Khủng hoảng Iran leo thang nghiêm trọng

Ngày 7-1, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra tại nhiều thành phố lớn của Iran trong bối cảnh nhiều nguồn tin cho biết cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã bị nhà chức trách nước này bắt giữ vì hành động được cho là kích động bạo loạn chống chính phủ. 
Biểu tình ôn hòa ủng hộ Chính phủ Iran
Biểu tình ôn hòa ủng hộ Chính phủ Iran

Tình hình càng nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng khu vực Trung Đông khi Mỹ đang có những bước đi phá vỡ thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Nội công, ngoại kích

Nhật báo Al-Quds Al-Arabi có trụ sở tại London (Anh) dẫn một số nguồn tin đáng tin cậy ở Tehran ngày 6-1 cho biết, ông Ahmadinejad trong chuyến thăm tới thành phố Bushehr ở miền Tây Iran vào ngày 28-12-2017, đã cáo buộc một số nhà lãnh đạo đương nhiệm “quản lý kém”, “sống xa rời những vấn đề và lo lắng của nhân dân và không hề biết gì về thực tế xã hội”... Những bình luận của ông Ahmadinejad được đưa ra vào thời điểm bùng nổ làn sóng biểu tình chống chính phủ, đã khiến ông bị bắt.

Trong khi giới chức Iran chưa đưa ra bình luận gì về thông tin nêu trên, thì đài truyền hình nhà nước Iran phát sóng những hình ảnh cho thấy các cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ trong một số thành phố, nhằm đáp trả những kẻ nổi loạn và ủng hộ nổi loạn. Hội đồng Nhân quyền Tối cao Iran cũng lên tiếng chỉ trích một số nhà nước và cơ chế nhân quyền quốc tế ủng hộ những đối tượng gây bạo loạn, đồng thời mô tả sự hỗ trợ như vậy như là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Iran.

Bộ trưởng Tình báo Iran Mahmoud Alavi khẳng định, lớp trẻ Iran sẽ đánh bại những âm mưu của thế lực thù địch từ Mỹ, Israel và Saudi Arabia. Lực lượng an ninh Iran sẽ không để kẻ thù làm tổn hại tới an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, ông Alavi cũng cam kết sẽ không để các nhóm khủng bố làm suy yếu ý chí của người dân Iran.

Cơ hội để thực hiện cam kết

Chính quyền Tehran nhận định làn sóng biểu tình nổ ra tại Iran bắt nguồn từ những vấn đề tồn tại ở trong nước cùng với sự can thiệp từ bên ngoài. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng làn sóng biểu tình hiện nay ở Iran là biểu hiện của sự chia rẽ, bè phái và tranh giành lợi ích trong nội bộ nước này. Đối thủ của đương kim Tổng thống Rouhani trong cuộc bầu cử năm 2017, ông Ebrahim Raisi đã đổ lỗi cho Tổng thống Iran để xảy ra biểu tình, phóng đại lợi ích thỏa thuận hạt nhân.

Vì vậy, các cuộc biểu tình này là dịp để Tổng thống Rouhani lắng nghe ý kiến của người dân Iran, nhanh chóng thực hiện những cam kết về cải cách kinh tế và xã hội mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử của mình. Tuy nhiên, để thực hiện những cam kết của mình, Tổng thống Iran sẽ phải đối mặt với các khó khăn và thử thách từ nạn gia đình trị và tham nhũng đang diễn ra ở Iran. Trước mắt, các phe phái ở Iran sẽ hành động để gây ảnh hưởng lên lãnh đạo tối cao Ayatollah Khamenei.

Còn về phía người dân Iran, với những biến động chính trị và sự bất ổn trong khu vực kể từ Mùa xuân Arab, chắc chắn rằng phần lớn họ sẽ ủng hộ giải pháp cho một cuộc cách mạng để cải cách hơn. Lịch sử cho thấy, sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của Iran đã để lại những “vết sẹo” hằn sâu vào tiềm thức người dân Iran trong nhiều thập kỷ qua.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran đang đối đầu quyết liệt. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 6-1 cho biết, các nghị sĩ nước này đang chuẩn bị một dự thảo về sửa đổi các điều kiện của thỏa thuận hạt nhân Iran, trong đó cho phép Washington tiếp tục tham gia thỏa thuận này. Tuy nhiên, theo Nga, việc Mỹ chuẩn bị một dự thảo như trên là một bước dạo đầu để khiến các nước khác rút lui khỏi thỏa thuận. Đây là một bước đi tồi tệ. Nếu Iran không thể đạt được thỏa thuận hạt nhân với các nước phương Tây, Trung Đông có thể bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng thực sự.

Tin cùng chuyên mục