Không thể tiếp tục lãng phí 5 triệu tỷ đồng

Không thể tiếp tục lãng phí 5 triệu tỷ đồng

Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) hiện đang chủ trì soạn thảo Nghị định về việc thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là vấn đề thu hút sự chú ý  của công luân thời gian qua, hiện vẫn đang đuơc Bộ KH-ĐT lấy ý kiến nhân dân theo quy định. Trao đổi với phóng viên báo SGGP, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc phải thành lập một cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước hiện nay đã quá cấp bách, vì không thể để khối tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp trị giá hơn 5 triệu tỷ đồng tiếp tục lãng phí, thất thoát hoặc sử dụng kém hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

- Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, nói như vậy phải chăng khối tài sản nhà nước trị giá hơn 5 triệu tỷ đồng kia đang bị lãng phí?

>> Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chúng ta thấy được điều đó ngay ở những dự án ngàn tỷ hiện không phát huy hiệu quả mà công luận cũng như nhiều cơ quan chức năng đã đề cập trong thời gian qua. Chẳng hạn như dự án mở rộng Khu gang thép Thái Nguyên (8.000 tỷ đồng), Nhà máy đạm Ninh Bình (12.000 tỷ đồng), Nhà máy sợi Đình Vũ (7.000 tỷ đồng), những dự án nhà máy xăng ethanol… Nếu tổng hợp các dự án dạng này trên cả nước, số tài sản, vốn nhà nước đang bị lãng phí, không phát huy hiệu quả sẽ lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Đó là một con số lãng phí quá lớn. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra sự lãng phí này. Một trong những nguyên nhân chính là khâu quản lý hiện đang phân tán, thiếu hiệu quả, thiếu trách nhiệm. Để khắc phục vấn đề này, thì một cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn và tài sản của nhà nước ở các DN là rất cần thiết. Hơn nữa, những vấn đề về pháp lý của cơ quan này cũng đã chín muồi.

- Dựa vào cơ sở pháp lý nào để Bộ trưởng cho rằng việc thành lập cơ quan này vừa cần thiết, vừa hợp pháp?

Chúng ta biết rằng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định rõ “tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản nhà nước tại các DN. Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN”. Theo Luật Tổ chức Chính phủ 2015, các bộ, cơ quan ngang bộ không còn chức năng “thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại DN” như trước đây. Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN cũng không còn quy định về sự tham gia của các bộ quản lý tổng hợp vào thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với DN. Nhiều quy định khác của pháp luật cũng đã nhấn mạnh đến việc xác định rõ vai trò và trách nhiệm giải trình của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với tài sản và hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

- Nhưng nhiều ý kiến của chuyên gia, công luận vừa qua đang tỏ ý nghi ngờ tính hiệu quả của cơ quan này, thưa Bộ trưởng?

Tôi cho rằng những ý kiến phản biện vừa qua là rất cần thiết, hữu ích cho vấn đề này, vốn là vấn đề rất hệ trọng đối với phát triển kinh tế. Tôi cũng như Bộ KH-ĐT, cơ quan soạn thảo nghị định rất trân trọng các ý kiến đóng góp, phản biện từ các tổ chức, chuyên gia. Chúng tôi luôn lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu tất cả các ý kiến. Bởi chúng tôi xác định rằng đây là quá trình dân chủ, công khai nhằm hoạch định một chính sách có hiệu quả với sự tham gia rộng rãi của xã hội.  Các ý kiến hiện nay, không chỉ là rất khác nhau, mà còn có cả những ý kiến trái chiều. Tuy vậy, dù là ý kiến nào đi nữa, thì đều có điểm tương đồng với quan điểm của Bộ KH-ĐT rằng việc thành lập một cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN đã không thể chậm trễ hơn được nữa. Mặt khác, câu chuyện này đã được bàn bạc hàng chục năm nay rồi.

Đây là một cơ sở quan trọng để tất cả chúng ta cùng bàn bạc, thảo luận những vấn đề quan trọng khác như mô hình cơ quan này ra sao? Chức năng và phạm vi hoạt động thế nào? Tuy Bộ KH-ĐT đã trình dự thảo Nghị định về cơ quan này, nhưng quá trình tiếp thu, lắng nghe nghiên cứu những sáng kiến, ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia và người dân sẽ vẫn tiếp tục trên tinh thần cầu thị với những hình thức như tọa đàm, hội thảo và các hình thức khác. Tất cả đều nhắm đến một mục đích là tìm ra được mô hình, phương thức, công cụ hoạt động hiệu quả nhất cho cơ quan này.

Không thể tiếp tục lãng phí 5 triệu tỷ đồng ảnh 2 

Dàn máy kéo sợi filament POY (partially oriented yarn) hiện đại được nhập khẩu từ Đức của Nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp polyester Đình Vũ. Ảnh minh họa: TTXVN

- Một số bộ, ngành và nhiều chuyên gia đang e ngại, khi tập trung 5 triệu tỷ đồng vào một cơ quan như Bộ trưởng vừa đề cập, cơ quan này có thể sẽ lạm quyền. Mặt khác, việc thành lập cơ quan này sẽ làm bộ máy hành chính phình to hơn?

Nếu cơ quan này được thành lập thì quyền nắm giữ khối tài sản này của các cơ quan, nhất là các bộ sẽ không còn. Vì vậy, sự nghi ngờ, thậm chí là phản đối là điều dễ hiểu. Hơn nữa, nghị định đang trong quá trình hoàn thiện, mô hình, phương thức và công cụ hoạt động hiệu quả cho cơ quan này đang được xác định, lo ngại gia tăng cũng là điều hiển nhiên. Tôi cho rằng, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận việc thất thoát, lãng phí, sử dụng kém hiệu quả vốn và tài sản nhà nước hiện nay đang là một thực tế cần khắc phục. Quản lý và sử dụng hiệu quả số vốn tài sản khổng lồ của nhà nước, góp phần vào sự thịnh vượng chung của quốc gia là mục tiêu duy nhất mà Bộ KH-ĐT theo đuổi khi xây dựng nghị định này. Ngoài ra, tôi cũng kỳ vọng cơ quan này sẽ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả quá trình cổ phần DNNN nhằm không để tài sản, vốn nhà nước bị thất thoát, bị các nhóm lợi ích chi phối và số tiền thu được từ cổ phần hóa phải được sử dụng vào việc phát triển đất nước.

Về vấn đề bộ máy hành chính, khi thành lập cơ quan thống nhất đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các DN, thì đương nhiên những cơ quan đang thực hiện chức năng này ở các bộ, ngành sẽ phải ngừng hoạt động hoặc chuyển sang nhiệm vụ khác. Một mặt chúng ta giảm bớt được đáng kể số lượng đầu mối và bộ máy quản lý hành chính, mặt khác chúng ta đi đúng hướng trong việc thu gọn đầu mối quản lý.

- Vậy làm sao để giám sát được cơ quan, có thể nói là siêu quyền lực này, thưa Bộ trưởng?

Người dân, báo chí và Quốc hội, Chính phủ, cùng các cơ quan liên quan sẽ giám sát cơ quan này theo một cơ chế minh bạch thông tin theo hướng hiện đại nhất, tiện lợi nhất. Mọi sai phạm của bất cứ cá nhân nào của cơ quan này trong quá trình hoạt động cũng sẽ được xử lý nghiêm minh theo pháp luật, trách nhiệm cá nhân sẽ được tăng cường nhờ cơ chế này. Thất thoát, lãng phí, theo tôi, cũng vì cơ chế giám sát minh bạch, hiện đại này mà được ngăn chặn hiệu quả.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

PHAN THẢO - THANH GIANG thực hiện

Tin cùng chuyên mục