Không phải tái thẩm là cơ quan tố tụng tránh bị xử lý

Sau khi ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm trên báo cho rằng, việc thực hiện xét xử tái thẩm vụ án “giết người” mà ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án tù chung thân là các cơ quan tố tụng đang cố tình làm “nhòe” đi cái sai của mình trước đó (lẽ ra phải tiến hành theo thủ tục giám đốc thẩm), sáng 7-11, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Trung tướng Trần Văn Độ đã trả lời phỏng vấn nhanh của báo chí.

        Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình:

Dù là tái thẩm hay giám đốc thẩm thì những vi phạm nếu có của các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn bị xử lý, chứ không phải tái thẩm là tránh được hoặc là giám đốc thẩm thì mới bị xem xét. Nếu sai ở bất cứ giai đoạn nào khi vụ án đã có kết quả cuối cùng thì việc xem xét trách nhiệm với mọi tập thể và cá nhân tham gia quá trình tố tụng đều phải được tiến hành và xử lý nghiêm. Việc xét xử tái thẩm thực hiện khi có tình tiết mới mà tòa không biết, tình tiết đó làm thay đổi bản chất vụ án. Ở đây, có sự xuất hiện nhân vật Lý Nguyễn Chung và khả năng phạm tội của Lý Nguyễn Chung - dù tòa chưa tuyên - là khá rõ ràng. Tình tiết mới này làm thay đổi bản chất vụ án cho nên phải tái thẩm.

Tôi xin nhắc lại là kể cả giám đốc thẩm hay tái thẩm thì kết luận của tòa đã được ghi trong luật rất rõ ràng: hoặc là bác kháng nghị, hoặc là chấp nhận kháng nghị hoặc hủy án, điều tra lại từ đầu cũng đều giống nhau, không có chuyện kết luận giám đốc thẩm khác với kết luận khi tái thẩm.

        Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Trung tướng Trần Văn Độ:

Giám đốc thẩm nghĩa là toàn bộ tài liệu đã lưu trong hồ sơ vụ án rồi, nhưng do cơ quan tiến hành tố tụng, xét xử đánh giá sai những tình tiết trong đó, dẫn đến nhận định sai lầm về vụ án. Còn tái thẩm nghĩa là trong quá trình xét xử, sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật thì xuất hiện một tình tiết mới làm đảo ngược, thay đổi hoàn toàn bản chất vụ án. Việc Lý Nguyễn Chung ra đầu thú là một tình tiết mới mà trước đó trong quá trình điều tra, xét xử vụ án cơ quan tố tụng không biết. Qua đó, vụ án được xem xét lại, có thể có những vi phạm nhất định về tố tụng, chưa thể khẳng định được lúc này. Nhưng tất cả những vi phạm đó, tòa án sẽ phải xem xét lại một cách rõ ràng, cẩn trọng. Ngay cả nếu Lý Nguyễn Chung không đầu thú, nhưng nếu phát sinh các tình tiết mới khác. Ví dụ, nếu như có nhiều đơn từ nói về việc thủ phạm của vụ án là người khác thì vẫn có thể xem xét.

Để hạn chế những sai sót tương tự thì có rất nhiều cách, từ nâng cao trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng, nâng cao trình độ của lực lượng điều tra, kiểm sát, xét xử cho đến nâng cao ý thức tố giác tội phạm của người dân. Như trong vụ án này, một số người biết ngay từ đầu hung thủ là người khác nhưng đã không tố giác, không khai báo, không làm gì cả, dẫn đến nhận định sai lầm về vụ án. Với vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ điều tra lại toàn diện vụ án chứ không chỉ điều tra về việc Lý Nguyễn Chung phạm tội. Hệ quả pháp lý về vấn đề trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong 2 trường hợp tái thẩm và giám đốc thẩm là giống nhau trong trường hợp cần phải hủy, đình chỉ vụ án đối với người bị oan. Sai phải sửa, còn oan phải đền, không có gì khác nhau.

Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Vũ Đức Khiển nhận định: Bộ luật Hình sự đã quy định việc điều tra chứng minh bị can có tội là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, nếu không chứng minh được thì phải tuyên bố họ vô tội. Giờ đã tuyên ông Nguyễn Thanh Chấn bị oan sai rồi thì phải minh oan cho người ta theo đúng trình tự thủ tục: kháng nghị giám đốc thẩm để hủy bản án sơ thẩm cũng như phúc thẩm, minh oan và đền bù. “Không thể gộp 2 vụ làm một để cho rằng đó là tình tiết mới và tiến hành tái thẩm. Còn nếu đưa ra tái thẩm là các cơ quan tố tụng đang cố tình “lách” để lấp liếm đi cái sai của mình trước đó” - ông Vũ Đức Khiển nói.

ANH PHƯƠNG ghi

Tin cùng chuyên mục