Khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM: Rà soát, loại dần doanh nghiệp công nghệ thấp

Khu chế xuất-khu công nghiệp (KCX-KCN) thành phố đều có chung mô hình na ná nhau: Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước... rồi kêu gọi đầu tư, lấp đầy càng nhanh càng tốt. Với cách làm như vậy, dẫn đến sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các KCX-KCN mà không tuân theo quy chuẩn ngành nghề nào. Dự án nhiều nhưng đa số có quy mô đầu tư nhỏ, hình thức gia công là chính, vì vậy, hàm lượng công nghệ thấp, dẫn đến giá trị gia tăng thấp.
Khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM: Rà soát, loại dần doanh nghiệp công nghệ thấp

Khu chế xuất-khu công nghiệp (KCX-KCN) thành phố đều có chung mô hình na ná nhau: Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước... rồi kêu gọi đầu tư, lấp đầy càng nhanh càng tốt. Với cách làm như vậy, dẫn đến sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các KCX-KCN mà không tuân theo quy chuẩn ngành nghề nào. Dự án nhiều nhưng đa số có quy mô đầu tư nhỏ, hình thức gia công là chính, vì vậy, hàm lượng công nghệ thấp, dẫn đến giá trị gia tăng thấp.

Nền công nghiệp gia công

Sau hơn 20 năm phát triển, có thể nói, nhiều công nghệ và trang thiết bị tại các KCX-KCN đã lạc hậu từ 2-3 thế hệ so với các nước công nghiệp phát triển, tỷ lệ trang thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu chiếm 60%-70%. Từ đó, dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Đơn cử như Công ty Freetrend tại KCX Linh Trung, quận Thủ Đức, với quy mô nhà xưởng 109.707m2, sử dụng trên 21.000 lao động, nhưng sản phẩm chủ yếu là gia công giày, dép cho các hãng trên thế giới. Doanh thu khoảng 1.400 tỷ đồng, nhưng nộp thuế chỉ hơn 22 triệu đồng. Con số này cho thấy công ty chỉ mới giải quyết việc làm cho người lao động, chứ chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay trên địa bàn TP có hàng trăm doanh nghiệp (DN) hoạt động kiểu như vậy.

Theo Ban quản lý KCX-KCN TP, đa số các dự án đầu tư nước ngoài sản xuất gia công là chính, thâm dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng các sản phẩm thấp, phần lớn tập trung vào các ngành dệt may, da giày, lắp ráp điện tử. DN với quy mô vốn đầu tư nhỏ, bình quân dưới 5 triệu USD/dự án chiếm hơn 73%. Số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ rất ít. Nguyên nhân, trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, các KCX-KCN với tiêu chí “lấp đầy” được đặt lên hàng đầu nhằm giải quyết việc làm; việc tiếp cận công nghệ, nguồn vốn và trình độ quản lý từ nước ngoài, chưa có sự chọn lọc nhà đầu tư. Hậu quả là lĩnh vực KCN hiện vẫn hoạt động chủ yếu theo kiểu sử dụng lao động phổ thông là chính. Kết quả khảo sát của Sở Khoa học Công nghệ TPHCM năm 2013 cũng cho thấy, tại các KCX-KCN trên địa bàn chỉ có 1% DN đạt trình độ tiên tiến, 4% DN ở mức khá, 51% DN ở mức công nghệ thấp.

Thực tế, việc thu hút DN ở các KCX-KCN hiện tại đang là một thách thức lớn đối với các chủ đầu tư. Bên cạnh đó, áp lực về tỷ lệ lấp đầy để đạt hiệu quả kinh doanh cũng khiến hoạt động của các KCN trở nên manh mún, thiếu liên kết giữa các khu với nhau, giữa các DN với DN nhằm tăng sức cạnh tranh. Số lượng DN nước ngoài hiện diện trong các KCN ngày càng nhiều, nhưng mối liên kết giữa nhóm này với các DN trong nước vẫn rất yếu. Sự thiếu gắn bó này thể hiện ở chỗ các KCN luôn có thâm hụt thương mại (chênh lệch nhập khẩu - xuất khẩu) ngày càng tăng cao. Hầu hết các DN nước ngoài đều nhập khẩu nguyên liệu và máy móc thiết bị từ công ty mẹ hoặc các chi nhánh khác ở nước ngoài.

Đẩy mạnh công nghiệp kỹ thuật cao

Trước thực trạng trên, UBND TPHCM đã chỉ đạo Hepza phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, phân loại đánh giá lại toàn bộ các doanh nghiệp đang hoạt động về các mặt: vốn, công nghệ, sản phẩm, hiệu quả sử dụng đất, trình độ lao động để xây dựng kế hoạch chuyển dịch cơ cấu lại. Thời gian tới, tập trung thực hiện đổi mới công nghệ, chuyển từ công nghệ gia công sang chế biến và chế tạo nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tạo khả năng cạnh tranh; phát triển công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ phục vụ công nghiệp. TP chủ trương chỉ thu hút nhà đầu tư sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sử dụng công nghệ sạch. Theo đó, hỗ trợ DN thâm dụng nhiều lao động, công nghệ trung bình, thấp, từng bước chuyển dịch cơ cấu đầu tư; hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực thiết kế, chế tạo sản phẩm, áp dụng quản lý chất lượng theo ISO; nghiên cứu đề xuất Nhà nước ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN đổi mới công nghệ hoặc di dời, hỗ trợ về đào tạo lại cho DN. Khuyến khích các DN cùng ngành nghề tham gia hiệp hội để hỗ trợ lẫn nhau nhằm tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường.

Để thực hiện kế hoạch trên, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý Hepza TPHCM, cho biết, việc sắp xếp và đổi mới các KCX-KCN là việc cấp bách trong thời gian tới. Trong đó, tập trung chuyển dịch cơ cấu ngành nghề theo hướng tập trung vào 4 ngành công nghiệp chủ lực: cơ khí-điện-điện tử, hóa dược và chế biến tinh lương thực thực phẩm, đã kéo theo sự chuyển dịch lao động từ các ngành thâm dụng lao động sang 4 ngành trên. Cụ thể, lao động ngành cơ khí tăng 15,6%, điện-điện tử tăng 8,9%, hóa nhựa tăng 14,6%, chế biến tinh lương thực thực phẩm tăng 21,6%. Trong những năm qua, có hơn 7.000 công nhân xuất sắc được các DN FDI đưa sang các quốc gia có nền công nghiệp phát triển đào tạo lại như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan...

Theo ông Hòa, thời gian qua, một số dự án đầu tư có hàm lượng kỹ thuật thấp và thâm dụng lao động tại KCX Linh Trung (7 nhà đầu tư) và Tân Thuận (8 nhà đầu tư) đã chuyển đổi địa điểm đầu tư về các KCN của tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Phần đất trống đang được cải tạo lại cơ sở hạ tầng nhằm kêu gọi đầu tư công nghệ cao. 
 

Khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM: Rà soát, loại dần doanh nghiệp công nghệ thấp ảnh 1

              Sản xuất dược phẩm trong KCN Cát Lái, quận 2, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

 TPHCM có 7 KCN dự kiến thành lập mới (Bàu Bưng, Phước Hiệp, Xuân Thới Thượng, Vĩnh Lộc 3, Lê Minh Xuân 2, 3, Phú Hữu) với tổng diện tích 1.569ha và 4 KCN dự kiến mở rộng (Hiệp Phước giai đoạn 3, Vĩnh Lộc, Tây Bắc Củ Chi, Lê Minh Xuân) với diện tích 849ha. Như vậy đến năm 2020, TP sẽ có 22 KCX-KCN tập trung với diện tích 5.939,61ha. Mục tiêu của các KCN mở rộng nhằm thu hút các ngành mũi nhọn theo định hướng điện-điện tử, hóa chất, cơ khí, chế biến tinh lương thực thực phẩm, tạo động lực vững chắc phát triển công nghiệp.


QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục