Kiểm soát ngân hàng ngầm

Liên minh châu Âu (EU) vừa thông báo về một kế hoạch nhằm tăng cường kiểm soát chặt chẽ các “ngân hàng ngầm”, quỹ tài chính nắm giữ hàng ngàn tỷ USD tiền gửi nhưng không bị ràng buộc bởi các quy tắc tương tự như các ngân hàng truyền thống.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), quỹ tiền tệ hoặc quỹ đầu tư luôn được các công ty chào đón bởi việc cung cấp nguồn tài chính cho các công ty và nền kinh tế. Tại châu Âu, các quỹ tiền tệ chủ yếu được đặt tại Pháp, Ireland, Luxembourg và phần lớn do các công ty của Đức, Anh và một số quốc gia khác sử dụng. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng các tổ chức trên cũng là mối đe dọa tiềm tàng đối với sự ổn định tài chính trong dài hạn.

Kinh nghiệm xương máu cho thấy việc thiếu giám sát đối với “ngân hàng ngầm” là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ủy ban ổn định tài chính (FSB) có trụ sở tại Basel, Thụy Sĩ ước tính, các “ngân hàng ngầm” hiện đang nắm giữ số tài sản trị giá 67.000 tỷ USD, tương đương 1/3 hệ thống tài chính toàn cầu và một nửa giá trị tài sản của Ngân hàng Thế giới.

Để tăng cường khả năng giám sát, EU đưa ra dự luật yêu cầu một số quỹ tại châu Âu sẽ phải thiết lập quỹ dự phòng rủi ro trị giá 1.300 tỷ USD, để tránh tình trạng hỗn loạn khi nhiều nhà đầu tư cùng rút tiền. Quỹ tài chính - công cụ tái cấp vốn rất quan trọng cho nền kinh tế châu Âu - hiện đang nắm giữ gần 1/4 số nợ ngắn hạn của các ngân hàng, chính phủ hoặc công ty ở châu Âu. Các tổ chức này hoạt động bằng cách nhận tiền gửi rồi cho vay tương tự như các ngân hàng nhưng không chịu sự giám sát như các ngân hàng truyền thống.

Các công ty lớn là khách hàng thường xuyên của quỹ tài chính này bởi các tổ chức này cho vay với các điều kiện linh hoạt hơn so với các ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, ông Michel Barnier, một quan chức của EU, cho biết vấn đề nằm ở chỗ các quỹ này ổn định và trong trường hợp thị trường biến động, họ có thể đẩy nền tài chính toàn cầu gặp rủi ro. Chính vì vậy, dự luật của EU đưa ra sẽ làm giảm thiểu nguy cơ đối với hệ thống tài chính.

Dự luật này cũng sẽ buộc các quỹ nắm giữ tối thiểu 10% tài sản đáo hạn qua đêm và 20% trong vòng một tuần, để đảm bảo họ có đủ khả năng thanh toán, trả lại tiền cho các nhà đầu tư ở bất kỳ điểm nào. Điều này đặc biệt quan trọng bởi nếu một quỹ không có khả năng trả tiền, nhà đầu tư sẽ bị đình chỉ hoạt động. Việc dừng hoạt động sẽ dẫn đến hệ thống tài chính bị phá vỡ trên quy mô rộng. Các quy định mới sẽ cần sự chấp thuận của các nước thành viên của EU và Nghị viện châu Âu.

Đức và Pháp, 2 nền kinh tế lớn nhất EU, đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch này. Ý tưởng của EU vừa qua đã được đề cập tại hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) ở Nga. Các nhà lãnh đạo G-20 cho biết sẽ sớm thông qua những cải cách nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn các tổ chức này. Những điểm chính trong kế hoạch cải cách gồm thiết lập một khung điều chỉnh mới. Theo đó, G-20 sẽ hối thúc các “ngân hàng ngầm” phải tuân thủ các quy định về vốn chặt chẽ hơn.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục