Kiến nghị của cử tri trước kỳ họp Quốc hội: Sớm có giải pháp tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế

Kiến nghị của cử tri trước kỳ họp Quốc hội: Sớm có giải pháp tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế

Theo bản tổng hợp 1.204 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII do Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện, cử tri cả nước bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước những tháng đầu năm 2012 trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Làm hồ sơ về vay vốn cá nhân tại BIDV. Ảnh: KIM NGÂN

Làm hồ sơ về vay vốn cá nhân tại BIDV. Ảnh: KIM NGÂN

  • Ai hưởng lợi từ lãi suất ngân hàng?

Về kinh tế và đời sống của nhân dân, cử tri phản ánh tình hình sản xuất hiện nay gặp nhiều khó khăn: tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm đạt thấp; sức mua giảm sút, hàng hóa tồn kho lớn; hàng ngàn doanh nghiệp phải giải thể, phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất; người lao động mất việc tăng. Mặc dù lãi suất huy động giảm nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn do lãi suất cho vay giảm chậm, thủ tục, điều kiện vay vốn phức tạp. Tình hình hiện nay, cả người gửi tiết kiệm và người đi vay đều phải chịu thiệt, còn được lợi là các ngân hàng…

Cử tri cũng lo lắng về tình hình các tập đoàn kinh tế nhà nước được đầu tư lớn về vốn, đất đai và nhiều ưu đãi khác nhưng kết quả hoạt động không tương xứng; nhiều tập đoàn đầu tư ngoài ngành hiệu quả thấp, lâm vào tình trạng khó khăn, khó thu hồi vốn, thậm chí có tập đoàn làm ăn thua lỗ. Vì vậy, cử tri mong muốn Quốc hội, Chính phủ sớm có giải pháp tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu về vốn, về các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế Nhà nước, về đầu tư công… nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, trả được vốn vay trong và ngoài nước.

Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo xử lý hàng loạt các vấn đề xã hội khác như về tình trạng ô nhiễm môi trường; nạn phá rừng, khai thác khoáng sản bừa bãi; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng, ảnh hưởng tới sản xuất và sức khỏe người dân; tình hình dịch bệnh (bệnh tay chân miệng, bệnh lạ xuất hiện ở Quảng Ngãi khiến nhiều người chết nhưng chậm được làm rõ và chữa trị chưa có hiệu quả); tệ nạn xã hội, tội phạm không giảm; tình trạng cháy nổ diễn ra ở nhiều nơi; việc cháy ô tô, xe máy chưa được kết luận rõ ràng…

Hướng dẫn cá nhân vay vốn tại Maritime Bank. Ảnh: KIM NGÂN

Hướng dẫn cá nhân vay vốn tại Maritime Bank. Ảnh: KIM NGÂN

  • Thu hồi đất phải đảm bảo hài hòa các lợi ích

Về khiếu nại, tố cáo, thực tế những tháng đầu năm 2012, tình hình khiếu nại, tố cáo có nhiều diễn biến phức tạp. Số vụ việc, số lượt công dân, số lượng đoàn đông người, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo đều tăng. Trong đó, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ lớn; một số vụ khiếu nại, tố cáo đông người có sự kích động của các phần tử xấu…

Cử tri và nhân dân cho rằng, tình trạng trên chủ yếu là do chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập, hay thay đổi, thiếu nhất quán, giá bồi thường thấp, có sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường so với giá trị trường hoặc giá nhà đầu tư bán. Thu hồi đất nhưng chậm sử dụng, để hoang hóa, trong khi người dân không có đất để sản xuất; công tác quản lý đất đai còn sơ hở, lỏng lẻo; không ít cán bộ lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực nhưng không bị xử lý nghiêm minh gây bức xúc trong dân.

Việc Chính phủ có nhiều nỗ lực trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về khiếu nại, tố cáo được nhân dân hoan nghênh. Tuy nhiên, nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục dứt điểm những yếu kém hiện nay của công tác này, giải quyết tới nơi tới chốn những vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài; chỉ đạo người đứng đầu chính quyền các cấp phải dành thời gian để tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Cử tri kiến nghị việc thu hồi đất phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất bị thu hồi. Việc tổ chức cưỡng chế phải đúng trình tự pháp luật, có lý, có tình, phải đối thoại, vận động trước khi cưỡng chế. Làm rõ trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không thực hiện đúng pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, đùn đẩy, né tránh trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, để xảy ra tình trạng khiếu nại đông người, khiếu nại vượt cấp và xử lý nghiêm đối với những trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động người khác tụ tập đông người trái pháp luật, gây rối an ninh trật tự.

Lo lắng về tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và có giải pháp đồng bộ, tập trung phòng chống tham nhũng, lãng phí; sớm cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; sớm tổ chức lại cơ quan phòng chống tham nhũng đủ mạnh; sớm thực hiện chủ trương lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Đặc biệt, cử tri cũng kiến nghị cần nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội. Cần đẩy mạnh hoạt động giám sát, nhất là giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; giám sát công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục