Ngày 19-4, Bộ NN-PTNT cho biết vừa ký Quyết định số 1369/QĐ-BNN-CBTTNS phê duyệt Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng cơ cấu lại ngành sản xuất và kinh doanh mía đường Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với đường ngoại nhập.
Không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy đường hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu. Đây cũng chính là quy hoạch cho ngành mía đường Việt Nam với mục tiêu đến năm 2020, duy trì diện tích sản xuất mía ổn định 300.000ha, sản lượng mía trên 20 triệu tấn; sản lượng đường 2 triệu tấn. Đến năm 2030, vẫn giữ ổn định diện tích như năm 2020, tăng năng suất để đạt sản lượng mía 24 triệu tấn, sản lượng đường 2,5 triệu tấn.
Về định hướng sản xuất đường, Bộ NN-PTNT xác định: Đến năm 2020, trong 2 triệu tấn đường có 1,3 triệu tấn đường tinh luyện, còn lại 0,7 triệu tấn đường trắng và đường khác; không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới. Hiện tổng công suất thiết kế của các nhà máy là 174.000 tấn mía/ngày. Đến năm 2030, tổng công suất thiết kế của các nhà máy là khoảng 230.000 tấn mía/ngày; sản lượng đường khoảng 2,5 triệu tấn. Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), lượng đường tồn kho của Việt Nam từ năm 2017 đến nay vẫn còn rất lớn, với hơn 314.000 tấn, trong khi niên vụ mới đang bắt đầu. Còn theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), hiện cả nước đang có 41 nhà máy chế biến mía đường hoạt động.
Điểm nổi bật là Bộ NN-PTNT đưa ra đề xuất, cùng với quy định bắt buộc các phương tiện vận tải sử dụng xăng E5 thì để tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, đề nghị nghiên cứu và hỗ trợ sản xuất ethanol làm nhiên liệu sinh học từ mía và mật mía…