Không thể muộn hơn

Gần hai thập niên trước, người Trung Quốc đã được cảnh báo về một “tai ương” do chính họ tạo ra. Năm 1995, Chính phủ Trung Quốc thông báo về chính sách mới nhằm phát triển sản xuất ô tô thành ngành công nghiệp mũi nhọn của quốc gia. Ngay sau đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra lời tiên đoán rằng đây có thể là “bước lùi” của hạ tầng giao thông Trung Quốc.

Ngày nay, với mức sống được đẩy lên khá cao, việc sở hữu xe hơi của người dân Trung Quốc càng dễ dàng hơn bao giờ hết. Một thực tế mà người ta “cố tình” quên là đất chật, xe đông và phần lớn đất đô thị được dành cho những tuyến đường chật như nêm tải đủ loại ô tô. Người Trung Quốc đã không ngần ngại phá rừng để xây thêm nhiều đường cho ô tô con, ép chặt những vỉa hè đi bộ.

WB ví Trung Quốc như một bệnh nhân. Ban đầu, khi bệnh tình còn nhẹ, họ nhất quyết không chịu điều trị bằng bất cứ hình thức nào, cho đến khi bệnh trở nặng. Muộn còn hơn không, những nhà chức trách cũng như người dân nước này đang nỗ lực tìm tiếng nói chung để khắc phục vấn nạn trên.

Những phương án được đưa ra là quản lý chặt chẽ các tuyến đường dành riêng cho xe buýt, xe đạp. Ngoài ra, có thể áp dụng những biện pháp như hạn chế gắt gao việc lưu thông ở một số tuyến đường trong những ngày nhất định hay một số hình thức đánh vào “hầu bao” của các chủ xe như tăng thuế nhiên liệu và phí kẹt xe.

Kinh nghiệm không thiếu. Nhìn sang những quốc gia trong khu vực, điển hình là Hàn Quốc, họ đã chứng minh được câu nói quen thuộc ở những quốc gia phát triển ở châu Âu là đúng: “Chẳng ai loay hoay với đám đông tắc nghẽn suốt đời”.

Giữa thập niên 1990, thủ đô Seoul của Hàn Quốc luôn trong tình trạng ùn tắc nghiêm trọng dù không thiếu những đại lộ. Chính phủ Hàn Quốc đã chọn cách phát triển hệ thống tàu điện ngầm, xây dựng các tuyến xe buýt mà nổi tiếng là hệ thống xe buýt nhanh và áp dụng phí kẹt xe vào giờ cao điểm ở một số tuyến đường thuộc khu vực trung tâm, hướng người dân đến thói quen sử dụng phương tiện công cộng.

Năm 1997, Chính phủ Hàn Quốc mạnh tay hơn khi tăng giá xăng, thu phí người điều khiển phương tiện cá nhân. Bên cạnh đó là tăng phí đậu xe mỗi năm, song song với việc giảm diện tích đậu xe cho phép ở các tòa nhà thương mại, văn phòng mới để siết chặt lượng xe vào khu vực này. Ngày nay, trật tự giao thông tại Hàn Quốc dù chưa được cải thiện ở mức hoàn toàn nhưng dù sao cũng được kiểm soát tốt, tạo ra được không gian an toàn dành cho người đi bộ và đi xe đạp.

Người dân Paris (Pháp) có cách mô tả rất dí dỏm một công dân đô thị: “Métro – Boulot – Métro – Dodo” khi tất cả xoay quanh tàu điện ngầm (métro) để đến với công việc (boulot), rồi lại tìm đến tàu điện ngầm để trở về nhà ngủ (Dodo). Phương tiện di chuyển công cộng từ lâu đã là một phần quan trọng trong cuộc sống của người dân Paris.

Giờ đây, khi con người đang gồng mình chống đỡ những thảm họa do tự nhiên mang đến thì người Trung Quốc nói riêng và người dân ở những khu đô thị phát triển trên thế giới nói chung càng thấm thía hơn cái giá phải trả khi họ ngoảnh mặt với những lời cảnh báo. Nhưng muộn còn hơn không và không thể muộn hơn nữa. 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục