Khung giá viện phí mới chưa hợp lý

Viện phí: Kịch trần
Khung giá viện phí mới chưa hợp lý

Trên 50 tỉnh thành và phần lớn bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế đã hoàn chỉnh khung giá viện phí mới và được phê duyệt. Dự kiến bắt đầu tháng 8 tới cho đến hết năm 2012, giá viện phí mới tại các bệnh viện sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, vấn đề mà người dân cũng như cơ quan BHXH đang hết sức lo ngại là chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh có được nâng lên khi chi phí tăng cao, cùng với đó là nguy cơ mất cân đối Quỹ BHYT…

Người dân chen chúc khi đi khám bệnh. Ảnh: Quốc Khánh

Người dân chen chúc khi đi khám bệnh. Ảnh: Quốc Khánh

Viện phí: Kịch trần

Sau khi hàng chục tỉnh thành được HĐND phê duyệt thông qua khung giá viện phí mới, trong đó có nhiều địa phương chấp thuận giá viện phí mới tăng “kịch trần”, nhiều bệnh viện tuyến trung ương đã trình đề xuất khung viện phí mới lên Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Nam Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), cho biết, trong số 38 bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế, đến nay đã có 22 bệnh viện xây dựng xong và trình khung giá điều chỉnh viện phí lên Bộ Y tế, 5 bệnh viện đã được Bộ Y tế thông qua gồm: Bạch Mai, Việt Đức, Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, K trung ương và Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh).

Với những bệnh viện đã được Bộ Y tế thông qua có thể chính thức áp dụng giá viện phí mới ngay từ 1-8 tới đây, hoặc cũng tùy tình hình của từng bệnh viện, việc tiến hành áp dụng khung giá viện phí mới có thể muộn hơn. Đồng thời, dự kiến ngay trong quý 3 này, tất cả các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ hoàn tất việc xây dựng khung giá viện phí mới để có thể đưa vào áp dụng trong thời gian tới.

Đáng chú ý, đề cập tới mức tăng của khung giá viện phí của các bệnh viện tuyến trung ương, ông Liên cho biết, so với các bệnh viện tuyến tỉnh trực thuộc Sở Y tế hay UBND, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đề xuất mức viện phí tương đối hợp lý. Tuy nhiên, thực tế hầu hết bệnh viện trung ương đều đề xuất ở mức 90% - 95% so với khung giá tối đa và mức giá được phê duyệt bình quân chiếm khoảng 95% so với khung giá. Trong khi đó, với các bệnh viện hạng 2 thuộc Bộ Y tế, mức viện phí mới cũng tới 90% khung giá tối đa.

Trong khi đó với nhiều tuyến dưới, đến thời điểm này, hầu hết địa phương hoàn thành việc xây dựng, thẩm định và thông qua khung giá viện phí. Từ 1-8 tới, có ít nhất 9 tỉnh thành sẽ áp dụng giá viện phí mới và dự kiến từ nửa cuối tháng 8 trở đi, sẽ là gần 50 địa phương. Thống kê mới nhất của cơ quan chức năng, 35 tỉnh thành phố phê duyệt mức giá viện phí mới của các bệnh viện trực thuộc tăng từ 70% - 80% khung giá tối đa. Đặc biệt có khoảng 10 tỉnh thành chấp thuận mức tăng lên tới 93% - 95% so với khung giá.

Lý giải cho việc xây dựng và thực hiện mức viện phí tăng cao, về phía bệnh viện đều đưa ra các lý do xem ra khá thuyết phục như giá viện phí cũ đã lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và mức sống của người dân. Hơn nữa, tăng viện phí cao do giá thuốc, giá vật tư tiêu hao được đấu thầu với giá cao, đẩy giá chung lên cao. Đặc biệt, tăng viện phí sẽ giúp cho bệnh viện có thêm nguồn kinh phí để đầu tư vào cơ sở vật chất, nhân lực nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng phục vụ bệnh nhân.

Tuy nhiên, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam lại cho rằng, nhiều bệnh viện đua nhau xây dựng khung giá viện phí cao chưa theo đúng mục tiêu mà liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành trong Thông tư 04. Nhiều địa phương còn có tư tưởng nâng mức dịch vụ y tế lên thật cao để tăng nguồn thu cho bệnh viện từ Quỹ BHYT.

Đại diện của BHXH Việt Nam thẳng thắn cho biết, để giá viện phí được phê duyệt ở mức cao, không ít địa phương còn dùng “tiểu xảo” nhằm biện minh cho sự tăng giá bất hợp lý này. Theo đó, địa phương thường chia nhóm các dịch vụ kỹ thuật, trong đó dịch vụ kỹ thuật nào có tần suất sử dụng cao, với số người sử dụng nhiều như khám bệnh, giường bệnh, xét nghiệm, chiếu chụp… thì đề xuất ở mức rất cao, còn những dịch vụ kỹ thuật ít được bệnh nhân sử dụng thì đề xuất ở mức thấp nhằm đưa ra khung giá viện phí chung ở mức phù hợp. Nhưng thực tế thì bệnh viện vẫn thu lợi nhiều nhất trên sự thiệt thòi và gánh nặng của người bệnh.

Bệnh nhân: Lo lắng

Thời điểm các bệnh viện thực hiện tăng giá dịch vụ y tế không còn xa. Vì vậy càng gần tới điểm giá viện phí mới được áp dụng, nỗi lo của người dân, nhất là người bệnh nghèo càng thêm nặng nề. Không chỉ là gánh nặng về kinh tế mỗi khi ốm đau, bệnh tật phải đi viện mà còn là nỗi lo về chất lượng dịch vụ y tế tại các bệnh viện.

Lãnh đạo một số bệnh viện cho rằng, tăng viện phí nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, nhưng thực tế chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng điều trị và thái độ phục vụ của y - bác sĩ vẫn là một dấu hỏi khó giải đáp. Không chỉ có bệnh viện tuyến trung ương mà ở nhiều bệnh viện tuyến tỉnh thành, tình trạng quá tải vẫn diễn ra trầm trọng, người bệnh ngay khi tới bệnh viện đã phải chịu cảnh chen lấn, xếp hàng chờ hàng tiếng mới được vài phút khám bệnh qua loa. Cho tới khi vào nhập viện lại phải chen chúc trên giường bệnh có tới 2-3 người nằm cùng. Cùng với đó là không ít những sai sót về chuyên môn trong điều trị, cũng như tinh thần thái độ phục vụ khiến người bệnh không chỉ gặp tai biến mà thậm chí còn tử vong oan uổng.

Trao đổi với chúng tôi, bác Nguyễn Thị Minh (65 tuổi, bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ: “Sức khỏe con người là vốn quý nhất, nên ốm đau, bệnh tật dù tốn kém mấy cũng phải chữa trị. Viện phí tăng, chất lượng dịch vụ cần phải được cải thiện, chứ cứ như tình trạng hiện nay tại nhiều bệnh viện thì người bệnh thiệt thòi và khổ quá”.

Trong khi đó, đại diện BHXH Việt Nam lại bày tỏ sự lo ngại khi giá dịch vụ y tế mới được áp dụng tại nhiều địa phương với mức tăng quá cao sẽ khiến Quỹ BHYT bị mất cân đối. Ước tính Quỹ BHYT năm 2012 sẽ bội chi 500 tỷ đồng, còn năm 2013 dự báo sẽ bội chi 1.000 tỷ đồng. Sẽ có 40 tỉnh thành đứng trước ngưỡng vỡ Quỹ BHYT và chỉ có 20 tỉnh sẽ cân đối hoặc bội chi ít nhưng đây đều là những tỉnh nghèo có số thu thấp.

Những lo ngại của người dân và BHXH là hoàn toàn có cơ sở khi viện phí tăng cao. Tuy nhiên đại diện của Bộ Y tế lại cho rằng, không lo vỡ Quỹ BHYT vì năm 2010-2011, quỹ BHYT đều có kết dư, viện phí mới chỉ thực hiện đồng loạt vào cuối quý 2 và quý 4 nên khả năng vỡ quỹ vào năm 2012 là rất khó. Hơn nữa, lương tối thiểu đã tăng và dự kiến năm 2013, lương tối thiểu tăng tiếp nên nguồn thu của Quỹ BHYT cũng tăng theo. Còn về chất lượng dịch vụ y tế, Bộ Y tế sẽ tổ chức kiểm tra, bệnh viện nào cung cấp chất lượng dịch vụ y tế không tương xứng với giá đã tăng sẽ phải hạ giá dịch vụ y tế!

Khung giá viện phí mới được phép điều chỉnh gồm 447 dịch vụ y tế, chiếm khoảng 15% trong tổng số 3.000 dịch vụ y tế. Tuy nhiên, phần lớn các dịch vụ y tế được điều chỉnh lại rơi vào nhóm dịch vụ thường được người bệnh sử dụng nhiều nhất.

Khánh Nguyễn

Tin cùng chuyên mục