(SGGPO).-Chiều nay 28-2, Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM (gọi tắt là Hiệp hội) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính kiến nghị một số nội dung xung quanh việc thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Theo Hiệp hội, sau khi Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án Hạ tầng giao thông Cửu Long (Cuu Long CIPM) chính thức thu phí sử dụng dịch vụ đường cao tốc TPHCM-Trung Lương vào ngày 25-2, Hiệp hội đã nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa tại TPHCM về một số khó khăn của DN khi sử dụng dịch vụ đường cao tốc. Để góp phần bảo đảm cho việc khai thác, sử dụng dịch vụ đường cao tốc TPHCM-Trung Lương đạt hiệu quả cao, phù hợp với tình hình thực tế hoạt động của DN vận tải trong điều kiện hiện nay, Hiệp hội kiến nghị một số nội dung như sau:
* Kiến nghị giảm giá phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc TPHCM - Trung Lương để phù hợp với tình hình thực tế, hạn chế tác động tăng giá cả hàng hóa dịch vụ quá cao trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay.
Bởi lẽ, hiện nay chủ yếu các DN vận tải hàng hóa tại TPHCM đi các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long và ngược lại đang sử dụng xe vận tải có tải trọng lớn (trên 10 tấn) hoặc xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc chở container. Vì thế, nếu trạm thu phí hiện hành áp dụng mức thu phí đối với xe trên 18 tấn hoặc xe chở hàng bằng container 40 feet với mức giá 8.000 đồng/km thì với chiều dài 40 km, doanh nghiệp phải trả mức phí là 320.000 đồng/lượt, tương ứng với 640.000 đồng/chuyến là quá cao so với lợi nhuận từ một chuyến hàng (bao gồm cả chuyến đi và về) mang lại.
Cụ thể, một chuyến xe chở hàng trong bán kính khoảng 100km thì chủ xe chỉ lãi ròng khoảng 300.000-400.000 đồng. Nếu các chủ hàng không chấp nhận tăng cước vận tải tương ứng với mức thu phí giao thông (dự kiến tăng khoảng 20%) thì lợi nhuận một chuyến hàng chưa đủ để đóng phí sử dụng đường cao tốc. Vì thế các chủ xe, lái xe chắc chắn sẽ chọn Quốc lộ 1A để duy trì lợi nhuận đang ở mức tối thiểu.
* Không nên phân biệt mức thu phí đối với xe chở hàng bằng Container 40 feet gấp đôi mức phí đối với xe chở hàng bằng container 20 feet. Vì thực tế là khi cà thẻ, thiết bị thu phí chỉ nhận diện xe đầu kéo rồi áp dụng mức cao nhất 8.000 đồng/km. Trong khi đó, giá cước chở container 20 feet và 40 feet gần như không chênh lệch nhau.
Lý do là trọng lượng hàng hóa tối đa đóng trong container 20 feet và container 40 feet là bằng nhau (việc chủ hàng sử dụng container 20 feet hay container 40 feet là căn cứ vào đặc thù loại hàng hóa cần thể tích nhiều hay ít để đóng hàng: hàng hóa cồng kềnh, thể tích lớn thì sử dụng container 40 feet để đóng hàng, ngược lại hàng hóa nhỏ gọn, trọng lượng lớn thì sử dụng container 20 feet để đóng hàng).
* Kiến nghị không cho phép lắt đặt Trạm thu phí trên Quốc lộ 1A để hỗ trợ cho đường cao tốc TPHCM-Trung Lương. Bởi theo định nghĩa tại Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 năm 2001 của Ủy ban thường vụ quốc hội 28 tháng 08 năm 2001 có quy định “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này”.
Trên cơ sở đó, nếu phương tiện vận tải không sử dụng dịch vụ đường cao tốc TPHCM - Trung Lương thì không có nghĩa vụ trả phí để hoàn vốn cho tuyến đường này. Lý do “đặt thêm trạm thu phí trên quốc lộ 1A nhằm điều tiết giao thông trên tuyến đường này và hỗ trợ nguồn thu cho đường cao tốc” là chưa phù hợp với quy định tại Pháp lệnh phí nói trên.
Tin: Đ.Lý. Ảnh: Cao Thăng