Kiến nghị thu thuế đất phi nông nghiệp thay tiền sử dụng đất

Ngày 19-9, tại buổi khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM về tình hình thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền trên đất (gọi là GCN) và kết quả thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 trên địa bàn TP.

Ngày 19-9, tại buổi khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM về tình hình thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền trên đất (gọi là GCN) và kết quả thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 trên địa bàn TP.

        Tiền sử dụng đất quá cao

Theo Sở TN-MT, trong 94.410 trường hợp đủ điều kiện cấp GCN trên địa bàn TP cần phải giải quyết trong năm 2013, đến nay, toàn TP đã cấp được 58.936 GCN, số còn lại cần phải hoàn thành trong năm 2013. Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt cho biết, hiện nay phần lớn nhà đất chưa được cấp GCN là do có nguồn gốc phức tạp, không có giấy tờ đầy đủ; nhà đất do cơ quan, đơn vị chia cấp; mua bán giấy tay, đất lấn chiếm, tự sử dụng… làm cho việc lập hồ sơ xác minh nguồn gốc mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, các quận - huyện còn lúng túng trong công tác cấp GCN. Cán bộ thực hiện có tâm lý e ngại, né tránh trách nhiệm do sợ xảy ra sai sót.

Với số lượng GCN tồn đọng cần phải cấp từ nay đến cuối năm khá lớn, ĐBQH Nguyễn Văn Hưng hỏi: “Nghe đâu có hàng ngàn trường hợp được cấp GCN nhưng người dân lại không nhận phải chăng là do tiền sử dụng đất quá cao?”. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở TN-MT thừa nhận một trong những nguyên nhân chính gây tồn đọng việc cấp GCN thời gian qua là tiền sử dụng đất. Trước đây do hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền sử dụng đất (hệ số K) vượt hạn mức quá cao nên người dân không thể đóng nên không được cấp GCN. Sau khi UBND TP điều chỉnh hệ số K giảm xuống coi như đã giải quyết được một phần.

Theo ông Nam, 1 khu đất 100m² nằm vị trí có giá 4 triệu đồng/m² thì người dân phải đóng tiền sử dụng đất khoảng 400 triệu đồng là quá cao trong khi họ không có nhu cầu mua bán, giao dịch mà chỉ có nhu cầu ở. Ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị, đối với những trường hợp này, Chính phủ nên giảm tối đa tiền sử dụng đất cho người dân, thậm chí không thu tiền sử dụng đất một lần, quá khả năng của người dân mà chỉ thu tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hàng năm.

        Xây dựng không phép phù hợp quy hoạch: Được tồn tại?

Trả lời chất vấn của các ĐBQH về không ít trường hợp người dân không được cấp GCN vì sai phạm của chủ đầu tư (CĐT)? Ông Nguyễn Hoài Nam giải thích: Hiện một số dự án người dân chưa được cấp GCN là do cần phải xử lý sai phạm của CĐT. Cụ thể như CĐT chưa có quyết định giao đất, vi phạm xây dựng, quy hoạch. Cũng có nhiều CĐT chây ì không lập hồ sơ để cấp GCN cho người dân nhưng TP đã có chủ trương cho UBND quận - huyện cấp GCN thẳng cho những trường hợp này. Hiện trên địa bàn TP nhiều trường hợp nhà ở liên kế hoặc biệt thự, CĐT không xây nhà mà bán cho các hộ dân dưới hình thức góp vốn, người dân tự xây nhà nên phát sinh nhiều phức tạp trong việc cấp GCN. Ngoài những nguyên nhân trên, ông Phạm Ngọc Liên cũng cho rằng hiện nay việc xử lý của các địa phương còn cứng nhắc, thường xử lý theo hướng “chắc ăn” về phía mình nên dẫn đến ách tắc trong công tác cấp GCN.

Để có thể hoàn thành căn bản việc cấp GCN trong năm 2013, Sở TN-MT cũng kiến nghị cấp GCN cho các trường hợp nhà đất sử dụng sau ngày 15-10-1993 và trước thời điểm công bố quy hoạch; nhà, đất mua bán bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004 nếu phù hợp quy hoạch. Trường hợp xây dựng nhà không phép sau ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-5-2009 cũng được Sở TN-MT kiến nghị được cấp GCN nếu phù hợp quy hoạch, không tranh chấp và được phép tồn tại và chỉ công nhận phần diện tích đất phù hợp quy hoạch.

        Phạt nặng cơ sở gây ô nhiễm

Trả lời chất vấn của các ĐBQH về việc trên địa bàn TP còn bao nhiêu khu vực, cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc bị người dân khiếu nại, phản ánh mà chưa xử lý? Sở TN-MT cho biết, khu vực thường tiếp nhận các đơn khiếu nại từ người dân gồm: bãi rác Hiệp Phước; các bãi than tại quận 9; các cơ sở dệt may, nhuộm tại phường Đông Hưng Thuận quận 12. Theo Sở TN-MT, việc di dời 1.402 cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành đến nay còn 5 cơ sở chưa di dời. Báo cáo tình hình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường giai đoạn từ năm 2005 đến nay, Sở TN-MT cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường hiện nay quy định xử phạt vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, luật chưa quy định việc các cơ sở tái phạm nhiều lần thì phải xử lý như thế nào. Từ đó, Sở TN-MT kiến nghị: cần quy định cụ thể việc thực hiện đình chỉ hoạt động, rút giấy phép, cưỡng chế di dời, bồi thường thiệt hại đối với những cơ sở tái phạm nhiều lần.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Huỳnh Thành Lập ghi nhận và cho biết sẽ kiến nghị những ý kiến của Sở TN-MT lên Chính phủ và Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Đến nay về đất nông nghiệp, TPHCM đã hoàn thành cấp GCN 98% (cấp theo Luật Đất đai 1993). Về đất ở, tổng số nhà ở, đất ở cần cấp GCN hoặc lập hồ sơ quản lý (do không đủ điều kiện cấp GCN ) là 311.401 trường hợp. Trong đó, 133.719 trường hợp không đủ điều kiện cấp GCN; 177.682 trường hợp đủ điều kiện cấp GCN cần giải quyết. Năm 2012 các quận huyện đã cấp được 83.272 GCN; năm 2013 số lượng dự kiến cần cấp là 177.682 trường hợp, đến nay đã cấp được 58.936 GCN, còn 35.474 GCN phải cấp trong năm 2013. Tổng số GCN nhà đất cấp qua các thời kỳ trên địa bàn TP đã đạt 1.284.617 GCN trên tổng số 1.453.810 GCN cần cấp.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục