(SGGP). – Nhiều vướng mắc khi thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã được chỉ ra trong quá trình chuẩn bị báo cáo Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 4 và sơ kết 3 năm thi hành luật này – nguồn tin từ Bộ Tư pháp cho biết.
Đáng lưu ý, các vụ việc yêu cầu bồi thường khi được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước gần như không thu được kinh phí từ tiền hoàn trả của người thi hành công vụ. Mức hoàn trả được pháp luật quy định trên cơ sở phải xác định được lỗi của người thi hành công vụ, song lại không có những quy phạm pháp luật rõ ràng về việc xác định lỗi của người thi hành công vụ. Bên cạnh đó, trong hoạt động thi hành án dân sự, chủ yếu có 2 loại việc. Loại việc thứ nhất, thực hiện giải quyết bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, loại việc thứ hai, thực hiện giải quyết bồi thường theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành mà cụ thể là quy định của Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BTP-BTC về bảo đảm tài chính để thi hành án. Việc tồn tại song song 2 cơ chế giải quyết bồi thường nêu trên cần phải được rà soát để thống nhất một cơ chế giải quyết bồi thường.
Trao đổi về hướng xử lý những vướng mắc nêu trên, Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết, hiện cục này đang chủ trì soạn thảo thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện việc xem xét trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ. Dự kiến thông tư này sẽ quy định cụ thể cả việc xác định lỗi cố ý và lỗi vô ý của người thi hành công vụ khi xem xét trách nhiệm hoàn trả. Cơ chế giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự được coi là vấn đề có chuyên môn sâu, cần phải có hướng dẫn cụ thể hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản hiện hành về kinh phí bồi thường và kinh phí bảo đảm tài chính để thi hành án nhằm thống nhất áp dụng.
ANH THƯ