổ vũ và thấp thỏm theo từng điểm số đã biến sân trường Lê Khiết thành “chảo lửa”. 10 giờ, cuộc thi tại trường quay S9 bắt đầu cũng là lúc hàng ngàn con tim của Quảng Ngãi hướng lên màn hình tivi, hướng về Hà và hy vọng.
Vòng khởi động qua khá suôn sẻ, Viết Hà dành 30 điểm và là một trong 2 thí sinh có điểm cao nhất, tiếng vỗ tay, hò hét, băng-rôn được dương cao với những khẩu hiệu “Gà con hóa phượng hoàng bay lên đỉnh Olympia”; “Anh Hà ơi... cố lên”; “Lê Khiết vô địch”... Càng về trưa, nắng nóng càng gay gắt, sân trường hầm hập cũng là lúc vòng 2 - vượt chướng ngại vật bắt đầu.
Ngay ở câu trả lời đầu tiên Hà đã dành điểm, số điểm tăng lên 50, rồi 70, hy vọng cho hàng ngàn con tim của Quảng Ngãi, cho trường Lê Khiết đã bắt đầu nhen nhóm. Bất ngờ, thí sinh Nguyễn Đức Giang của trường THPT Nhị Chiểu - tỉnh Hải Dương đã cảnh báo “tưới một trận mưa” nhỏ xuống trường Lê Khiết khiến không khí đang nóng ran bỗng giảm nhiệt bằng việc giải được từ khóa và dành chọn 40 điểm nâng số điểm của mình lên 80, vượt qua Viết Hà với khoảng cách 10 điểm. Những tiếng ồ tiếc nuối vang lên, những ánh mắt lo âu bắt đầu xuất hiện, ngồi ở hàng ghế đầu thầy hiệu trưởng Nguyễn Tuấn Cảnh đã rút khăn lau mồ hôi khi vòng 2 kết thúc. Nhưng bản lĩnh và vốn kiến thức vững vàng, sự cổ vũ… tại sân Trường Lê Khiết đã tiếp thêm tự tin cho chàng trai đến từ quê hương Núi Ấn-Sông Trà.

Không khí sôi động tại Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi), nơi em Lê Viết Hà đang theo học.
Đúng vào thời điểm cần thiết, tăng tốc vòng 3 Viết Hà đã chứng tỏ cho các đối thủ thấy sức mạnh và sự bền bỉ trong cuộc leo núi. Lần lượt dành câu trả lời nhanh nhất ở các giây 0.10; 0.22 đã đem về cho Hà những số điểm tuyệt đối 30. Từ 70 điểm, số điểm tăng lên nhanh chóng 100, 130... và cuối cùng là 190.
Vượt ngoạn mục qua Đức Giang và các thí sinh khác. Hy vọng về chinh phục đỉnh Olympia của Viết Hà đã bắt đầu nhen nhóm trở lại cho các thầy cô, bạn bè, người thân và nhân dân Quảng Ngãi. Và không cần phải đợi đến kết thúc trận chung kết, thầy cô, bạn bè và những người dân Quảng Ngãi đã chồm lên màn hình tivi khi thí sinh Thu Hà của Ngệ An trả lời sai câu hỏi lần 2 của phần về đích. Trường Lê Khiết thực sự trở thành ngày hội. Thầy hiệu trưởng dõng dạc tuyên bố, ngày mai, toàn trường được nghỉ để kỷ niệm ngày chiến thắng của Hà... Hà đã chiến thắng, đã vô địch với 210 điểm.
Tự học là chính

Lê Viết Hà – nhà vô địch “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 7 (trái). Ảnh: VŨ HƯNG
Nhất cuộc thi quý thứ nhất, là người đầu tiên lọt vào trận chung kết, Lê Viết Hà có tới 9 tháng để chuẩn bị cho “trận chiến” quyết định này. Trước khi Hà lên đường ra Hà Nội dự thi trận chung kết, chúng tôi đã đến chia tay em và cũng chia sẻ với em những bí quyết trong học tập. “Đường lên đỉnh Olympia là một cuộc thi đòi hỏi kiến thức rất rộng, cần phải tích lũy hiểu biết trên nhiều lĩnh vực. Em cho rằng, những kiến thức đó rất có ích cho công việc và cuộc sống. Vì vậy, dù có dự thi đường lên đỉnh Olympia không thì em vẫn tích lũy kiến thức đa dạng mỗi ngày”- Hà tâm sự với chúng tôi như vậy.
Một ngày của Lê Viết Hà bắt đầu từ 4 giờ sáng và kết thúc lúc 11 giờ đêm vì theo Hà đây là khoảng thời gian học “dễ vô” nhất. Thành tích học tập của Hà thật đáng nể: từ lớp 1 đến lớp 12, Hà đều là học sinh giỏi (trừ học kỳ 1 lớp 10, Hà không được xếp loại giỏi). Tôi tò mò: “Em có học thêm?”, Hà cười hiền: “Chỉ học thêm chút chút môn hóa. Còn các môn khác, em tự học là chính”. Cách đây một năm, ba Hà “nối mạng” internet thì cũng là lúc Lê Viết Hà dính chặt với chiếc máy tính. Sưu tầm tư liệu liên quan đến các môn học, đọc tiểu thuyết, đọc cả thời sự chính trị và thời sự văn học trong nước và thế giới…
Thông minh, giỏi giang, nhưng mỗi khi hỏi đến chuyện học giỏi của Hà, em đều lắc đầu: “Nhiều bạn còn giỏi hơn, em gặp may thôi mà”. Không khoe khoang, không dựa dẫm, đó là hai điều có thể phát hiện ngay khi tiếp xúc với Lê Viết Hà. Cũng như Hà không muốn ai đó nói em là con ông này bà nọ (ông Lê Viết Chữ – ba Hà hiện là Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Quảng Ngãi). Trên bàn học của Hà tại nhà, chúng tôi thấy tấm bảng ghi: Tổng giám đốc tập đoàn… Tập đoàn mà Hà đang nung nấu đó liên quan đến điện tử. Cũng chính vì thế, Hà mơ ước trở thành kỹ sư điện tử viễn thông “để đưa ngành điện tử viễn thông VN sánh ngang với các nước trên thế giới”.
HÀ MINH
Được đánh giá là ngang tài ngang sức, cả 4 “nhà leo núi” Lê Viết Hà (Trường THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi), Lê Đức Giang (THPT Nhị Chiểu, Hải Dương), Trần Việt Phú (THPT Kim Sơn B, Ninh Bình) và Trần Thị Thu Hà (THPT Nguyễn Xuân Ôn, Diễn Châu, Nghệ An) cùng bước vào “trận đấu” cuối với tâm lý khá tự tin và thoải mái. Nếu như Viết Hà, người đầu tiên lọt vào vòng chung kết năm, được đánh giá là có lợi thế với 9 tháng để chuẩn bị cho “trận chiến” quyết định này thì Đức Giang, người giành chiến thắng quý 4, lại đang có đà “thừa thắng xông lên” với 3 chiến thắng liên tục của vòng thi tuần, tháng và quý trước đó. Và với bạn nữ Thu Hà, mặc dù là nữ duy nhất, nhưng Thu Hà lại gây được ấn tượng mạnh với khán giả bởi 3 lần liên tiếp giải được “từ chìa khóa” trong các cuộc thi trước đó. Không chịu kém cạnh là cậu học trò Trần Việt Phú đến từ vùng quê Kim Sơn, Ninh Bình, với sự chuẩn bị kỹ càng cùng thành tích vượt qua nhiều thí sinh đến từ các trường danh tiếng trong cả nước. V.H. |