Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm cao điểm mùa tết

Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm cao điểm mùa tết

Liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm nhiều lần nhấn mạnh, đây là công việc thường xuyên của liên ngành nông nghiệp, y tế và công thương trong việc đảm bảo tốt nhất ở mức có thể cho sức khỏe người dân. Điều này càng trở nên quan trọng và ý nghĩa hơn vào dịp cuối năm, mọi người chuẩn bị đón tết cổ truyền.

Gầy dựng “niềm tin”

Giai đoạn giáp và cận tết là thời điểm hàng hóa được tập trung sản xuất, kinh doanh, lượng lương thực thực phẩm được lưu thông gấp nhiều lần so với ngày thường. Kinh nghiệm cho thấy, đây cũng là thời điểm xuất hiện nhiều sản phẩm không đảm bảo ATVSTP, không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, hàng kém chất lượng trà trộn trên thị trường. Vì vậy, tại buổi triển khai cho các quận, huyện đợt cao điểm hành động “Năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TPHCM” đến hết tháng 2-2016, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh nhiệm vụ đợt cao điểm là cần đảm bảo tối đa nguồn thực phẩm an toàn cho người dân ăn tết và cả thời gian sau đó.

Mua sản phẩm nông nghiệp VietGAP tại siêu thị Ảnh: CAO THĂNG

Cũng theo ông Nguyễn Phước Trung, mục tiêu của ngành nông nghiệp là tiến tới việc giải quyết căn bản vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt heo, thịt gà, thủy sản nuôi; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả. Có biện pháp kiểm soát để ngăn chặn và tiến tới giải quyết dứt điểm việc lưu thông, buôn bán và sử dụng chất cấm (đặc biệt là Salbutamol, Clenbuterol, chất vàng ô) trong chăn nuôi; hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước về ATVSTP. Bên cạnh việc kiểm soát, kiểm tra, lấy mẫu tại các chợ đầu mối, điểm giết mổ hay trại nuôi, điều căn cơ hơn trong vấn đề này là liên kết các địa phương khác, hình thành các chuỗi thực phẩm an toàn nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn. Điều này đã được TP thực hiện những năm qua, góp phần giải quyết tận gốc thay vì chỉ kiểm tra phần ngọn. Ngay trong tuần này, ngành nông nghiệp TP cùng với các đơn vị chức năng làm việc với tỉnh Long An và Tây Ninh về chương trình phối hợp phát triển nguồn rau, thịt an toàn.

Vấn đề thông tin công khai trong việc cung cấp kết quả kiểm tra, phân loại; kết nối chuỗi cung ứng rau, thịt, thủy sản an toàn; đồng thời phổ biến đến người tiêu dùng các điểm cung ứng nông sản, thủy sản an toàn có xác nhận, chứng nhận an toàn thực phẩm và sản phẩm được quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn…để người tiêu dùng biết và tiếp cận sẽ được chú trọng nhiều hơn. Những điều này nhằm từng bước đạt được điều quan trọng hơn là tạo cho người tiêu dùng có được “niềm tin” và ủng hộ các sản phẩm an toàn có nhãn mác và chứng nhận.

Hình thành các chuỗi thực phẩm an toàn

Tuần qua, đoàn đại biểu thuộc Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM có buổi làm việc với các doanh nghiệp đầu mối phân phối hay cung cấp những nguồn hàng thực phẩm chủ lực về vấn đề ATVSTP và chống hàng gian, hàng giả cho ngày tết. Sau khi tìm hiểu thực tế khu trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao ở Bình Dương, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, đề nghị lãnh đạo Công ty Ba Huân nên sớm tham gia việc gắn logo chuỗi ATVSTP của TP, do công ty đã khép kín từ khâu con giống, thức ăn, chăn nuôi đến thu mua, giết mổ, chế biến và phân phối. Công ty hiện có trên 1.000 điểm bán lẻ giá bình ổn tại TPHCM và các địa phương khác, cung cấp 1-1,2 triệu trứng/ngày sau khi đã qua nhà máy xử lý tiệt trùng trứng gia cầm tại huyện Bình Chánh. Để có thể tạo ra chuỗi khép kín VSATTP, với sự hỗ trợ của TP và nỗ lực bản thân, Công ty Ba Huân đã đầu tư trên 400 tỷ đồng để tạo ra chuỗi khép kín, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc công ty, bức xúc về tình trạng trứng chưa qua xử lý, không đảm bảo VSATTP bán trực tiếp theo từng “cây hàng” từ các tỉnh đưa về TP xuất hiện trở lại là điều cạnh tranh không lành mạnh.

Tại buổi làm việc trước đó với HĐNDTP, lãnh đạo Công ty Vissan cho biết, bên cạnh việc cung ứng thịt heo có kiểm soát, có chứng nhận an toàn dịch bệnh tại các điểm bán trong hệ thống phân phối, Vissan cũng vừa công bố 221 điểm bán thịt heo VietGAP, cung ứng thị trường khoảng 35 tấn/ngày. Nguồn hàng heo hơi đạt tiêu chuẩn VietGAP bình quân 450 - 600 con/ngày qua các nhà cung cấp trong khu vực và TP. Ngoài ra, Vissan đang hợp tác với Công ty Thức ăn chăn nuôi DeHeus và Fresh Studio (Hà Lan) nhằm xây dựng chuỗi cung ứng thịt heo an toàn và bền vững theo hướng truy xuất nguồn gốc. Hy vọng sẽ sớm có mặt trên thị trường trong thời gian tới.

 Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, trong đợt cao điểm này, các đơn vị chức năng sẽ tập trung kiểm soát, lấy mẫu  kiểm tra những khu vực sản xuất được xem là có nguy cơ cao về chất cấm trong chăn nuôi hay dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường kiểm soát tại các chợ, nhất là các chợ đầu mối mặt hàng thịt và rau quả các loại. Phối hợp với ban ngành địa phương, Chi cục Thú y còn kiểm tra nguồn gốc sản phẩm động vật dùng làm nguyên liệu chế biến tại khoảng 500 cơ sở chế biến và 1.800 nhà hàng, quán ăn. Mục tiêu trước mắt kéo giảm 30% vụ vi phạm so với 9 tháng đầu năm 2015 đối với mẫu vượt ngưỡng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; hóa chất, kháng sinh trong thịt heo, thịt gà, thủy sản nuôi...

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục