Trước cuộc biểu tình của 2.000 người, Thủ tướng Albania Edi Rama từ chối yêu cầu của Mỹ tổ chức tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria tại Albania. Sau quyết định của Thủ tướng Albania, nhiều người dân lại kéo về đài tưởng niệm các anh hùng dân tộc Skanderbeg nhưng là để vui mừng.
Việc Albania, một trong thành viên NATO ủng hộ Mỹ trung thành nhất, từ chối yêu cầu của Washington là một cú sốc lớn đối với những nỗ lực quốc tế phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria vào giữa năm 2014. Cho tới nay, vẫn chưa có nước nào đồng ý tiếp nhận kho vũ khí 1.000 tấn này, bao gồm khí mù tạt và chất độc chết người sarin gây tê liệt thần kinh.
Điều kiện của Syria là các loại vũ khí hóa học phải được tiêu hủy bên ngoài lãnh thổ Syria. Tổ chức cấm phổ biến vũ khí hóa học (OPCW) đã mô tả đây là nhiệm vụ nặng nề nhất. Albania từng được xem là niềm hy vọng mạnh mẽ nhất của OPCW. Giờ đây Tirana đã đẩy OPCW vào tình huống khó xử. Một cuộc họp của OPCW ở La Hay vào ngày 16-11 đã phải hoãn lại sau quyết định của Albania.
Tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jan Psaki cho rằng quyết định này sẽ “không làm tổn thương mối quan hệ Mỹ - Albania” và cộng đồng quốc tế tiếp tục thảo luận về cách thức hiệu quả và nhanh chóng nhất để loại bỏ chương trình vũ khí hóa học của Syria một cách an toàn nhất. Tirana từ lâu đã ủng hộ cuồng nhiệt Washington, nhất là trong chiến dịch Mỹ và NATO không kích Kosovo của Nam Tư trước đây vào năm 1999 với lý do bảo vệ người sắc tộc Albania.
Albania cũng là một trong những đồng minh của Mỹ hỗ trợ các nỗ lực của Mỹ sau vụ 11-9, trong đó có việc tiếp nhận tù nhân Guantanamo. Nhận thấy quyết định của mình có thể gây căng thẳng quan hệ với Washington, Thủ tướng Albania đã phải xin lỗi Mỹ. Reuters dẫn lời ông Rama khẳng định: “Nếu không có Mỹ, Albania sẽ không bao giờ được tự do và độc lập ở cả Albania và Kosovo như ngày hôm nay”.
Tuy nhiên, theo cô Maria Pesha, sinh viên kiến trúc, một trong những người xuống đường cho rằng: “Nếu không có Mỹ, hôm nay có chắc chắn sẽ không có các cuộc biểu tình chống vũ khí hóa học tại Albania”. Pesha thêm rằng Albania không có cơ sở hạ tầng tốt và chưa thể xử lý nhiều vấn đề môi trường của chính mình thì nói chi tới việc tiếp nhận vũ khí hóa học từ Syria. Cô nói: “Chúng tôi không có nghĩa vụ tuân theo bất cứ ai về điều này, cả NATO và Mỹ”.
Thật vậy, Albania đã từng gặp nhiều sự cố về vũ khí. Vào tháng 3-2008, vụ nổ tại kho đạn ở Gerdec, gần thủ đô Tirana làm chết 26 người, bị thương 300 người khác và phá hỏng 5.500 căn nhà. Các nhà điều tra cho biết nguyên nhân vụ nổ là do tàn thuốc đang cháy trong kho đạn, nơi chứa 1.400 tấn thuốc nổ đạn pháo chủ yếu đã lỗi thời đang được lưu trữ để xử lý. Dù cho hoạt động tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria được OPCW giám sát kỹ nhưng người dân Albania vẫn không an tâm.
Một trong những người tổ chức cuộc biểu tình, anh Sazan Guri thuộc Liên minh chống nhập khẩu chất thải, nói với đài Châu Âu tự do rằng anh rất thân thiện với Mỹ nhưng mục tiêu của anh là truyền bá thông điệp: “Chúng tôi không phải là thùng rác”.
Vậy nước nào sẽ là nơi tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria? Cho tới nay vẫn chưa có nước nào. Theo tạp chí Time, hầu hết các nước đã quá nhạy cảm với vấn đề chất thải và môi trường. Điều đó có thể gói gọn trong từ NIMBY (tiếng Anh: Not in my back yard - có nghĩa là không phải trong sân nhà tôi).
THỤY VŨ