Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong:
Giành lại “vị trí trung tâm” của TPHCM như lời của đồng chí Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng bày tỏ quyết tâm, không chỉ là mục tiêu của Đảng bộ, chính quyền mà còn là nỗi khát khao lớn của nhân dân thành phố. Con đường đi đến mục tiêu này dễ hay khó? Đâu là thuận lợi, là cơ hội, đâu là khó khăn, thách thức… đối với chính quyền TPHCM trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện mục tiêu này? Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM đã trải lòng với phóng viên Báo SGGP trong cuộc trao đổi vào dịp cả nước kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…
Khu vực trung tâm TPHCM nhìn từ quận 2. Ảnh: THÁI BẰNG
Khó khăn do chưa có cơ chế đặc thù
°Phóng viên: Với vai trò là người đứng đầu cơ quan điều hành chính quyền TPHCM, trong bối cảnh hiện nay, theo đồng chí, việc giành lại “vị trí trung tâm” của TPHCM như lời đồng chí Bí thư Thành ủy bày tỏ dễ hay khó? Có những thuận lợi cũng như trở ngại, khó khăn nào trong thực hiện mục tiêu này?
°Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN THÀNH PHONG: Nhìn lại 41 mùa xuân hòa bình, xây dựng và phát triển, TPHCM đã có những biến đổi sâu sắc, toàn diện trên tất cả lĩnh vực: Luôn giữ vững ổn định về chính trị, có nhiều bước tiến về kinh tế - xã hội, kể cả những thời điểm tình hình trong nước có nhiều khó khăn và thế giới diễn biến phức tạp; quy mô nền kinh tế đã tăng lên gấp nhiều lần, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội không ngừng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao, người dân ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vị thế và uy tín trên trường quốc tế được nâng cao… góp phần rất quan trọng vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của cả nước. Những thành tựu trên cùng với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo sẽ là động lực giúp TPHCM phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận thành phố vẫn còn một số khó khăn, thách thức và yếu kém: Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với vị trí, vai trò của thành phố, cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch còn chậm, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; đang phải đối diện với những vấn đề phức tạp của một đô thị lớn đang phát triển và có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh như: quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển; cơ sở hạ tầng ngày càng quá tải, bất cập; tình trạng quá tải bệnh viện, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nạn ùn tắc giao thông, tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết triệt để… Đó cũng chính là khó khăn cần phải khắc phục, vượt qua.
Trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, môi trường để phát triển đầy cạnh tranh; các chính sách phát triển, quy định pháp luật hiện nay đang áp dụng trên bình diện cả nước chưa có cơ chế đặc thù riêng đối với một đô thị đặc biệt như TPHCM cũng là trở ngại lớn cho thành phố trong quá trình giành lại “vị trí trung tâm”.
°Để giành lại “vị trí trung tâm” thì TPHCM cần phải làm những gì, thưa đồng chí?
°Thành phố quyết tâm, nỗ lực phát huy thế mạnh, khắc phục hạn chế, khó khăn, thực hiện tốt các giải pháp, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, và trực tiếp, cụ thể là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X đã đề ra, với các giải pháp chủ yếu như:
Thứ nhất: Tạo sự đột phá trong nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh; phát triển nhanh dịch vụ, nhất là các ngành có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao; nâng cao tỷ trọng 9 ngành dịch vụ chủ yếu trong cơ cấu kinh tế thành phố. Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao; tiếp tục tập trung phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu trên cơ sở xác định chiến lược phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ. Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn của khu vực. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thu hút mạnh các dự án sử dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường. Nâng cao sự chủ động trong quá trình tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hình thành cộng đồng ASEAN, thực hiện các hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương, đa phương.
Thứ hai: Hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý tốt việc thực hiện quy hoạch; ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại; kết nối hạ tầng các tỉnh, thành phố trong vùng; tập trung nguồn lực vào các công trình, đề án thực hiện các chương trình đột phá của thành phố nhằm giải quyết cơ bản ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu và hạ tầng các lĩnh vực trọng tâm. Tập trung nguồn vốn đầu tư để chỉnh trang và phát triển đô thị, phấn đấu hoàn thành việc di dời toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn.
Thứ ba: Xây dựng môi trường văn hóa để con người phát triển toàn diện. Tích cực ngăn chặn và từng bước đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức. Phát triển ngành y tế thành phố đáp ứng tốt hơn nhu cầu bảo vệ, nâng cao sức khỏe, phòng bệnh. Đẩy mạnh các phong trào thể dục - thể thao quần chúng, nâng cao thể chất của nhân dân, phát triển thể thao thành tích cao. Tăng cường các biện pháp giảm nghèo bền vững, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về ưu đãi người có công; huy động các nguồn lực thực hiện thật tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa. Giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của thành phố. Triển khai hiệu quả, đồng bộ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân; thực hiện tốt công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ tư: Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, xây dựng chính quyền điện tử phù hợp với đô thị đặc biệt. Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp; trách nhiệm, đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ năm: Phát huy vai trò động lực của thành phố trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phối hợp thực hiện thống nhất quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, quản lý, sử dụng nguồn nước, bảo vệ môi trường, phân bổ lực lượng sản xuất, phân bổ dân cư, đào tạo nhân lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động toàn vùng; phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm công nghệ cao, trung tâm tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực với các vệ tinh cung cấp sản phẩm hỗ trợ từ các tỉnh, thành phố trong vùng.
Đặc biệt, thành phố sẽ mạnh dạn và kiên trì kiến nghị Trung ương cho phép thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp nhằm tạo cơ chế, chính sách đột phá giúp thành phố phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố.
Người dân hãy đồng hành cùng chính quyền
°Không ít ý kiến cho rằng, TPHCM chỉ phát triển vượt bậc khi có những cơ chế, chính sách đột phá hơn nữa. Đồng chí nhận thấy như thế nào? Nếu cần cơ chế đột phá thì TPHCM cần những cơ chế cụ thể nào?
°Như chúng ta đã biết, thành phố nhận được sự quan tâm lớn từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố, song chúng ta vẫn cần có những cơ chế, chính sách đột phá hơn nữa. Trước mắt, thành phố kiến nghị Chính phủ quy định mức dư nợ vay của ngân sách địa phương không bao gồm dư nợ vay nước ngoài hoặc xem xét nâng mức giới hạn vay nợ cho phù hợp với thực tế tại địa phương; thành phố cần được ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án lớn và cần được xem xét hỗ trợ cơ chế tạo vốn như bảo lãnh của Chính phủ, tạo các điều kiện trong việc phát hành trái phiếu đô thị phục vụ cho việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đô thị.
Đặc biệt, thành phố kiến nghị sớm điều chỉnh Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12-12-2001 của Chính phủ về phân cấp một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho chính quyền thành phố, trong đó có phân cấp thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số ngành, lĩnh vực cho phù hợp với đặc thù của địa phương hoặc để cụ thể hóa các quy định của Trung ương sát với thực tế của địa phương, cụ thể trên lĩnh vực phí và lệ phí, xử lý vi phạm hành chính, tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, công chức, lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả trên thực tế.
°Đồng chí có điều gì nhắn gửi với nhân dân thành phố trong việc đồng hành cùng chính quyền thực hiện hiệu quả mục tiêu này?
°Việc thực hiện mục tiêu giành lại “vị trí trung tâm” của TPHCM không thể ngày một ngày hai mà đòi hỏi phải nỗ lực rất nhiều, phải có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, trong đó phải đề cao vai trò của người dân thành phố. Sức mạnh của nhân dân, đó là điều kiện tiên quyết. Bác Hồ đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tôi mong muốn nhân dân thành phố hãy đồng lòng, chung sức cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố xây dựng thành phố Hồ Chí Minh sớm trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đã đề ra.
Vân Anh (thực hiện)