
Có thể nói, đến bây giờ tự thân các hãng xe gắn máy có thương hiệu lớn đã không thể chống nổi tình trạng sản phẩm xe máy của mình bị nhái mẫu mã, hàng giả tràn lan. Trước tình trạng “nóng” này, mới đây UBND TPHCM đã chỉ đạo, lấy trường hợp kiểm tra vi phạm kiểu dáng xe máy Honda để thí điểm cho công tác kiểm tra, xử lý.
- Cỡ nào cũng nhái

Xe Honda @ 150 bị nhái 100% nhưng được bày bán công khai trên thị trường xe máy tại TPHCM. Ảnh: T.H.T.
Theo luật sư Nguyễn Trường An - đại diện của Văn phòng luật Phạm và Liên danh, hai kiểu dáng xe Wave và Future II của Honda đã bị cóp, nhái nhiều nhất. TPHCM là địa phương “nóng” nhất về tình hình vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) trong lĩnh vực xe máy. Những khu vực điển hình có xe máy nhái bán nhan nhản như chợ xe máy Tân Thành, đường Nguyễn Chí Thanh, An Dương Vương.
Bà Trần Bích Dương - cán bộ Chi cục QLTT TPHCM bức xúc nói: “Có lần chúng tôi xuống kiểm tra một cơ sở, trông bề ngoài im lìm như không hoạt động gì, nhưng vào bên trong thì phát hiện cả tấn các loại nhãn mác, đề can được phân loại theo từng chủng loại xe…”. Ông Hoàng Anh Dũng - đại diện Công ty Honda Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2005 đến nay công ty đã phát trên 63 vụ vi phạm về SHTT đối với xe máy Honda ở trên 20 tỉnh, thành.
Ông nói: “Đơn cử như các trường hợp xe Honda @150, Spacy 125 bị nhái 100%, nếu không tinh mắt người tiêu dùng chẳng thể nào phát hiện được vì kiểu dáng, nhãn hiệu hàng nhái, hàng giả giống hệt hàng thật của hãng Honda”. Xe nhái bán tràn lan không chỉ gây phương hại đến sản xuất, kinh doanh và mất uy tín cho hãng sản xuất mà cái chính là người tiêu dùng “tiền mất tật mang”. Ông Trần Việt Hùng - Cục phó Cục SHTT cho biết, hiện nay các đối tượng vi phạm dùng nhiều thủ đoạn tinh vi.
Một trong những nguồn hàng có mức độ vi phạm SHTT lĩnh vực xe máy nặng nhất là các sản phẩm, phụ tùng nhập khẩu từ Lào, Campuchia, Trung Quốc. Nhưng khi nhập vào các sản phẩm này được đóng gói vào bao bì giả in tại Việt Nam để hợp thức hóa thành hàng nhập, hoặc là hàng chính hãng từ các công ty lớn, có uy tín. Để tránh quá trình kiểm tra của hải quan, sản phẩm nhập được tháo rời nhằm giấu đi các chi tiết nhái, giả, chỉ đến khi bán ra thì các chi tiết mới được lắp vào thành sản phẩm hoàn chỉnh…
- Cần xử lý mạnh tay
Được biết, hiện chương trình bảo hộ SHTT trong lĩnh vực xe máy đang được xúc tiến tại TPHCM. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, cửa hàng mua bán xe máy được cung cấp tài liệu về SHTT, được ưu tiên bảo hộ khi sản phẩm của họ bị xâm phạm. Tuy nhiên, lớp tập huấn đầu tiên được mở vào cuối tháng 11-2005 cũng chỉ có vài chục đơn vị tham gia trên tổng số gần 100 đơn vị được mời. Điều đó cho thấy, chính những “người trong cuộc” có sản phẩm dễ bị nhái, làm giả cũng còn xem nhẹ vấn đề bảo vệ cho chính mình.
Theo các nhà quản lý, chính trong số những đơn vị được mời này cũng có khả năng là thủ phạm hoặc là đồng phạm trong việc sản xuất, lưu thông sản phẩm, phụ kiện xe máy nhái, giả. Được biết, hiện nay những đơn vị này sẽ rơi vào “tầm ngắm” trước tiên trong các đợt kiểm tra sắp tới của ngành chức năng diễn ra từ nay đến Tết Bính Tuất.
Theo ông Trần Việt Hùng, đối tượng bị hại cần mạnh dạn kiện ra tòa dân sự để đòi mức bồi thường thỏa đáng. Đưa ra tòa vụ việc sẽ được phân minh, xử lý rốt ráo và mức bồi thường không bị hạn chế. Ông Hùng nói: “Nếu dựa vào các qui định xử phạt hành chính để xử lý, mức phạt tối đa cũng chỉ 100 triệu đồng, so với mức tổn thất của doanh nghiệp bị vi phạm và món lợi của đối tượng vi phạm quá nhỏ bé, không đủ răn đe”.
Được biết, hiện nay mỗi năm cả nước xảy ra hơn 3.000 vụ vi phạm về SHTT nhưng chỉ có khoảng 10 vụ được đưa ra tòa dân sự. Chính vì thế, đối tượng vi phạm ngày càng… lờn luật, các vụ vi phạm ngày càng gia tăng. Để giải quyết hiệu quả vấn đề này, không thể cứ xử phạt theo kiểu hành chính mà phải làm mạnh tay, mức tiền phạt phải tăng gấp nhiều lần may mới đủ sức răn đe.
THẾ LÂM