Lần đầu tiên, kết quả một cuộc thăm dò quốc tế cho thấy phần lớn số người được hỏi cảm thấy mình là những công dân toàn cầu hơn là công dân của đất nước của họ.
Cuộc thăm dò do tổ chức GlobeScan tiến hành trong tháng 4 cho thấy 51% người dân ở 18 quốc gia trên toàn thế giới thiên về quan điểm toàn cầu so với 43% thiên về quốc gia. Điều đáng chú ý là quan điểm toàn cầu xuất phát từ đa số các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi trong khi các nước giàu như Đức và Anh đa số dân lại ít có quan điểm toàn cầu hóa hơn. Theo ông Lionel Bellier, Phó giám đốc GlobeScan, một trong những nguyên nhân khiến công dân các nước phát triển ít ủng hộ toàn cầu hóa là vì người dân ở các nước phát triển dễ bị mất việc và họ nhìn thấy nhiều khía cạnh tiêu cực của toàn cầu hóa. Ngược lại, công dân các nước đang phát triển ngày càng cảm thấy quốc gia mình trở nên quan trọng hơn và được phương Tây lắng nghe hơn so với cách đây hơn 20 năm.
Chỉ xét về khía cạnh thương mại, sự kiện Mỹ thúc đẩy ra đời Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sắp tới là Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP) cho thấy, sân chơi toàn cầu hóa về tự do thương mại ngày càng đa dạng. Trong khi đó, Trung Quốc cũng cạnh tranh bằng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Đông Á (EAFTA) và hơn nữa là Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA). Vấn đề là thông qua các cuộc chơi hợp tác toàn cầu và khu vực, quốc gia nào biết giành nhiều lợi thế và giảm thiểu thiệt hại thì quốc gia đó có ưu thế. Vì vậy, quan điểm về toàn cầu hóa có thể là tốt hay xấu tùy thuộc vào ưu thế của nước đó. Trong chuyến thăm Đức vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được hàng chục ngàn người ở thành phố Hannover phản đối với kế hoạch TTIP vì họ cho rằng TTIP chỉ mang lại lợi ích cho các tập đoàn đa quốc gia, hầu hết là của Mỹ hơn là cho người lao động ở Đức và cả châu Âu. Bên cạnh đó, theo họ, TTIP còn gây tác hại tới môi trường. Truyền thông Đức còn tung ra tài liệu của tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) cho thấy Mỹ gây sức ép buộc Liên minh châu Âu (EU) phải nhập khẩu nông sản có nhiều nguy cơ gây hại với môi trường nếu không Mỹ sẽ ngừng nhập khẩu ô tô của EU.
Những yếu tố như thế này có thể làm giảm lòng tin của công dân các nước vào xu thế toàn cầu hóa. Ông Joe Quinlan, giám đốc chiến lược thị trường tại chi nhánh US Trust thuộc Bank of America, nói với tạp chí Business Insider: “Thế giới đang quay lưng lại với toàn cầu hóa”. Ngay tại Mỹ, theo ông, xu thế chống toàn cầu hóa cũng đang gia tăng khi mọi người đổ lỗi cho tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp là do toàn cầu hóa và nhiều lợi ích của người dân Mỹ bị các nước khác cạnh tranh.
Tuy nhiên, toàn cầu hóa dù muốn hay không đã và đang trở thành xu thế không thể đảo ngược. Các vấn đề về môi trường, kinh tế, an ninh, trong đó có an ninh hàng hải và chống khủng bố, ngày càng đòi hỏi một nỗ lực chung của quốc tế chứ không thể chỉ là song phương hay một vài nước. Ông Lionel Bellier kết luận rằng thế giới vẫn hướng về xu thế toàn cầu hóa và hướng tới một xã hội kết nối với nhau nhiều hơn, nếu không muốn tự cô lập chính mình.
KHÁNH MINH