Khuyến khích phát triển các loại hình phân phối hiện đại, văn minh

Thương mại nội địa đang trở thành động lực tăng trưởng chính của ngành công thương TPHCM. Quy mô thị trường trong năm 2019 ngày càng được mở rộng, tổng mức bán lẻ hàng hóa có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ và các doanh nghiệp (DN) đã tận dụng khai thác tốt hơn thị trường trong nước, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển theo hướng bền vững.
Tổng công ty Thương mại Sài Gòn vừa khai trương cửa hàng Satrafoods Halal, chuyên bán các loại thực phẩm được chứng nhận Halal dành cho cộng đồng Hồi giáo. Ảnh: CTV
Tổng công ty Thương mại Sài Gòn vừa khai trương cửa hàng Satrafoods Halal, chuyên bán các loại thực phẩm được chứng nhận Halal dành cho cộng đồng Hồi giáo. Ảnh: CTV

Doanh thu bán lẻ tăng 13,3%

Theo Sở Công thương TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2019 ước đạt 1.177.154 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm trước (năm 2018 tăng 13%); trong đó, doanh thu bán lẻ ước đạt 763.036 tỷ đồng, tăng 13,3% (cùng kỳ tăng 13,2%), chiếm 64,82% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (tỷ trọng năm 2018 là 64,13%).

Theo nhận định của Sở Công thương, doanh thu bán lẻ duy trì mức tăng trưởng khá so cùng kỳ nhờ môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, sự lạc quan tiêu dùng, mức sống của người dân được nâng lên, đầu tư vào khu vực bán lẻ gia tăng, tạo sự cạnh tranh giữa các nhà phân phối trong và ngoài nước, hạ tầng thương mại được củng cố và phát triển theo quy hoạch.

Tính đến ngày 26-12, TPHCM đã phát triển được 238 chợ, 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại (TTTM) và 2.656 cửa hàng tiện lợi (giảm 1 chợ, tăng 3 siêu thị, tăng 3 TTTM và tăng 377 cửa hàng tiện lợi so với cuối năm 2018); trong đó hệ thống siêu thị, TTTM và cửa hàng tiện lợi trong nước chiếm ưu thế số lượng điểm bán, đạt lần lượt là 155/206 siêu thị (tỷ trọng 73%), 28/49 TTTM (tỷ trọng 57,2%) và cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ trọng 76%. Hầu hết các đơn vị chủ quản hệ thống phân phối có quy mô lớn hàng đầu của TP đều do các DN trong nước trực tiếp đầu tư, phát triển, quản lý, khai thác, vận hành. Đây là tín hiệu tích cực, chứng tỏ các đơn vị trong nước đã trải qua thời kỳ tích lũy kinh nghiệm quản lý, đang đẩy nhanh quá trình đầu tư, liên doanh, liên kết, mua bán, sáp nhập để nâng cao năng lực, đủ sức cạnh tranh trực tiếp với đơn vị nước ngoài trong thời gian tới.

Xu hướng tiêu dùng, mua sắm tại các kênh bán lẻ hiện đại tại TPHCM tiếp tục mở rộng và phát triển, thu hẹp kênh mua sắm của khu vực chợ truyền thống, cửa hàng bách hóa cá thể… vì những ưu điểm vượt trội của mô hình văn minh, tiên tiến này. Lĩnh vực công nghệ thông tin, internet tác động đến hoạt động kinh doanh ngày càng mạnh mẽ hơn. Các phương thức quảng cáo sản phẩm, đặt mua và thanh toán qua mạng điện tử có ảnh hưởng mạnh mẽ, nhất là lĩnh vực bán lẻ. Hiện nay, TPHCM là địa phương có thị trường hoạt động thương mại điện tử lớn nhất nước và dẫn đầu cả nước về Chỉ số thương mại điện tử. Hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn đã phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng, chiều sâu và có xu hướng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai, khi lượng người tiêu dùng sử dụng thiết bị di động kết nối internet ngày càng nhiều.

Thời gian qua, các kênh phân phối thương mại điện tử được triển khai đa dạng theo mô hình website bán hàng, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trên cả nền tảng web và nền tảng di động. Các ứng dụng thanh toán điện tử đã được triển khai rộng khắp, hỗ trợ hiệu quả cho giao dịch thương mại điện tử gồm thanh toán thông qua thẻ (POS, ATM…), thanh toán trên internet (thông qua tài khoản mở tại ngân hàng), thanh toán trực tiếp qua điện thoại di động… Tại TPHCM hiện có khoảng 130.000 website đang hoạt động, trong đó gần 9.000 website thương mại điện tử đăng ký hoạt động với 8.519 website bán hàng và 391 website cung cấp dịch vụ.

Hoạt động thương mại điện tử đã giúp các nhà sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt hơn việc quảng bá thương hiệu, hàng hóa tiếp cận nhanh với người tiêu dùng, đồng thời làm thay đổi hình thức mua sắm của người dân TP. Tỷ lệ doanh số mua bán trực tuyến trên tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 8,14% (khách hàng bao gồm dân cư TPHCM và các tỉnh thành khác). Qua đó góp phần khai thác, phát triển các nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, tổ chức lưu thông hàng hóa tiết kiệm thời gian, chi phí, thỏa mãn nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ của người tiêu dùng.

Phát triển mạng lưới phân phối

Về định hướng phát triển lĩnh vực thương mại năm 2020, Sở Công thương TPHCM xác định mục tiêu tổng quát là nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế TP, gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả; bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển DN. Tạo sự liên kết, giúp DN sản xuất ra sản phẩm gắn kết với các đơn vị có hệ thống phân phối lớn, đủ khả năng mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu. Các đơn vị chủ quản hệ thống phân phối trong nước sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực phát triển mạnh mẽ mạng lưới điểm bán trong và ngoài TP để sớm tăng nhanh về quy mô hệ thống; đồng thời đẩy mạnh phát triển kênh trực tuyến để đáp ứng nhu cầu mua sắm, đa dạng ngày càng văn minh, hiện đại của người tiêu dùng trên địa bàn TP. Theo đó, TPHCM xác định thương mại là ngành chủ lực trong việc tham gia hội nhập quốc tế thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương.

Chỉ tiêu cụ thể của ngành đặt ra trong lĩnh vực thương mại năm 2020 là tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12%; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 12,5%. Để đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu trên, ngành công thương TP khuyến khích DN đầu tư phát triển các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại, kinh doanh tổng hợp (cửa hàng tiện lợi) hoặc chuyên doanh lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân tại các khu vực vùng ven, ngoại thành, KCN, KCX, chung cư xây mới để thay thế các điểm kinh doanh tự phát.

Tăng cường kiểm soát chất lượng, giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe người dân. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để đưa cuộc vận động thực sự đi vào cuộc sống, gắn với thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường nội địa. Tạo điều kiện và hỗ trợ các thành phần kinh tế trong nước phát triển hệ thống phân phối, thúc đẩy hình thành những DN phân phối lớn của TP với các cơ sở kinh doanh hiện đại, giữ được vai trò dẫn dắt thị trường, vươn lên trong cạnh tranh.

Bên cạnh đó, TP tiếp tục xây dựng và triển khai các chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM năm 2020. Tập trung chủ yếu các nội dung chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo cung cầu hàng hóa tháng cao điểm tết; công tác phát triển điểm bán; kiểm tra, kiểm soát; theo dõi, nắm chắc tình hình diễn biến thị trường; công tác kết nối, hỗ trợ lưu thông hàng hóa.

TPHCM tiếp tục phát triển thương mại điện tử theo hướng khuyến khích phát triển các hình thức mua sắm hiện đại, thông minh; đẩy mạnh thương mại điện tử trên thiết bị di động (mobile commerce), mạng xã hội theo hướng đáp ứng nhu cầu mua sắm của từng cá nhân. Khuyến khích ứng dụng thương mại điện tử theo hướng kết hợp chặt chẽ, đan xen với các loại hình phân phối hiện hữu nêu trên (có địa điểm bán hàng cụ thể - offline) để tạo thành phương thức phân phối đa kênh. Khuyến khích phát triển DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, góp phần đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp của DN trên địa bàn TP. Đẩy mạnh kết nối cung - cầu hàng hóa nhằm phát huy vai trò hệ thống phân phối theo tín hiệu thị trường. Trong đó, coi trọng phát triển các kênh phân phối hàng hóa sản xuất trong nước, xây dựng sàn giao dịch hàng hóa và các chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa quy mô lớn có sự tham gia của các DN phân phối lớn, DN logistics, các trang trại và DN sản xuất trong nước.

Tin cùng chuyên mục