Không thể thực hiện trưng mua thay cho thu hồi đất

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày ngay trước phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về dự thảo luật này vào sáng 17-6. Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến nhân dân có 14 chương, 210 điều (tăng thêm 4 điều so với Dự thảo lấy ý kiến nhân dân). Nếu được thông qua tại kỳ họp này, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-10-2013 để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hết thời hạn sử dụng (vào ngày 15-10-2013).
Không thể thực hiện trưng mua thay cho thu hồi đất

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày ngay trước phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về dự thảo luật này vào sáng 17-6. Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến nhân dân có 14 chương, 210 điều (tăng thêm 4 điều so với Dự thảo lấy ý kiến nhân dân). Nếu được thông qua tại kỳ họp này, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-10-2013 để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hết thời hạn sử dụng (vào ngày 15-10-2013).

        Không thừa nhận việc đòi lại đất

Liên quan đến chế độ sở hữu đối với đất đai, tiếp thu các ý kiến góp ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp thu và quy định bổ sung một điều vào Chương I của dự thảo luật, cụ thể: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật này”.

Về quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với đất đai (Chương II), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung các quy định trách nhiệm của Nhà nước về bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất và cung cấp thông tin về đất đai. Theo đó, Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu báo cáo giải trình, tiếp thu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu báo cáo giải trình, tiếp thu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Về thu hồi đất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do đó, không thể thực hiện “trưng mua” thay cho “thu hồi” đất. Phản hồi các ý kiến đề nghị không thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời quy định rõ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, các dự án phát triển kinh tế, xã hội thuộc lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng phải do Nhà nước thu hồi đất để bảo đảm thực hiện.

Tuy nhiên, các dự án này đã được xác định rõ trong dự luật, bao gồm các dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các dự án, công trình quan trọng do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư...

Việc quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội là thể chế hóa đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của trung ương.

        Có quyết định giao đất, tính tiền sử dụng đất

Đây là một điểm mới được tiếp thu vào dự luật. Tương tự, thời điểm xác định giá bồi thường trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất là thời điểm có quyết định thu hồi. Dự luật cũng quy định không thành lập Quỹ phát triển đất (một tổ chức mới) mà giao Tổ chức phát triển quỹ đất quản lý quỹ này để bảo đảm thống nhất đầu mối, hạn chế việc thành lập bộ máy mới phù hợp với cải cách hành chính hiện nay.

Về nguyên tắc định giá đất, đáng lưu ý là dự thảo này đã tiếp thu bổ sung nguyên tắc “phù hợp với thu nhập từ việc sử dụng đất đối với trường hợp xác định được thu nhập”; cụ thể là giá đất bồi thường phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, đấu giá quyền sử dụng đất thành công hoặc phù hợp với thu nhập từ việc sử dụng đất đối với trường hợp xác định được thu nhập. Dự thảo luật không quy định cụ thể về mức biến động và thời gian biến động giá đất thị trường mà giao cho Chính phủ quy định. Cũng liên quan đến tài chính đất đai, bảng giá đất của Nhà nước ban hành được quy định chỉ áp dụng đối với một số trường hợp được xác định rõ trong dự thảo.

Về cơ chế giải quyết giá đất giáp ranh bảo đảm không để có sự bất hợp lý giữa các địa phương, kể cả giữa các đơn vị hành chính trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, dự thảo luật được bổ sung theo hướng trước khi trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua bảng giá đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi dự thảo bảng giá đất đến cơ quan có chức năng xây dựng khung giá các loại đất xem xét. Trường hợp có sự bất hợp lý về giá đất giáp ranh thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Về các trường hợp tư vấn định giá đất, giá trị pháp lý của giá đất do tổ chức tư vấn xác định; đề nghị tiếp thu và quy định theo hướng tư vấn giá đất được thực hiện khi xây dựng, điều chỉnh khung giá các loại đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và định giá đất cụ thể mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; khi giải quyết khiếu nại về giá đất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các bên có liên quan; khi các bên thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến giá đất cụ thể mà có yêu cầu. Giá đất do tư vấn xác định là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quy định, quyết định giá đất; để người sử dụng đất và những người có liên quan tham khảo trong các giao dịch về quyền sử dụng đất.

Về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, qua cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị kéo dài thời hạn giao đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, làm muối cho hộ gia đình, cá nhân lên 50 năm.

ANH THƯ


Vẫn còn điểm nghẽn về giá đất?

Ngày 17-6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Một mặt ghi nhận dự án luật đã được chuẩn bị khá chu đáo, mặt khác, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vẫn nêu một số vấn đề cần tiếp tục cân nhắc.

        Thu hồi đất cho dự án kinh tế - xã hội: Nên chăng?

Theo ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định), trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại Điều 62 cần có những quy định chặt chẽ hơn để chứng minh được các dự án vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; còn những dự án mang tính kinh tế đơn thuần vì lợi ích của nhà đầu tư thì để nhà đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.

Trong khi đó, ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) có góc nhìn khác: “Thực tế các dự án phát triển kinh tế - xã hội để chủ đầu tư tự thỏa thuận với người dân về giá sẽ không thực hiện được, kéo dài thời gian triển khai dự án, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã có trong kế hoạch và tính khả thi của quy hoạch. Do vậy, để thuận lợi trong việc thu hồi đất nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội và tạo được sự đồng thuận của người dân có đất trong dự án và chủ đầu tư, tôi thống nhất việc tư vấn định giá đất theo nguyên tắc, phương pháp định giá đất được quy định tại Điều 110 của dự thảo luật. Giá đất khi xây dựng phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường”.

Đối với tài sản gắn liền với đất như nhà ở, các công trình kiến trúc..., các ĐB Trần Ngọc Vinh, Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, cần phải bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho người dân theo nguyên tắc thỏa thuận bằng một quyết định hành chính riêng.

        Định giá đất không thể “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Nội dung về giá đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này vẫn là một điểm nghẽn, thể hiện sự lúng túng của cơ quan soạn thảo, không có bước đột phá căn bản - đó là bình luận thẳng thắn từ ĐB Trần Ngọc Vinh.

Ông Vinh cho rằng: “Giá đất phải giải quyết được vấn đề hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Không để tình trạng giá đền bù, hỗ trợ thu hồi đất thấp trong khi các nhà đầu tư được lợi rất lớn, có khi cao gấp hàng trăm lần khi chuyển nhượng đất, giao đất cho người khác trên thị trường”. ĐB Vinh còn đề nghị giao cho một cơ quan có thẩm quyền quyết định về giá đất độc lập với cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai, tránh tình trạng một cơ quan “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Vấn đề quy hoạch sử dụng đất cũng được các ĐBQH tập trung phát biểu làm rõ vì đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện đất đai rất nhiều hiện nay. ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) phát biểu: “Việc công bố kế hoạch, sử dụng đất các cấp không thể coi như việc công bố các văn bản khác, mà cần công khai, công bố tại trụ sở cơ quan, qua mạng, báo chí và các kênh khác để người dân được tiếp cận rộng rãi”.

ĐB Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) cũng cho rằng, người dân hiện nay luôn bị động, không được tiếp cận thông tin, vì vậy cần để người dân được lấy ý kiến đối với quy hoạch sử dụng đất các cấp.

ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) cũng đồng tình cần bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: “Hiện nay, người dân không được thông tin về quy hoạch sử dụng đất, mất quyền tham gia ngay cả khi đất của mình nằm trong quy hoạch. Điều đó khiến dân rất bức xúc. Cần phải có những ràng buộc pháp lý mạnh hơn, đó là nếu kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất mà không có ý kiến của người dân thì không có hiệu lực. Quy hoạch đất có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thì phải có ý kiến của người dân”.

        Bảo đảm đất sản xuất cho người dân

Đây cũng là một nội dung được nhiều ĐBQH đề cập. ĐB Nguyễn Lâm Thành cho rằng, việc bà con dân tộc thiểu số thiếu đất canh tác là do “quy hoạch có vấn đề”. Vì thế, luật cần quy định về quy hoạch đất cho bà con dân tộc thiểu số.

Chung mối quan tâm, ĐB Triệu Thị Nái (Hà Giang) phát biểu: “Vì mục tiêu phát triển chung, người dân phải di chuyển chỗ ở là bất đắc dĩ, vì thế Nhà nước phải bảo đảm quy hoạch đất sản xuất cho bà con, tránh tình trạng có chỗ ở mà không có đất sản xuất. Đề nghị chỉ thu hồi đất ở của người dân sau khi đã bố trí xong hạ tầng ở khu tái định cư và đất sản xuất cho bà con”. Cũng theo ĐB Triệu Thị Nái, việc hỗ trợ, bồi thường tái định cư phải được quy định rõ ràng, thống nhất trong toàn quốc, tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu, người dân so bì, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Tuy còn một số vấn đề cần tiếp tục xem xét chỉnh lý như đã nêu, song nhiều ý kiến cho rằng Quốc hội nên xem xét thông qua dự luật theo chương trình đã định. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nêu quan điểm: “Nếu để chậm trễ thêm nữa sẽ không kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn”. Trong đó, có việc phải xử lý về thời hạn 20 năm giao quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hàng chục triệu người, sẽ hết hạn vào tháng 10 năm 2013.

Xót xa trước tình trạng nhiều tổ chức đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa vào sử dụng để hoang hóa, lãng phí, “vô hiệu hóa” các quy hoạch, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị bổ sung chế tài xử lý vi phạm: “Cần quy định nhà đầu tư bỏ hoang đất phải nộp thuế lũy tiến theo quy định của pháp luật. Sau 24 tháng nộp thuế lũy tiến mà chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không được thanh toán tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại”.

Vẫn theo ĐB Hồng Hà, trước khi được giao đất, cho thuê đất, chủ đầu tư cần phải ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư. Đây có thể xem như điều kiện để chứng minh năng lực tài chính, nhằm đảm bảo việc sử dụng đất theo tiến độ ghi trong dự án của chủ đầu tư.

ANH THƯ - PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục