Thị trường xe ô tô năm 2006

Không thể “vạ lây” trong việc giảm thuế

Không thể “vạ lây” trong việc giảm thuế

Dù cho các liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô vẫn tuyên bố tăng giá bán xe, nhưng những ngày đầu năm 2006, người tiêu dùng trong cả nước đã chứng kiến các “màn” ô tô du lịch vừa không tăng được giá bán mà lại thông qua vô vàn “chiêu” khuyến mãi để giảm bớt giá. Các loại xe buýt, xe tải, xe chuyên dụng… không có quy định điều chỉnh, khả năng hạ giá không thể, tăng giá cũng không, vậy mà việc tiêu thụ cũng đang gặp khó khăn.

  • Giữ nguyên thuế
Không thể “vạ lây” trong việc giảm thuế ảnh 1

Dây chuyền sản xuất lắp ráp ô tô bằng công nghệ hiện đại tại Công ty Ô tô Trường Hải.

Cho đến thời điểm này, theo Quyết định 88/QĐ-BTC của Bộ Tài chính thì các chính sách của nhà nước về thuế đối với mặt hàng ô tô thương mại: xe tải, xe buýt, xe chuyên dụng vẫn giữ nguyên. Cụ thể, các loại thuế đối với mặt hàng xe khách nhập khẩu không có gì thay đổi trong năm 2006.

Các loại xe tải nhập khẩu cũng tương tự, chỉ riêng xe tải mới có trọng tải dưới 5 tấn nhập khẩu, thuế được giảm từ 100% xuống 80%. Theo các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, mức giảm thuế như vậy sẽ ảnh hưởng không nhiều đến giá bán xe trên thị trường.

Thực tế hiện nay, những mặt hàng xe tải, xe buýt từ các nhà sản xuất nước ngoài cũng đang tăng giá bán. Cụ thể, loại xe buýt 45 chỗ ngồi giá cũ từ 90.000 tới 95.000USD/xe, nay nhà sản xuất đã điều chỉnh tăng lên tới 110.000-120.000USD/xe. Còn loại xe tải Hyundai Benz có tải trọng 15 tấn trước đây giá nhập khẩu là 55.000USD/xe, nay đã tăng lên tới 70.000USD/xe.

Về nguyên nhân tăng giá, phía các nhà sản xuất nước ngoài đưa ra lý do “...bởi nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào đã ở một mặt bằng mới cao hơn nên phải tăng giá”. Do đó, người tiêu dùng mong muốn xe ô tô thương mại giảm giá trong lúc này và thời gian tới là hoàn toàn không thể.

  • Vì sao tiêu thụ chậm?

Ghi nhận của chúng tôi, thị trường xe thương mại trong những tháng cuối năm 2005 cũng đã bị khựng lại. Việc tiêu thụ chậm này là do thị trường xe này đã bị “vạ lây” từ thông tin năm 2006 giá ô tô sẽ giảm. Người tiêu dùng có thể hiểu lại một cách cặn kẽ rằng, thông tin về việc giảm giá ô tô do nhà nước thay đổi chính sách thuế trong năm 2006 chỉ điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu 10% và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô 4 chỗ và xe con du lịch nhập khẩu. Điều này đã gây áp lực làm cho mặt hàng xe con phải giảm giá là có thật.

Còn với mặt hàng ô tô thương mại thì hoàn toàn không đúng, những thông tin sai lệch trên đã làm cho thị trường ô tô thương mại lây nhiễm sự “đóng băng” như dòng xe con, xe du lịch. Thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp các dòng xe thương mại trong nước đều khẳng định, chính sự “vạ lây” này đã làm thị trường tiêu thụ rất chậm, kinh doanh sụt giảm, thất thu ngân sách cho nhà nước.

Nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã cho rằng, thời gian qua lượng người đến xem xe, khảo giá thì nhiều, nhưng rất ít khách hàng quyết định mua xe ngay. Hai tháng cuối năm, việc tiêu thụ có sôi động trở lại, nhưng vẫn không đạt được kết quả như nhà sản xuất mong đợi.

Có thể khẳng định, nhu cầu xe ô tô thương mại của thị trường trong nước còn rất lớn. Bởi hiện nay lượng xe ô tô quá niên hạn sử dụng, bị cấm không được lưu thông theo quy định của Nghị định 23/NĐ-CP, cần được thay thế là rất lớn. Mặt khác, việc thực hiện Chỉ thị 46/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thay thế xe công nông sẽ là “cơ hội” làm cho thị trường xe thương mại lẽ ra phải “sốt” nhưng thực tế thị trường vẫn chưa diễn ra là do tâm lý người tiêu dùng nhầm tưởng ô tô thương mại sẽ được giảm giá như xe du lịch.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc tiêu thụ ô tô thương mại chậm trong thời gian gần đây còn có nhiều nguyên nhân. Trước hết là do các công trình xây dựng cơ bản đã ngưng trệ nhiều nên đã ảnh hưởng lớn tới nhu cầu vận tải. Mặt khác, giá cước vận tải đã quá lạc hậu, mặc dù các doanh nghiệp vận tải đã có nhiều kiến nghị nhưng vẫn không được nhà nước cho điều chỉnh. Trong lúc đó, xăng dầu liên tục tăng giá, các tiêu cực trong hoạt động vận tải ngày càng gia tăng... nên kinh doanh vận tải không có lãi.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ người dân thay thế xe công nông chưa cụ thể, triển khai chậm nên chưa khuyến khích người dân thay xe công nông bằng xe ô tô mới. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực vận tải, nếu trong năm 2006 những “ách tắc” trên được sớm tháo gỡ, chắc chắn rằng thị trường ô tô thương mại sẽ sôi động trở lại, nhà nước sẽ không thất thu, việc thay đổi hàng trăm ngàn xe ô tô quá đát cũng sẽ sớm được triển khai hiệu quả.

HÀ ĐÔNG

 

Tin cùng chuyên mục