Công tác lập pháp hiện được coi là một lĩnh vực đầy khó khăn thách thức đối với Quốc hội khóa XII. Được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách công tác pháp luật - tư pháp, tân Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bộc bạch với báo chí sau khi đắc cử:
Công tác xây dựng luật pháp của Quốc hội đúng là còn nhiều hạn chế, nổi bật là tình trạng luật ban hành nhưng phải chờ văn bản hướng dẫn dưới luật. Chính tại diễn đàn Quốc hội lần này, Chủ tịch Quốc hội đã nói rõ về tồn tại đó. Tôi nghĩ với tinh thần năng động, sáng tạo, trách nhiệm cao, muốn đưa pháp luật sớm đi vào cuộc sống thì ngay từ khâu chuẩn bị các ban soạn thảo phải quy định cụ thể những vấn đề mà văn bản luật đó sẽ điều chỉnh.
Tất nhiên, trong điều kiện chúng ta đang hoàn thiện dần từng bước hệ thống pháp luật, khó có thể nói pháp luật quy định được chi tiết mọi vấn đề. Có những vấn đề mới phát sinh mà tại thời điểm làm luật chúng ta chưa dự kiến hết được, song mong muốn của chúng ta là yêu cầu các cơ quan soạn thảo khi trình dự án luật phải trình dự thảo nghị định hướng dẫn để khi luật có hiệu lực thì những văn bản đó cũng có hiệu lực, giúp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.
* PV: Có ý kiến cho rằng cần phải có cơ chế lấy ý kiến nhân dân trong việc xây dựng luật. Trong khóa tới, ý kiến trên được xem xét thế nào để tránh tình trạng việc các dự luật thường có lợi cho cơ quan hành pháp?
* Ông UÔNG CHU LƯU: Ý kiến của nhân dân, trí tuệ của nhân dân, thực tiễn của cuộc sống giúp Quốc hội hoàn thiện luật. Điều đó đảm bảo tính khả thi của các dự án luật trước khi trình Quốc hội. Cho nên, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân thế nào để đảm bảo dân chủ, khoa học, thiết thực là điều Thường vụ Quốc hội phải chỉ đạo.
Tôi nghĩ tới đây, Quốc hội phải chỉ đạo ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có những điều luật nói về trình tự thủ tục thẩm quyền, cách thức lấy ý kiến nhân dân để đảm bảo ý kiến của nhân dân được đưa vào trong các dự án luật.
* Nhiều ý kiến cử tri đề nghị UBTV nên tiến hành chất vấn giữa hai kỳ họp. Điều này đã được ghi trong luật nhưng Quốc hội khóa XI chưa thực hiện. Quan điểm của ông về vấn đề này?
* Đúng là vấn đề này Quốc hội khóa XI đã đặt ra. Tới đây, UBTV sẽ bàn và có quy định cụ thể. Đây vẫn là quyền của Quốc hội, quyền của cử tri và các đại biểu Quốc hội. Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ chuyện này.
* Có một thực tế là khối lượng dự luật hiện nay quá nhiều, dẫn tới tình trạng các ĐBQH không có thời gian và điều kiện để nghiên cứu, góp ý chính xác. Theo ông, cần tháo gỡ như thế nào?
* Quốc hội chúng ta chưa phải là Quốc hội chuyên trách 100% và Ủy ban Pháp luật - cũng như các ủy ban khác – chỉ có một tỷ lệ nhất định đại biểu chuyên trách. Để khắc phục tình trạng này, cái chính là các cơ quan phải phối hợp với nhau. Các ủy ban Quốc hội phải sớm vào cuộc khi các cơ quan trình dự án. Thứ hai, là cung cấp đầy đủ tư liệu, báo cáo tổng kết thực tiễn để các thành viên ủy ban nắm bắt được. Thứ ba là tổ chức tọa đàm hội thảo để trao đổi ý kiến khác nhau, thông tin mới.
Tới đây, có lẽ cũng không nhất thiết phải làm những bộ luật lớn. Cùng với những bộ luật lớn điều chỉnh khung, có thể có những đạo luật, điều chỉnh những vấn đề mà thực tiễn đang đòi hỏi và các cơ quan trình dự án thấy cần. Có một cách làm được áp dụng khá hiệu quả hiện nay là dùng một luật để sửa những luật liên quan, như vậy chúng ta có thể đẩy được tốc độ làm luật mà vẫn đảm bảo chất lượng.
THƯ ANH ghi