Những ngày qua dư luận không khỏi xôn xao trước thông tin một số bệnh viện (BV) chuẩn bị tăng giá hàng loạt dịch vụ khám chữa bệnh. Sự thật, không ít BV tư nhân đã âm thầm tăng giá, còn các BV công lập vẫn còn đắn đo.
- Nơi tăng, nơi không
Ghi nhận ngày 27-4 tại một số BV ở TPHCM cho thấy giá các loại dịch vụ đã rục rịch tăng. Để không gây “sốc” cho người bệnh, các BV thường tăng giá âm thầm thay vì công khai, rõ ràng. Tại một số BV tư nhân, giá chụp MRI không có thuốc cản quang đã lên 2,2 triệu đồng, có nơi 2,3 triệu đồng/lần chụp thay vì khoảng 2 triệu đồng như cách nay khoảng 2 tuần. Giá chụp CT scan tại Bệnh viện H.M, A.S cũng đã lên 1,3 triệu đồng/lần, trong khi trước đó dao động 700.000 - 1,2 triệu đồng.
Hiện nay tại các BV tư khác như Triều An, Hồng Đức, Vũ Anh..., giá các loại dịch vụ chẩn đoán hình ảnh như: MRI dao động 2 - 3 triệu đồng/lần chụp; CT scan cũng tăng lên 100.000 đồng/lần chụp. Đứng hàng đầu về giá khám chữa bệnh và các dịch vụ khác phải kể đến BV Đa khoa quốc tế Vũ Anh ở quận Gò Vấp. Hiện giá khám tổng quát cho bệnh nhân nam lên đến 2,36 triệu đồng/ca, khám tổng quát nữ hơn 2,7 triệu đồng/ca; nằm phòng hạng sang phải trả 1,8 triệu/người/ngày, trong khi phòng hậu phẫu phải chi đến 3 triệu đồng/người/ngày. Dịch vụ sinh thường trọn gói ở đây hơn 11 triệu đồng, sinh mổ trọn gói khoảng 16 triệu đồng/ca. Trong khi chạy thận nhân tạo ở các BV công 300.000 - 700.000 đồng/ca thì tại đây là 130 USD/mỗi lần chạy thận. BV Pháp Việt (FV) có giá khám bệnh lên tới 20 USD/lần, còn ở các BV công chỉ dao động ở mức 20.000 - 30.000 đồng/lần.
Trong khi đó, tại các BV công lập, mặc dù rất muốn tăng giá các loại hình dịch vụ nhưng lãnh đạo các BV hết sức đắn đo. Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu, cho biết không dám tăng giá vì sợ ảnh hưởng đến bệnh nhân, trong lúc tình hình giá cả tăng cao, nhà nước đang cố gắng bình ổn giá. Do vậy, giá các loại hình dịch vụ khám, điều trị ở BV vẫn áp dụng từ năm 2008. Tương tự, BV Nhân dân 115 đã áp dụng giá khám và điều trị dịch vụ từ năm 2007 và đến nay chưa có điều chỉnh. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số BV, chi phí điện, nước, tiêu hao trang thiết bị tăng cao thì việc tăng giá các loại hình dịch vụ chỉ là sớm muộn.
- Giám đốc... tự quyết
Theo lãnh đạo các BV, việc kê khai và áp giá các loại hình dịch vụ dựa trên các yếu tố chi phí đầu vào. Nếu các yếu tố đầu vào tăng cao thì không thể không tăng giá. Khi xây dựng giá, các BV thường lập ra hội đồng xét duyệt và giám đốc BV ra quyết định cuối cùng. “Việc tăng hay giảm giá dịch vụ là tùy BV, miễn là hợp lý chứ không phải xin phép cơ quan nào cả” - một giám đốc BV cho biết.
BS Lê Minh Hải, Trưởng phòng Quản lý Dịch vụ y tế, Sở Y tế TPHCM, cho biết hiện các BV tư nhân, các phòng khám tư đều hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Do đó, việc xây dựng và kê khai giá của đơn vị dựa trên Pháp lệnh về giá của Chính phủ, không chịu sự kiểm soát của sở y tế địa phương. Điều quan trọng là các BV, phòng khám tư phải niêm yết rõ ràng giá cả tại cơ sở và báo cáo sở.
Về dịch vụ trong các BV công lập, bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Tài chính Sở Y tế TPHCM, cho biết các BV công khi làm dịch vụ phải tuân thủ Nghị định 43/2006/NĐ-CP về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, cho phép BV công tổ chức hoạt động khám, điều trị dịch vụ theo nhu cầu xã hội. Đối với hoạt động dịch vụ, đơn vị có quyền quyết định các khoản thu, mức thu theo nguyên tắc đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy.
Theo bà Liễu, giám đốc BV có quyền quyết định giá dịch vụ nhưng cơ cấu giá phải hợp lý chứ không phải muốn thu bao nhiêu cũng được. Như vậy, có nghĩa giá dịch vụ trong BV công cũng nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Theo tìm hiểu, hiện nay hầu hết các BV công lập tại TPHCM đều hoạt động dịch vụ trên cơ sở máy móc, thiết bị được đầu tư từ vốn vay kích cầu của thành phố. Ngoài việc không phải trả lãi vay, cán bộ y bác sĩ đã được nhà nước trả lương, hoạt động dịch vụ đang là nguồn thu “cải thiện đời sống” chính của nhiều BV.
Nên chăng các cơ quan chức năng cần có sự giám sát, kiểm soát giá dịch vụ khám chữa bệnh nhằm đảm bảo mục đích ý nghĩa mà Chính phủ đề ra trong Chương trình xã hội hóa y tế là “khuyến khích xã hội hóa y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân với tinh thần không vì lợi nhuận”
TƯỜNG LÂM