Kiến nghị địa phương chỉ nên có 2 cấp chính quyền

Chiều 7-11, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được QH thảo luận, cho ý kiến tại tổ.
Kiến nghị địa phương chỉ nên có 2 cấp chính quyền

(SGGPO).- Chiều 7-11, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được QH thảo luận, cho ý kiến tại tổ.

Là người có tới 20 năm trăn trở với mô hình tổ chức chính quyền địa phương, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) thẳng thắn: “Việc Hiến pháp 2013 lần đầu tiên hiến định một khái niệm rất mới là “chính quyền địa phương” đã tạo cơ sở pháp lý để QH tiến hành sửa đổi cùng lúc cả 3 luật: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ngân sách nhà nước. Đây là cơ hội rất quý, nếu bỏ lỡ thì không biết đến bao giờ mới cải cách hành chính một cách căn bản được. Đáng tiếc là quy định như dự thảo thì không tận dụng được cơ hội đó. Tôi thấy đây chỉ mới là Luật HĐND, UBND sửa đổi chứ chưa phải là Luật Chính quyền địa phương”.

ĐB Trần Du Lịch

Bố cục và kỹ thuật lập pháp của dự thảo theo ông nhìn nhận là còn “ngổn ngang”; đơn cử như đọc xong vẫn không xác định được chính quyền địa phương từng cấp được giao những quyền hạn cụ thể nào. ĐB Trần Du Lịch kiến nghị mạnh mẽ: “Tôi đề nghị chỉ nên có 2 cấp chính quyền thôi, đừng dùng dằng 3 cấp nữa. Bộ máy cứ cồng kềnh thế này thì chẳng có dân nào đóng thuế mà nuôi cho nổi”.

Đồng tình với nhiều nhận định của ĐB Trần Du Lịch, ĐB Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM cũng yêu cầu dự thảo Luật phải bám sát và cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp 2013. Mô hình chính quyền địa phương phải được thiết kế khác nhau ở đô thị, nông thôn, hải đảo, khu hành chính đặc biệt để phù hợp với tình hình thực tế. “Ở địa phương nên có hai cấp chính quyền thôi: cấp tỉnh và cấp cơ sở. Ở cấp cơ sở nhất thiết phải có HĐND, UBND để đảm bảo chính quyền gần dân. Còn quận, huyện chỉ là cơ quan chuyên môn hành chánh nhà nước, cánh tay nối dài của cấp tỉnh”, ĐB Huỳnh Thành Lập phát biểu.

Ông Lập cũng lưu ý thêm, cần quy định để ĐB HĐND thực sự trở thành chủ thể giám sát, chứ hiện nay vai trò này chưa được chế định rõ ràng.

Cho biết đây là nội dung được bà quan tâm nhất khi đi họp QH lần này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đồng ý với ĐB Trần Du Lịch về việc phải tinh giản bộ máy, nhưng cho rằng trong giai đoạn trước mắt, chỉ nên áp dụng mô hình 2 cấp chính quyền ở đô thị và vẫn giữ mô hình 3 cấp ở nông thôn. “Đó là lộ trình khả thi hơn”, bà nói. Vẫn theo ĐB Quyết Tâm, với mô hình 2 cấp chính quyền ở đô thị, nên xác định cấp tỉnh hoạch định chính sách, cấp cơ sở trực tiếp quản lý dân cư, đảm bảo an sinh, trật tự, an toàn xã hội...

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm

 Về ĐB HĐND, “quy định trong dự Luật còn chung chung hơn cả Hiến pháp” – ĐB Quyết Tâm khuyến nghị nên tính toán quy định rõ số lượng ĐB HĐND và tăng tỷ lệ ĐB chuyên trách. Cán bộ đã nghỉ hưu cũng có thể tham gia làm ĐB HĐND chuyên trách, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND.

ĐB Trương Thị Ánh lưu ý, một điểm mới trong dự thảo luật là quy định tổ ĐB HĐND được thực hiện công tác giám sát; nhưng cơ chế vận hành của tổ ĐB chưa rõ, rất dễ mở ra quyền mà không thực hiện được trên thực tế…

ANH PHƯƠNG- Ảnh LÃ ANH

Tin cùng chuyên mục