Như Báo SGGP đã thông tin, báo cáo giám sát tại phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra giữa tuần trước cho biết: trong quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán. Cụ thể, số nợ đọng của 35/41 tỉnh, thành phố lên tới 8.600 tỷ đồng và lại “rơi” vào những địa phương có nhiều khó khăn… Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
- Phóng viên: Tại phiên họp thứ 48 của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặc biệt lưu ý đến tình trạng nợ đọng do xây dựng nông thôn mới, nhất là khi những trường hợp nợ cao lại rơi vào 11 tỉnh phía Bắc, đều là những tỉnh khó khăn. Ông có bình luận gì về tình trạng có biểu hiện chạy theo thành tích nên “vung tay quá trán”?
TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
>> TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Trước hết phải khẳng định xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn và đã đạt được nhiều thành tựu. Nhưng ở đây chúng ta tập trung nói đến những mặt cần rút kinh nghiệm để chương trình được thực hiện tốt hơn. Khi đánh giá hiệu quả một dự án, hay nhìn rộng ra là một chương trình thì có nhiều khía cạnh phải xem xét. Từ góc độ kinh tế, thẳng thắn mà nói thì hầu hết địa phương mới tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng, chưa chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo tôi, đưa phương thức sản xuất công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, tạo điều kiện để người nông dân có thu nhập tốt hơn, tự cải thiện cuộc sống của mình mới là tinh thần cốt lõi của chương trình. Đầu tư vào giao thông cũng rất đúng, “lộ thông, tài thông”. Nhưng câu hỏi đặt ra là khi có con đường đó thì sản xuất nông nghiệp trong vùng có gì khác trước không, muốn phương thức sản xuất nông nghiệp khác đi theo cách chúng ta mong muốn thì con đường đó cần có quy mô và đặc điểm thế nào...
Dường như ở nhiều nơi, điều cốt lõi đó không được nhận thức đúng, cho nên những tiêu chí liên quan đến đầu tư những hạng mục công trình cụ thể thì được ưu tiên làm trước và nhiều khi làm bất chấp năng lực tài chính của địa phương. Thế cho nên mới có tình trạng yêu cầu người dân đóng góp để mở rộng đường sá (mà cách thức sản xuất vẫn như cũ), xây trạm xá (mà bác sĩ và trang thiết bị chưa có); nhà văn hóa (mấy tháng mới hoạt động một lần). Tôi cho rằng điều này còn nguy hiểm hơn cả bệnh hình thức, chạy theo thành tích.
- Ngay tại phiên họp của UBTVQH, có ý kiến cho rằng khoản nợ đọng nói trên rất khó xử lý, trong bối cảnh các địa phương đã đầu tư quá sức lại là những địa phương khó khăn, thậm chí nói thẳng là những địa phương này chỉ có thể trông vào tiền “bán” đất?
Tôi chia sẻ một phần ý kiến này. Bên cạnh đó, nếu không cẩn thận thì dưới áp lực phải trả nợ, rất có thể người dân ở các địa phương đó sẽ bị lạm thu. Cá nhân tôi cho rằng ở đây phải làm rõ địa chỉ trách nhiệm và kỷ luật thích đáng những cán bộ đã coi thường kỷ luật ngân sách. Đây cũng là chuyện không mới mẻ gì. Nhiều người còn nhớ thời kỳ cuối những năm 1990 và đầu thập niên 2000 có khá nhiều tỉnh thành rơi vào tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản rất nghiêm trọng mà việc khắc phục hết sức vất vả, mất gần trọn một thập niên sau đó vẫn chưa dứt điểm. Không thể bắt người dân nông thôn phải oằn lưng trả món nợ này.
- Có vẻ như với nhiều nét đặc thù, không phải địa phương nào cũng có thể áp dụng bộ 19 tiêu chí nông thôn mới, kể cả khi một số tiêu chí đã và sẽ tiếp tục được điều chỉnh?
Đúng vậy! Rõ ràng khu vực nông thôn vùng ven thành phố rất khác với vùng duyên hải, biên giới. Tôi cho rằng các vùng nông thôn Việt Nam có thể chia thành 5 nhóm. Thứ nhất, nhóm các xã ven đô đang trong quá trình đô thị hóa thì cần phấn đấu đạt được các tiêu chuẩn như đô thị; có quy hoạch các khu dân cư tập trung, rồi đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, chiếu sáng, giao thông công cộng…
Thứ hai, nhóm các xã đồng bằng Bắc bộ - với đặc điểm dân cư đông, ruộng đất manh mún, số lượng người rời khỏi nông thôn ra đô thị làm ăn nhiều, xã hội đậm chất văn hóa làng xã thì nên hướng đến việc tạo công ăn việc làm cho người dân ở lại quê hương, ly nông bất ly hương; củng cố cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nhưng ở mức độ khác, thấp hơn với những xã nhóm 1.
Thứ ba, là nhóm vùng đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc. Nhóm này cần chú trọng giữ gìn tập tục, bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào, tạo điều kiện phát triển du lịch. Ngân sách cần có sự hỗ trợ về kinh tế để bà con chú trọng giữ rừng, bảo vệ biên cương.
Thứ tư, là nhóm khu vực Tây Nguyên và miền Trung, theo tôi nên định hướng thay đổi theo hướng sản xuất lớn theo mô hình kinh tế tập thể, quy hoạch dân cư ở thị trấn, thị tứ để có điều kiện cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục cho người dân tốt hơn. Thứ năm là nhóm vùng ĐBSCL. Do đặc trưng sông nước, kinh rạch chằng chịt nên ở vùng này cần phải giữ được và phát huy vai trò của giao thông thủy trong sản xuất nông nghiệp. Giao thông vẫn cần đi trước một bước để định hướng phát triển kinh tế xã hội, nhà nước có thể thực hiện mục tiêu này bằng cách có thể thu phí đường bộ và miễn phí giao thông thủy…
Tóm lại, không thể áp dụng cùng 1 bộ tiêu chí chung cho cả 63 tỉnh thành được, thậm chí trong cùng một tỉnh thành cũng cần có sự phân loại nhất định. Nhà nước sẽ đầu tư những hạng mục gì tác động trực tiếp đến tái cơ cấu nông nghiệp, hỗ trợ quá trình này diễn ra nhanh nhất, suôn sẻ nhất. Có thể lấy giao thông làm khâu đột phá, sau đó thì tổ chức sản xuất dựa trên “xương sống” đó. Cần thống nhất từ nhận thức đến hành động rằng không thể tách xây dựng nông thôn mới ra khỏi quá trình tái cơ cấu kinh tế đất nước, cải cách hệ thống chính trị.
- Xin cảm ơn ông!
ANH THƯ thực hiện