Trong khuôn khổ Hội chợ Đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ - Expo 2012 tại TPHCM, hội thảo cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá mặt hàng đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ đã được tổ chức. Cục Xúc tiến thương mại cho biết, mặt hàng gỗ mã số HS xuất khẩu vào thị trường Mỹ có 76 sản phẩm (chiếm 24,6% tổng lượng xuất khẩu mặt hàng mã số này) có nguy cơ cao bị điều tra chống bán phá giá, 7 sản phẩm có nguy cơ vừa và 16 sản phẩm nguy cơ thấp. 2 sản phẩm đang bị áp thuế chống bán phá giá.
Kiện chống bán phá giá tăng dần
Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, với xu thế hội nhập, hàng hóa có thể xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, giúp doanh nghiệp (DN) mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động, giúp cán cân thương mại của đất nước được cân đối hơn. Nhưng bên cạnh mặt tích cực nêu trên còn xuất hiện một xu thế mà nhiều nước áp dụng ngày càng nhiều, đó là yêu cầu phải bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Nếu từ năm 1994 đến 2007 có 20 vụ kiện chống bán phá giá với các mặt hàng Việt Nam thì từ năm 2008 đến 2011, có đến 10 vụ kiện chống bán phá giá. Và chỉ 6 tháng đầu năm 2012 có thêm 2 vụ chống bán phá giá xảy ra.
Trước đây, các vụ kiện chống bán phá giá chủ yếu xảy ra ở những nước phát triển như Mỹ, các nước EU, thêm những nước công nghiệp mới như Ấn Độ, Brazil… Hiện nay, những nước trong khu vực Đông Nam Á cũng xuất hiện tình trạng này như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Đồ gỗ là một trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng cũng là một trong 10 mặt hàng mà Bộ Công thương xếp vào dạng có nguy cơ bị kiện chống bán phá giá nhiều nhất. Những vụ kiện tụng này làm DN gặp khó khăn trong hoạt động, mất nhiều chi phí, thời gian và nguồn lực cho việc bào chữa và nếu thất bại sẽ chịu mức thuế chống bán phá giá rất cao, làm triệt tiêu khả năng cạnh tranh, khiến DN thậm chí cả ngành hàng rơi vào tình trạng khó khăn. Điển hình là vụ kiện chống bán phá giá cá tra năm 2002 và mặt hàng tôm đông lạnh vào Mỹ năm 2003. Thế nhưng, gần đây còn xuất hiện nhiều công cụ phòng vệ thương mại khác đồng thời với kiện chống bán phá giá như kiện chống trợ cấp để áp thuế kép rất cao hay kiện tự vệ.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Trưởng nhóm xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương) cho biết, 2/3 vụ kiện rơi vào tốp 15 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, vụ kiện ở tốp 10 thị trường xuất khẩu chủ lực và mặt hàng bị kiện rơi vào sản phẩm sử dụng nhiều lao động như cá tra, tôm, da giày…
Lợi ích hệ thống cảnh báo sớm
|
Do Việt Nam chưa được nhìn nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường nên dễ bị một số nước lợi dụng để kiện chống bán phá giá với lý do bán giá thấp hơn giá thành. Vì lúc đó, nước kiện chống bán phá giá sẽ lấy một nước thứ 3 làm đối chứng với chí phí giá thành luôn cao hơn nên các DN Việt Nam dễ bị thua kiện. Như vụ kiện cá tra, lấy chi phí sản xuất của Bangladesh làm đối chứng, có thể sắp tới là Philippines.
Trong khi đó, bản thân DN xuất khẩu Việt Nam cũng còn những hạn chế như thường bị động trước các vụ kiện, do chỉ chú ý đến việc đến việc mở rộng sản xuất, không nắm bắt thông tin về đất nước mà DN xuất khẩu; chưa có luật sư riêng, gặp khó khăn về rào cản ngôn ngữ và pháp lý. Nhưng hạn chế điển hình nhất là hệ thống sổ sách tài chính chưa rõ ràng, thậm chí có DN còn sử dụng 2 hệ thống sổ sách riêng. Vì vậy, khi bị áp thuế chống bán phá giá sẽ ở mức rất cao, từ 70% trở lên nên DN gần như bỏ hẳn thị trường này. Hậu quả không chỉ thiệt hại về tài chính, thời gian do theo đuổi vụ kiện mà còn bị thiệt hại về mặt xã hội như người lao động mất việc làm, cản trở sự phát triển của ngành mà còn làm giảm nguồn thu ngoại tệ của nhà nước.
Chính vì vậy, từ năm 2008, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá dựa trên cơ sở số liệu nước nhập khẩu: có lượng nhập khẩu tăng, sản xuất trong nước giảm, thị phần nhập khẩu tăng và giá nhập khẩu giảm. Theo ông Trịnh Anh Tuấn, hiện nay hệ thống cảnh báo sớm khá hoàn chỉnh và đi vào vận hành, thông tin được cập nhật thường xuyên và có sự phối hợp khá tốt với các hiệp hội ngành nghề. Nếu DN biết khai thác từ hệ thống cảnh báo sớm sẽ giúp DN nắm bắt được thông tin về những nguy cơ bị kiện chống bán phá giá tại những thị trường trọng điểm, cũng như giúp DN trong việc hỗ trợ điều tra và rà soát.
Hệ thống cảnh báo sớm còn giúp DN hiểu thêm quy định pháp lý của thị trường xuất khẩu, nắm bắt dữ liệu xuất nhập khẩu, thông tin về thị trường để có chiến lược thâm nhập thị trường. Ngoài ra, DN sẽ nhận biết sớm khả năng bị kiện để phòng tránh. Hệ thống này còn giúp hiệp hội theo dõi tình hình xuất khẩu của ngành, dự báo thị trường, chủ động đối phó vụ kiện và tăng cường thông tin DN.
CÔNG PHIÊN