Xả súng đẫm máu
Các nhân chứng cho biết 3 người đàn ông mang vũ khí đã đến quán cà phê trên một chiếc ô tô đêm 13-8 (giờ địa phương) và xả súng vào khách hàng ngồi bên trong quán. Đến sáng 14-8, người ta vẫn nghe thấy lác đác tiếng súng.
Bộ Thông tin Burkina Faso cho biết số thương vong trong vụ xả súng tại quán cà phê Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Istanbul ở thủ đô Ouagadougou đã lên tới 18 người thiệt mạng và 8 người bị thương. Hiện chưa rõ quốc tịch của các nạn nhân, song có người nước ngoài. Bộ trưởng Bộ Thông tin Burkina Faso Remi Dandjinou khẳng định vụ xả súng tại quán cà phê Aziz Istanbul là một vụ tấn công khủng bố, đồng thời cho biết con số thương vong trên chỉ là tạm thời.
Sau khi xảy ra vụ xả súng, các lực lượng an ninh và quân đội Burkina Faso đã có mặt tại hiện trường, sơ tán người dân khỏi khu vực này trước khi mở chiến dịch truy quét các đối tượng tình nghi. Một binh sĩ cho biết có một số người bị bắt làm con tin ở tầng 1 và tầng 2 của quán cà phê này. Thị trưởng Ouagadougou và một số Bộ trưởng cũng có mặt tại hiện trường để chỉ đạo chiến dịch. Chiều cùng ngày, các lực lượng an ninh tại thủ đô Ouagadougou đã kết thúc chiến dịch truy quét những tay súng thánh chiến xả súng vào quán cà phê. Nhưng các hoạt động khám xét và lục soát ở các vùng lân cận vẫn đang tiếp tục được triển khai. Ông Remi Dandjinou cho biết có 2 kẻ khủng bố đã bị tiêu diệt. Trong số những nạn nhân thiệt mạng có ít nhất 2 người nước ngoài, gồm một người Thổ Nhĩ Kỳ và một người Pháp.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày đã xác nhận trong số những người thiệt mạng có 1 người là công dân nước này và một người khác bị thương.
Tiếp tục chiến dịch chống khủng bố
Cũng giống như các nước Tây Phi khác, Burkina Faso là mục tiêu của nhiều nhóm thánh chiến. Các tay súng có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda tại khu vực Maghreb đã thừa nhận tiến hành vụ tấn công đẫm máu nhất gần đây, xảy ra hồi tháng 1-2016, khi các tay súng tấn công một quán cà phê và khách sạn tại thủ đô Ouagadougou làm 30 người thiệt mạng.
Tháng 6 vừa qua, một liên minh các nhóm thánh chiến Mali có liên hệ với Al-Qaeda cũng đã tấn công một khu nghỉ dưỡng sang trọng ở Mali làm 5 người thiệt mạng. Để đối phó với tình trạng hỗn loạn này, 5 quốc gia khu vực Sahel (G5 Sahel), bao gồm Mali, CH Chad, Mauritania, Niger và Bourkina Faso, đã thành lập lực lượng chống khủng bố chung, với biên chế ban đầu là 5.000 binh sĩ nhằm phối hợp tiến hành các chiến dịch chung chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan và tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đang hoành hành tại khu vực sa mạc Sahara rộng lớn này.
Hiện có 12.000 binh sĩ trong Phái bộ LHQ tại Mali để duy trì hòa bình và an ninh tại khu vực. Ngoài ra, quân đội Pháp cũng đang duy trì hơn 4.000 binh sĩ để hỗ trợ và tiếp tục chiến dịch chống khủng bố mang tên Barkhane tại đây. Tuy nhiên, lực lượng này sẽ chỉ bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay và hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn tài trợ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cam kết sẽ đồng hành cùng lực lượng chống khủng bố mới của G5 Sahel, nhất là từ nay đến cuối năm, Paris sẽ cung cấp 60 xe quân sự chiến thuật, thiết bị thông tin trị giá gần 10 triệu USD và hỗ trợ các chiến dịch quân sự trên thực địa của lực lượng đa quốc gia này. Theo một số nguồn tin, hiện chiến dịch chống khủng bố “Barkhane” mà Pháp đang triển khai tại khu vực này có chi phí lên tới gần 900 triệu USD mỗi năm.
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện nhiều âm mưu khủng bố
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 14-8 đã bắt giữ một nhóm đối tượng thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lên kế hoạch đánh bom liều chết hàng loạt ở những nơi đông người, trong đó có các trung tâm thương mại lớn tại Mátxcơva, theo sự chỉ đạo của một số chỉ huy của IS ở Syria. Nhóm khủng bố trên gồm 1 công dân Nga và 3 người đến từ Trung Á. Các nhân viên điều tra cũng phát hiện một nơi sản xuất thiết bị gây nổ.
Trước đó, cảnh sát nước Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ một đối tượng nghi là thành viên của IS đang âm mưu tiến hành một vụ tấn công liều chết.