(SGGPO).- Ngày 28-3, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC), Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) phối hợp tổ chức tọa đàm pháp lý chủ đề “Sửa đổi các tội danh xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng?”.
Tại cuộc tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, khái niệm dành cho hành vi “dâm ô” là chưa có trong các quy định của pháp luật; chưa được cụ thể và phân loại thành các mức độ khác nhau đã gây khó khăn trong việc xử lý hình sự và thủ tục tố tụng với chứng cứ liên quan đến tội danh “dâm ô với trẻ em”.
Ảnh minh họa: SHUTTERSTOCK
Các đại biểu đề xuất: Các tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em, cần sửa đổi và quy định cụ thể, chi tiết 4 loại tội phạm liên quan đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em trong Bộ luật Hình sự. Đó là chủ định gặp trẻ em với mục đích dâm ô; chủ ý khiêu dâm với trẻ; chủ ý dụ dỗ trẻ em đồng thuận thực hiện hành vi tình dục; chủ ý chứa chấp, sử dụng các hình ảnh khiêu dâm trẻ em... Đi kèm với các tội này là khung hình phạt hành chính, phạt tù. Ngoài ra, các tội danh liên quan đến tình dục phải bị cấm vĩnh viễn việc hành nghề liên quan đến trẻ em, không được tiếp cận trẻ em, đồng thời phải theo dõi, công khai tên tuổi, danh tính thủ phạm trên trang thông tin quốc gia, cộng đồng dân cư nơi cư trú. Nếu đối tượng tái phạm hoặc vi phạm các quy định về khoảng cách an toàn với trẻ em sẽ bị bắt giam trở lại hoặc thiến hóa học...
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đã tranh luận xung quanh các vụ xâm hại tình dục trẻ em như mức độ nhạy cảm khi đăng tải vụ án trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội; tên tuổi các các nhân vật liên quan trong vụ án trước khi có kết luận của cơ quan điều tra; sử dụng camera giấu kín trong quá trình điều tra...
Theo Ban tổ chức, các ý kiến tại cuộc toạ đàm sẽ được tổng hợp và gửi đến các cơ quan chức năng như Bộ Tư pháp, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
HOÀNG GIANG