
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 và có xét đến năm 2025. Theo đó, một chương trình đầu tư đồng bộ nguồn điện và lưới truyền tải đã được đề ra, song song với kế hoạch thị trường hóa bán điện…

Cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành điện hiện đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, bởi theo họ đây là loại cổ phiếu có tính thanh khoản cao. Cho đến nay, ngành điện lực vẫn là ngành thu hút đầu tư vì năng lực sản xuất nguồn chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất, đặc biệt trong tình hình đô thị hóa diễn ra với tốc độ cao và kinh tế phát triển mạnh. Mới đây, khi thị trường chứng khoán đang sôi động, nhiều doanh nghiệp ngành điện đã chú trọng đến các dự án đầu tư nhà máy thủy điện nhỏ, chỉ cần xin đầu tư một dự án nào đó, có giấy phép là dễ dàng huy động vốn.
Ông Đặng Chí Trung, Tổng giám đốc Công ty Bách Việt, cho biết nhóm các nhà đầu tư của ông đã khởi công dự án nhà máy thủy điện Đak Tih công suất 144 MW, với tổng số vốn dự án lên đến 3.000 tỷ đồng. Theo ông Trung, hiện nay nhu cầu sử dụng điện tăng rất cao, nhưng tốc độ đầu tư xây dựng các nhà máy điện còn rất chậm. Chính vì vậy, Bách Việt đã liên kết với Tổng công ty Xây dựng số 1 và một số nhà thầu khác để đầu tư nhà máy thủy điện này.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 đã trình bày khá cụ thể lộ trình phát triển hệ thống nguồn và lưới điện Việt Nam trong tương lai. Theo đó, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của cả nước với mức tăng GDP khoảng từ 8,5-9% trong giai đoạn này và có thể cao hơn, thì nhu cầu về điện ở Việt Nam cũng sẽ tăng ở mức 17% và có thể lên đến 20%/năm. Chính vì vậy, việc phát triển nguồn điện phải đáp ứng được nhu cầu phụ tải theo mức phát triển trên.
Đồng thời, phải đảm bảo thực hiện tiến độ xây dựng các nhà máy thủy điện có các lợi ích tổng hợp như chống lũ, cấp nước, sản xuất điện; phát triển hợp lý các nguồn nhiệt điện khí, đẩy mạnh xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, phát triển các công trình thủy điện có quy mô nhỏ, năng lượng mới và tái tạo cho các vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo. Ngoài ra, cần chủ động trao đổi điện năng với các nước trong khu vực, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững.
Cũng theo đề án quy hoạch trên, ngành điện cần tập trung phát triển các trung tâm điện lực khu vực nhằm đảm bảo việc cung cấp điện tại chỗ và giảm tổn thất kỹ thuật trên hệ thống điện quốc gia cũng như đảm bảo tính kinh tế của các dự án, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho từng vùng và cả nước. Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn điện mới phải có dự án đầu tư chiều sâu, sử dụng công nghệ hiện đại và đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường. Ngoài ra, Chính phủ khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện phân phối; các nhà đầu tư trong nước có đủ năng lực được huy động mọi nguồn vốn để đầu tư cho các công trình theo cơ chế tự vay, tự trả.
Tuy nhiên, trong việc đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện lực, Nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền tải hệ thống điện quốc gia, sản xuất điện quy mô lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh. Nhà nước cũng sẽ nắm giữ trên 50% tổng số vốn cổ phần của những doanh nghiệp có vai trò đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện. Đồng thời, việc cổ phần hóa các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tiến hành một cách chặt chẽ và có từng bước đi thích hợp.
Văn Minh Hoa