
Ngày 24-4, Sở Công thương TPHCM đã họp với 76 doanh nghiệp (DN) nhằm thông báo những chủ trương, chính sách mới của TP, đồng thời ghi nhận những thuận lợi, khó khăn của DN trong việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2014.
Có thể dán logo lên sản phẩm
Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết, năm 2014 TPHCM đã hoàn thành việc tổ chức cuộc thi thiết kế biểu trưng (logo) cho chương trình, do vậy các DN cần có kế hoạch để đưa logo vào các sản phẩm nhằm nâng cao nhận diện của các mặt hàng, dịch vụ bình ổn, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đơn vị tham gia chương trình trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa dịch vụ với giá cả phù hợp và chất lượng hàng hóa ngày càng tăng. Để được sử dụng logo, các DN có tên trong quyết định của UBND TP cần đăng ký và được Sở Công thương (đơn vị quản lý logo) chấp thuận. Trước mắt, để tránh tốn kém về chi phí, DN nên in và dán logo vào bao bì sẵn có, không nhất thiết phải in mới tất cả bao bì. Cố gắng trong tháng 5 và 6 sắp tới, logo của chương trình sẽ xuất hiện trên tất cả các mặt hàng bình ổn.
Về việc đăng ký xe vận chuyển hàng hóa trong chương trình, các DN cần có danh sách cụ thể gửi về Sở Công thương, từ đó sở sẽ đề xuất với Sở Giao thông Vận tải cấp phép lưu thông. Năm 2014, các ngân hàng đã dành gói tín dụng 8.300 tỷ đồng với lãi suất phù hợp nhằm hỗ trợ vốn cho DN, do vậy các DN cần nhanh chóng liên hệ với Sở Tài chính để biết được hạn mức phê duyệt, trong trường hợp cần vay thêm vốn nên đăng ký với các sở, ngành để được hướng dẫn cụ thể. Trong quá trình giao dịch, nếu các DN gặp khó khăn, cần báo ngay cho các đơn vị chức năng xem xét, giải quyết. Liên quan đến lãi suất cho vay, bà Lê Ngọc Đào lưu ý các ngân hàng cần thực hiện đúng các cam kết với TP về tổng hạn mức và lãi suất cho vay ngắn hạn và dài hạn. Trong trường hợp phát hiện các đơn vị có hành vi vi phạm, sẽ kiến nghị cấp trên xử lý nghiêm.
Theo yêu cầu của các DN tham gia chương trình, năm 2014 Sở Công thương đang xây dựng một website riêng nhằm quảng bá, giới thiệu DN và sản phẩm bình ổn. Website này có nhiệm vụ giao dịch, bán hàng qua mạng cho các DN. Ngoài ra, sở cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn để tăng cường kiến thức về giao dịch thương mại điện tử cho các DN. Đây cũng là điểm mới của chương trình bình ổn năm 2014 nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các DN có sự đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng cường đưa hàng bình ổn đến tay người tiêu dùng.

Chọn mua các mặt hàng rau củ quả bình ổn giá tại siêu thị Co.opmart. Ảnh: Tường Dân
Xử lý nghiêm vi phạm chất lượng, ATVSTP
Cùng với việc triển khai nguồn hàng cung cấp cho chương trình, năm 2014, TPHCM sẽ quan tâm đặc biệt đến chất lượng hàng hóa và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Theo đó, TP sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành nhằm giám sát chặt chẽ các nội dung này.
Ông Huỳnh Thiện Trung, Thanh tra viên Sở Công thương TPHCM cho biết, năm 2014 các sở, ngành chức năng sẽ áp dụng mức phạt mới theo Nghị định 178 trong lĩnh vực ATVSTP. So với các văn bản cũ thì mức phạt mới cao hơn nhiều, đối với cá nhân có hành vi vi phạm có thể phạt tới 100 triệu đồng và 200 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm. Đồng thời, sẽ bị đình chỉ kinh doanh, không cần chờ tái phạm hoặc có tình tiết tăng nặng như những văn bản trước đó.
Cũng theo ông Trung, thực tế kiểm tra năm 2013 cho thấy, tại các hệ thống siêu thị thường mắc các lỗi như hàng hóa bị quá hạn sử dụng do nhân viên không chú trọng đến việc đảo hàng khi châm thêm hàng mới; không để ý đến hạn sử dụng ghi trên bao bì khi chiết, rót hàng mới; nhãn hàng hóa không phù hợp với hồ sơ công bố; vi phạm về khuyến mãi; vi phạm về quảng cáo rượu và thuốc lá… Vì vậy, nội dung kiểm tra trong thời gian tới tiếp tục tập trung vào chất lượng hàng hóa, nhãn mác hàng hóa, hạn sử dụng, đặc biệt là kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm khi đưa vào hệ thống phân phối.
Để hạn chế tối đa việc vi phạm, ông Trung yêu cầu các đơn vị kinh doanh cần tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc nguyên liệu khi đưa vào phân phối. Tập huấn thường xuyên cho nhân viên trong việc chăm sóc hàng hóa, quầy kệ; xem lại bao bì hàng hóa trước khi chiết hoặc rót hàng mới nhằm tránh tình trạng hàng bên trong tốt nhưng bao bì bên ngoài lại ghi quá hạn sử dụng. Khi trưng bày thuốc lá thì chỉ được phép trưng 1 gói hoặc 1 cây còn nguyên, nếu xé cả cây ra trưng bày sẽ bị vi phạm về quảng cáo, mức phạt này lên tới 90 triệu đồng cho hành vi vi phạm; không dùng thuốc lá và rượu để làm quà khuyến mãi; khi tổ chức các chương trình khuyến mãi phải báo cho cơ quan chức năng trước 7 ngày…
|
Ông Phạm Quý Cường, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý Thị trường TPHCM cũng yêu cầu các DN khi bày bán hàng hóa ngoài việc đảm bảo các yếu tố về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, niêm yết giá cũng cần quan tâm đặc biệt đến trọng lượng hàng hóa. Trong trường hợp vi phạm một trong những nội dung nêu trên sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Về vấn đề này, bà Lê Ngọc Đào yêu cầu các hệ thống phân phối nên hình thành bộ phận kiểm tra chất lượng hàng hóa nội bộ; có sự chọn lọc hàng hóa khi đưa vào kinh doanh nhằm giữ gìn uy tín cho chương trình nói chung và cho DN nói riêng. Tất cả các mặt hàng thực phẩm cần phải đảm bảo đủ điều kiện ATVSTP và có hồ sơ công bố chất lượng. Các hệ thống phân phối nên ưu tiên hàng hóa trong chương trình bình ổn. Phương thức thanh toán đối với các DN trong chương trình và DN ngoài chương trình phải đúng thời hạn. “Một trong những nội dung kiểm tra năm nay sẽ điểm danh hàng hóa vào siêu thị sẽ được “đối xử” như thế nào, từ việc trưng bày đến thời gian thanh toán. Trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn mà cứ giam tiền thì DN làm sao tái đầu tư, phát triển sản xuất” - bà Lê Ngọc Đào nhấn mạnh.
UYỂN CHI