Không thờ ơ trước khó khăn của doanh nghiệp

Liên tục tại các cuộc họp giữa các sở, ngành chức năng với các doanh nghiệp (DN) bình ổn thời gian gần đây, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xét duyệt ưu tiên các tuyến giao thông, giúp các DN vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán luôn trở thành vấn đề nóng bỏng. Tại cuộc họp diễn ra ngày 8-7 vừa qua, hầu hết các vướng mắc của DN cũng đều xoay quanh vấn đề này.

Đại diện một DN bức xúc nói với PV Báo SGGP, có vẻ như cán bộ của Sở Giao thông Vận tải xem xét việc cấp phép cho DN bình ổn là công việc miễn cưỡng, không xem đó là một nghĩa vụ của các sở, ngành cùng chung tay với các DN thực hiện, triển khai tốt chương trình. Và nữa, khó khăn cho DN khi đến nộp hồ sơ, là khi đăng ký các tuyến vận chuyển thì không có biên nhận và khi nhận thì không kiểm tra ngay xem hồ sơ của DN còn thiếu gì nhằm chỉ ra cho các DN bổ sung kịp thời, vì vậy việc đi lại rất mất thời gian. “

Mỗi lần tiếp xúc với cán bộ của ngành này, tôi cứ có cảm giác DN đang phải đi xin một thứ gì đó, khi thực tế đó là nghĩa vụ của các sở, ngành” - đại diện DN bức xúc nói.

Một vấn đề khác cũng được các DN đặt ra, đó là một số DN đang gặp khó khăn trong việc cung ứng hàng hóa, thông qua kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi. Để cung ứng hàng hóa tại hệ thống phân phối hiện đại, DN phải chịu nhiều khoản chi phí: chiết khấu, phí thưởng doanh số cuối năm, cuối quý, chi phí trưng bày, phí mở mã hàng, phí mở điểm bán mới…

Mặt khác, các nhà phân phối cũng liên tục yêu cầu nhà cung cấp thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi đối với các mặt hàng bình ổn, làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của DN. Tính sơ bộ, chi phí bán hàng chiếm bình quân 10% - 20% giá bán, cá biệt chi phí bán hàng của một số nhóm hàng như thực phẩm chế biến, thủy hải sản, cặp - ba lô - túi xách lên đến 30%-40% giá bán. Trước tình hình này, đã có DN buộc phải rút hàng ra khỏi một vài hệ thống siêu thị vì không chịu nổi quá nhiều chi phí. Bằng không, DN sản xuất sẽ bị lỗ!

Trước những vấn đề này, một cán bộ của Sở Công thương TPHCM cho biết, sẽ tổ chức các buổi làm việc theo chuyên đề với những đơn vị, tổ chức nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các DN. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình bình ổn thị trường là một chủ trương lớn và đúng đắn của Thành ủy, UBND TPHCM.

Hiệu quả cũng như sức lan tỏa của chương trình đã được Đảng và Chính phủ ghi nhận, đồng thời triển khai rộng rãi đến các tỉnh, thành của cả nước. Bằng những điều đã nói, việc triển khai chương trình bình ổn tại TP không còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của các sở, ngành và các DN tham gia mà còn được nhân rộng đến tất cả các tổ chức chính trị, tầng lớp nhân dân.

Điều này được thể hiện qua việc, TP đã công khai đường dây điện thoại nóng của chương trình để mọi người dân cùng tham gia, giám sát giá cả hàng hóa, cũng như đóng góp ý kiến để việc thực hiện chương trình ngày càng tốt hơn. Nói như vậy để thấy, những bức xúc, khó khăn của các DN hoàn toàn có cơ sở, xuất phát từ nghĩa vụ, trách nhiệm của họ để chương trình ngày càng hoàn thiện.

Trên tinh thần đó, mỗi sở, ngành cũng cần xem lại nhiệm vụ, trách nhiệm của mình đã hỗ trợ được gì cho DN, còn mỗi DN cũng cần nhìn lại việc tham gia bình ổn vì mục đích gì và đã đóng góp gì cho chương trình.

HẢI HÀ

Tin cùng chuyên mục