Khuyến khích sản xuất sản phẩm đạt chuẩn VietGAP

Chuyển đổi theo nhu cầu thị trường
Khuyến khích sản xuất sản phẩm đạt chuẩn VietGAP

Trong định hướng phát triển kinh tế từ nay đến năm 2015, tầm nhìn 2020, TPHCM sẽ ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh các mặt hàng được chứng nhận Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), từng bước loại bỏ các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Để đạt được mục tiêu này, TPHCM đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm VietGAP.

Đại diện Satra Food trao đổi với đại diện HTX Bánh tráng Phú Hòa Đông đưa sản phẩm vào bán tại cửa hàng. Ảnh: CAO THĂNG

Đại diện Satra Food trao đổi với đại diện HTX Bánh tráng Phú Hòa Đông đưa sản phẩm vào bán tại cửa hàng. Ảnh: CAO THĂNG

Chuyển đổi theo nhu cầu thị trường

Thời gian gần đây, nhiều DN của TPHCM đã thể hiện rõ quyết tâm chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng VietGap. Tại Công ty TNHH Phạm Tôn, sau 3 năm nỗ lực triển khai quy trình chăn nuôi gia cầm theo VietGAP, vừa qua công ty đã được công nhận VietGAP tại 6 trại (trong tổng số 8 trại) chăn nuôi. Cùng với đó, công ty cũng đang áp dụng quy trình VietGAP tại tất cả các trại chăn nuôi liên kết với các HTX, DN.

Theo tính toán của bà Tôn Thanh Thùy, Giám đốc Công ty TNHH Phạm Tôn, việc đầu tư các trại chăn nuôi theo VietGAP tuy có tốn kém hơn, nhưng về lâu dài công ty sẽ phát triển bền vững, đáp ứng được xu hướng cũng như đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng TP. Tương tự, Công ty Vĩnh Thành Đạt cũng đang tích cực xây dựng quy trình để tiến tới thực hiện chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm trứng gia cầm.

Đối với mặt hàng thịt heo, từ dự án Lifsap, đã có 8 xã viên thuộc HTX Tiên Phong được chứng nhận VietGAP. Hiện nay Tổng Công ty Nông nghiệp và Công ty Vissan cũng đã có bước chuẩn bị để tiến tới triển khai thực hiện. Trong lĩnh vực sản xuất rau, củ, quả, hiện các HTX nông nghiệp là Phước An, Thỏ Việt, Ngã Ba Giồng và Phú Lộc... đã đầu tư hàng chục hécta chuyên sản xuất sản phẩm VietGAP để cung ứng sản phẩm rau cho thị trường. Với năng lực hiện nay, 3 HTX này có thể đầu tư mở rộng diện tích sản xuất theo VietGAP lên đến 271ha, nâng tổng lượng rau củ quả lên hàng trăm tấn/ngày…

Nhu cầu sử dụng hàng VietGAP của người dân TP cũng như năng lực mở rộng diện tích nuôi, trồng của các DN, HTX là có thật. Song theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TPHCM, sản phẩm VietGAP hiện còn rất khiêm tốn, ở mức hơn 60 tấn/ngày, chủ yếu là hàng của các HTX nông nghiệp, sản xuất và cung ứng cho đối tượng hạn chế là các nhà hàng, khách sạn cao cấp và vào hệ thống phân phối siêu thị do giá thành sản xuất cao hơn so với sản xuất thông thường từ 5% - 10%.

Đối với sản phẩm thịt gia súc, gia cầm của các HTX, DN hiện có khả năng cung ứng 18,4 tấn/ngày thịt heo bên với giá thành cao hơn sản xuất thường từ 2% - 3% và 16,7 tấn/ngày mặt hàng thịt gà đạt chuẩn VietGAP với mức giá cao hơn khoảng 3%.

Tăng cường hoạt động kết nối

Theo ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất sản phẩm theo hướng VietGAP trên địa bàn TP còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến phương thức, quy trình thu mua, tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, điều kiện đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi...

Mặt khác, người tiêu dùng vẫn chưa phân biệt được khái niệm, kỹ thuật, quy trình sản xuất và những lợi ích cơ bản trong quá trình sử dụng rau an toàn và rau VietGAP nên dễ gây sự nhầm lẫn giữa 2 loại sản phẩm này. Chính những điều này đã kéo lùi quá trình triển khai sản xuất và cung ứng sản phẩm VietGAP của DN, HTX.

Phát biểu tại hội nghị Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hướng VietGAP trên địa bàn TPHCM năm 2013, được tổ chức ngày 29-11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng chỉ ra rằng, cung vẫn chưa gặp cầu là do chưa có sự kết nối tốt giữa sản xuất và tiêu thụ.

Để đẩy mạnh phát triển và tiêu thụ các sản phẩm VietGAP, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cần tăng cường hướng dẫn quy trình sản xuất nông sản VietGAP đối với các HTX và người sản xuất, trong đó đặc biệt chú ý đến con giống, cây giống nhằm tăng sản lượng và đa dạng về nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng TP.

Sở Công thương hướng dẫn hệ thống phân phối thiết kế khu vực dành riêng cho nông sản VietGAP. Bên cạnh đó, tích cực kết nối với các kênh phân phối ngoài các kênh phân phối bán lẻ như bếp ăn tập thể trong các KCX-KCN, bếp ăn bệnh viện, trường học, nhà hàng, khách sạn… nhằm hỗ trợ đầu ra cho nông sản VietGAP.

Về lâu dài, TPHCM sẽ tạo điều kiện và khuyến khích các DN xây dựng các cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm VietGAP. Trong quá trình thực hiện, TPHCM sẽ tổ chức thường xuyên các buổi kết nối để tìm tiếng nói chung trong sản xuất và phân phối, từng bước hình thành chuỗi sản xuất - chế biến - phân phối các sản phẩm VietGAP trên địa bàn TPHCM.

UYỂN CHI

Tin cùng chuyên mục