Tại cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, an toàn thực phẩm (ATTP) là công việc thường xuyên của liên ngành y tế, công thương và nông nghiệp, nhưng để đảm bảo cho người dân đón tết an vui, cần tập trung và làm quyết liệt, không để xảy ra tình huống đáng tiếc thời điểm trước, trong và sau Tết Ất Mùi 2015.
Chất phụ gia trong tầm ngắm
Dịp tết, đặc biệt giai đoạn cận tết là thời điểm hàng hóa được tập trung sản xuất, kinh doanh với chủng loại rất đa dạng nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, chuẩn bị tết của người dân, vì vậy lượng hàng lưu thông rất dồi dào. Nhưng đây cũng là thời điểm xuất hiện nhiều sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, không đảm bảo ATTP lưu thông trên thị trường.
Theo Sở Y tế TP, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm trên địa bàn được quan tâm triển khai, trong đó, chú ý các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết như bánh mứt, kẹo, bia rượu, nước giải khát, sữa, thịt, cá, các loại hạt có dầu… và dịch vụ ăn uống. Các đoàn thanh tra, kiểm tra chú trọng những nơi cung cấp thực phẩm số lượng lớn, cơ sở nhập khẩu thực phẩm, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đặc biệt tập trung thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm khi có dấu hiệu vi phạm về chất lượng và ATTP.
Đồng thời, thanh tra ngược dòng đối với cơ sở sản xuất, chế biến, cung ứng các sản phẩm không đảm bảo chất lượng ATTP và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm. Điều quan trọng phải chấn chỉnh, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức người dân. Thời điểm tết, thực phẩm sử dụng chất phụ gia được liên ngành đặc biệt quan tâm trong dịp này.
Kiểm tra chất lượng thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn.Ảnh: PHẠM CAO MINH
Sở Công thương cho biết, thực phẩm tại các siêu thị được kiểm soát khá chặt chẽ so với các chợ. Vì vậy, để cùng gắn kết trách nhiệm, Sở Công thương cùng Chi cục Quản lý thị trường làm việc với các trung tâm thương mại, cơ sở phân phối, chợ đầu mối về việc đảm bảo ATTP, đặc biệt vào dịp tết.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, cần phải làm quyết liệt để đảm bảo tối đa ATTP cho người dân, nhưng cách làm phải phù hợp, không ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh; tránh trường hợp một cơ sở nhiều đoàn đến kiểm tra liên tục, tác động không tốt đến việc việc sản xuất. Đồng thời phải đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng, không để xảy ra tình huống đáng tiếc, không để người dân hoang mang, lo ngại thực phẩm không an toàn. Có thể nói, đây là 2 nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi Ban chỉ đạo liên ngành phải có cách làm khoa học, sự phối hợp đồng bộ.
Giám sát chuỗi sản phẩm
Với ngành nông nghiệp, nhiệm vụ khá nặng nề khi phải đảm bảo nhiều lĩnh vực liên quan tới ATTP như chất cấm chăn nuôi; dư lượng hóa chất trong rau quả; vấn đề dịch bệnh, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm các tỉnh vào TP tại các trạm kiểm dịch đầu mối, vấn đề giết mổ; dư lượng kháng sinh thủy sản… Vì vậy, nhiều năm nay ngành nông nghiệp không chỉ sắp xếp lại ngành chăn nuôi, giết mổ, tổ chức sản xuất rau quả an toàn mà còn có chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh để triển khai và giám sát chuỗi sản phẩm an toàn như rau quả, thịt an toàn, kết hợp triển khai kiểm nghiệm nhanh tại các chợ đầu mối…
Trong khi đó, dịch bệnh trên gia súc, đặc biệt là cúm gia cầm vẫn là mối đe dọa thường xuyên khi thời tiết thay đổi, nhiệt độ xuống thấp tạo điều kiện virus lây lan. Mặc dù hiện nay các dịch bệnh như cúm gia cầm, heo tai xanh, lở mồm long móng đã được khống chế hoặc chưa bùng phát, nhưng khó có thể nói điều gì với dịch bệnh.
Tại buổi làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM mới đây, Chi cục Thú y TP cho biết, đang phối hợp với ban, ngành địa phương kiểm tra nguồn gốc sản phẩm động vật dùng làm nguyên liệu chế biến tại khoảng 500 cơ sở chế biến và 1.800 nhà hàng, quán ăn. Năm 2014, phát hiện và xử phạt 40 trường hợp vi phạm sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Các trạm kiểm dịch tại những cửa ngõ giao thông đầu mối giữa TP và các tỉnh có vai trò quan trọng trong việc phát hiện và ngăn chặn động vật hay sản phẩm mang mầm bệnh, hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y, giúp tăng hiệu quả phòng chống dịch bệnh TP. Thế nhưng, các trạm này chỉ hoạt động hiệu quả khi có sự hỗ trợ các ngành chức năng, nhất là cảnh sát giao thông, vì ngành thú y không có quyền dừng xe vận chuyển động vật nếu cố tình vi phạm.
Hơn nữa, tình trạng cán bộ thú y bị nhắn tin đe dọa, hành hung vẫn xảy ra và chưa được xử lý kiên quyết, dẫn đến tâm lý e dè, lo sợ. Đây là những hạn chế trong việc giám sát và ngăn chặn tình trạng giết mổ trái phép, vận chuyển động vật hay sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc trong việc phải đảm bảo ATTP cho người dân.
CÔNG PHIÊN