Chưa bao giờ, vấn đề liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) Việt nhằm tạo sức mạnh tổng thể để có thể “đối đầu” với hàng ngoại, với các nhà bán lẻ ngoại lại liên tục được đặt ra nhiều như hiện nay. Cũng có hàng loạt buổi tọa đàm, hội thảo đã diễn ra nhằm tạo diễn đàn cho các DN trao đổi, bàn bạc, các chuyên gia hiến kế về việc liên kết từ đâu, bắt đầu như thế nào để tạo mối liên kết giữa sản xuất và phân phối, giữa DN và hiệp hội được bền vững. Nói cách khác, liên kết đang được xem là phương pháp hữu hiệu nhất đối với các DN Việt Nam hiện nay.
Tại hội thảo “Hội nhập kinh tế và chính sách công nghiệp - Công nghiệp dệt may Việt Nam trong thời điểm bước ngoặt quan trọng” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với Viện FES tại Việt Nam tổ chức mới đây, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, chỉ ra điều đáng lo ngại nhất của ngành dệt may trong hội nhập không phải là thiếu sức cạnh tranh do quy mô nhỏ, hạn chế về vốn và năng lực quản trị mà là thiếu sự liên kết giữa các DN. Ngay cả tại Hiệp hội Dệt may, một hiệp hội được đánh giá là hoạt động tốt nhất hiện nay, sự liên kết giữa các DN trong hiệp hội cũng còn rất lỏng lẻo. Phần lớn các hội viên không nhiệt tình trong việc xây dựng và phát triển tổ chức hiệp hội. Việc chia sẻ thông tin, giúp đỡ nhau cùng phát triển cũng rất hạn chế. Trên thực tế, sẽ không có hiệp hội nào có thể tồn tại nếu không có những DN mạnh đứng sau lưng làm mạnh thường quân.
Chính từ thiếu liên kết của các DN ngay trong một hiệp hội ngành nghề nên các DN chưa có tác phong làm việc theo chuỗi, trong khi tất cả các hiệp định thương mại (FTA) đều đặt vấn đề về chuỗi liên kết. Đối với ngành dệt may, nếu DN có thể liên kết chặt chẽ với nhau thì vẫn mạnh hơn bất cứ DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nào, vì DN nước ngoài nếu có đầu tư vào nguyên liệu, muốn hưởng lợi ích từ ưu đãi thuế thì vẫn phải may ở Việt Nam. Nếu các DN Việt Nam liên kết để làm ra những sản phẩm có giá tốt thì chắc chắn “cái bánh” được chia vẫn hợp lý, vẫn vừa sức về tiền bạc, quản lý, vẫn tạo việc làm và không gây thiệt hại gì về kinh tế.
Cùng quan điểm trên, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng liên kết là một trong những mặt yếu của DN Việt Nam, trong đó có vấn đề về hoạt động của các hiệp hội. Mối quan hệ giữa hiệp hội và DN thường mang tính hai chiều. Hiệp hội đoàn thể không mang tính ép buộc, nhưng muốn có một hiệp hội như mong muốn, DN phải góp phần xây dựng. Ngược lại, bản thân từng hiệp hội rất cần nhìn nhận, tại sao DN lại không đến với mình. Có phải hoạt động của hiệp hội chưa mang lại lợi ích thiết thân cho DN nên không thu hút được họ tham gia?
Trên thực tế, dẫn đến hoạt động của các hiệp hội yếu, còn có một thông lệ vì một thời gian dài không có nghiệp đoàn, không có tổ chức cùng với nhau liên kết để đấu tranh vì sự tiến bộ, nên các DN không nhận ra rằng phải có sự đóng góp tích cực của mình thì mới có một tổ chức mạnh như mình mong muốn.
Ở góc độ của nhà phân phối, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Saigon Co.op, nhìn nhận việc xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam sẽ giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Thực tế này buộc nhà sản xuất, cả nhà bán lẻ nội địa phải nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và phải liên kết mới giữ được khách hàng. Mối liên kết này càng chắc thì siêu thị và nhà sản xuất càng có lợi. Để giữ thị trường, ông Nhân cho rằng, ngoài việc liên kết, bản thân từng DN Việt phải tìm cách phát huy lợi thế cạnh tranh riêng. Đối với Saigon Co.op, đơn vị sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới kinh doanh có sẵn theo hướng lựa chọn những địa điểm thuận tiện, đồng thời nghiên cứu và phát triển các mô hình thương mại mới để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Cụ thể, theo ông Nhân, việc liên kết giữa nhà sản xuất và phân phối phải đi vào thực chất. Hiện Saigon Co.op triển khai thông qua các chương trình thu mua, quảng bá và khuyến mãi, song song với bán hàng lưu động để giúp hàng Việt tiếp cận sâu rộng đến người tiêu dùng. “Chúng tôi đồng hành với DN, gắn kết và tương trợ nhau để cùng phát triển. Điều này mang đến thành công cho DN và cho cả Saigon Co.op”, ông Nhân nói.
Bên cạnh các chương trình trực tiếp từ các nhà phân phối, các cơ quan quản lý cũng bắt tay vào việc mở rộng đầu ra cho hàng Việt. Theo kế hoạch, trong tháng 7-2016, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) và các sở, ngành sẽ tổ chức chương trình kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm an toàn, giúp các tỉnh, thành đưa rau củ quả, trái cây, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến đến các kênh tiêu thụ ở TPHCM và các địa phương. Riêng chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ cũng đang được Sở Công thương thực hiện định kỳ hàng năm, đã mang lại hiệu quả cao về công tác liên kết giữa sản xuất và phân phối.
Cũng với mục tiêu kết nối các nhà sản xuất với phân phối và tiêu dùng, BSA đã tổ chức các “Phiên chợ xanh tử tế”, giới thiệu đến người tiêu dùng các mặt hàng nông sản sản xuất trong nước. Chương trình này nhằm hỗ trợ các hộ nông dân, hợp tác xã làng nghề, các câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận thị trường TPHCM. Tại đây, các chuyên gia cũng huấn luyện cho người bán lẻ, DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp về cách trưng bày hàng hóa, bán hàng, kinh nghiệm giao tiếp khách hàng. Theo bà Vũ Kim Hạnh, tham gia phiên chợ, người sản xuất có cơ hội nâng cao kỹ năng tiếp thị, bán hàng và hiểu biết thêm nhu cầu của người tiêu dùng để có phương án trồng trọt, chế biến sản phẩm phù hợp.
Như vậy, với hàng loạt hoạt động liên kết được thực hiện trong thời gian gần đây đã tạo thêm “sân chơi” cho hàng Việt. Điều quan trọng là từ các chương trình, mỗi bên sẽ nhận ra những điểm mạnh, yếu của mình để từng bước khắc phục, cùng nhau đưa hàng hóa chinh phục và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.
HẢI HÀ