Kiến nghị xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo

Chiều 7-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao báo cáo về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2014. Sáng cùng ngày, UBTVQH họp riêng, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn và về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.
Kiến nghị xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo

Chiều 7-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao báo cáo về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2014. Sáng cùng ngày, UBTVQH họp riêng, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn và về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

Kiến nghị xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo ảnh 1

Ông Phan Trung Lý- Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại phiên họp. Ảnh: LÃ ANH

Khiếu nại đông người tăng

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao cho hay, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2014 đã có xu hướng giảm so với năm 2013; số lượt công dân đến cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo đã giảm. Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, có 39/63 tỉnh, thành khiếu nại, tố cáo giảm. Việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài cũng đạt được một số kết quả tích cực: đã rà soát, giải quyết 494/528 vụ việc, đạt tỷ lệ 93,56%, còn 34 vụ việc đang khẩn trương tập trung giải quyết; các bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục kiểm tra, rà soát 537 vụ việc (trong đó có 215 vụ việc đủ điều kiện chấm dứt thụ lý; 288 vụ việc đang xem xét, giải quyết). Tuy nhiên, tình trạng khiếu nại đông người lại tăng, nhất là tại trụ sở tiếp công dân của Trung ương tại Hà Nội và TPHCM, nguyên nhân chính là do chất lượng giải quyết khiếu nại ở một số địa phương chưa cao, nhất là cấp huyện. Công tác thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa được quan tâm đúng mức; kỷ cương, kỷ luật trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa nghiêm...

Trong thời gian tới, Chính phủ một mặt sẽ chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; mặt khác, sẽ xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo có hành vi tổ chức, kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự công cộng; cố tình khiếu nại, tố cáo sai sự thật; lợi dụng khiếu nại, tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước… và cả hành vi đưa tin sai sự thật về việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tại phiên họp, đại diện TAND tối cao cho biết, tình hình khiếu nại về tư pháp nhìn chung vẫn còn diễn biến phức tạp; đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án gia tăng hơn so với cùng kỳ năm 2013, nhất là đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (tăng 652 đơn/vụ). Các khiếu nại về quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của chánh án, phó chánh án, thẩm phán cũng tăng hơn so với cùng kỳ năm trước với 1.240 đơn… Các tòa án nhận được 75 đơn khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức (có 23 đơn trùng lặp và nặc danh), số đơn phải giải quyết là 52 đơn (giảm 16 đơn so với cùng kỳ năm 2013), trong đó có 14 đơn vừa có nội dung đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, vừa có nội dung tố cáo cán bộ, công chức tòa án...

Đã sai thì phải sửa

Thẩm tra về các báo cáo này, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phân tích, tuy số vụ khiếu nại tố cáo nói chung có giảm, nhưng không đáng kể (1,8%), trong khi khiếu nại, tố cáo đông người lại tăng tới hơn 12%. Đại diện cơ quan thẩm tra yêu cầu đánh giá cụ thể, sâu sắc hơn trách nhiệm người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương trong công tác tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Ông Phan Trung Lý nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo từ “đầu nguồn” và yêu cầu đánh giá cụ thể chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng làm rõ tỷ lệ giải quyết đúng/sai là bao nhiêu? Các vụ việc chuyển cơ quan điều tra rốt cuộc được xử lý như thế nào? Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về vấn đề này do Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Hiện trình bày ngay sau đó cơ bản đồng tình với nhận định của Ủy ban Pháp luật.

Góp ý về các báo cáo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước băn khoăn: “Tất cả báo cáo đều có chung nhận xét về một số bất cập trong khung pháp lý điều chỉnh hoạt động giải quyết khiếu tố, nhưng lại không thấy nêu ra kiến nghị gì với Quốc hội để bổ sung, chỉnh lý?”. Sự liên kết, phối hợp giữa 3 cơ quan cùng có trách nhiệm xử lý khiếu nại, tố cáo là hết sức quan trọng, song theo ông Phước, vẫn chưa được thể hiện rõ. Ông Phước nêu vấn đề: “Quyết định giải quyết có hiệu lực cuối cùng rồi mà dân vẫn tiếp tục khiếu nại thì xử lý thế nào, một nhà nước pháp quyền không thể để cứ khiếu nại dằng dai mãi”.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đưa ra kiến nghị xây dựng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo để tất cả cơ quan có liên quan và các vị đại biểu Quốc hội biết rõ tình hình giải quyết những vụ việc cụ thể, tránh tình trạng chuyển đơn thư lòng vòng. Hơn thế, việc làm này còn giúp minh bạch hóa tình hình xử lý khiếu nại, tố cáo; tạo thuận lợi cho công tác giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo… Cũng tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho biết, đang khẩn trương hoàn thiện báo cáo về vấn đề này, “sẽ xong trong vài ngày tới. Hiện chỉ còn chờ nốt số liệu từ một vài địa phương cuối cùng”.

Kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2014

– Các cơ quan hành chính đã giải quyết 37.716/44.426 vụ khiếu nại và tố cáo, đạt tỷ lệ 84,9%; kiến nghị thu hồi cho nhà nước 24,8 tỷ đồng, 106ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 86,1 tỷ đồng, 202ha đất; bảo vệ quyền lợi chính đáng cho 2.131 người; kiến nghị xử lý hành chính 594 người (đã xử lý 446 người), chuyển cơ quan điều tra 83 vụ, 39 người.

– Phân tích từ kết quả giải quyết 28.448 vụ việc khiếu nại cho thấy: có 5.476 khiếu nại đúng (19,3%); 16.794 khiếu nại sai (59%); 6.177 khiếu nại có đúng, có sai (21,7%). Phân tích kết quả giải quyết 6.736 vụ việc tố cáo cho thấy: có 811 tố cáo đúng (12%); 4.255 tố cáo sai (63,2%); 1.670 tố cáo có đúng, có sai (24,8%).

– Ngành thanh tra đã tiến hành 1.787 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 4.081 cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hiện 492 đơn vị có vi phạm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 435 tổ chức, 462 cá nhân; xử lý hành chính 23 tổ chức và 6 cá nhân; tiến hành kiểm tra việc thực hiện 547 kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra trách nhiệm, kết quả cho thấy các cơ quan có thẩm quyền đã kiểm điểm trách nhiệm của 199 tổ chức, 171 cá nhân; đã xử lý kỷ luật hành chính đối với 42 cá nhân.

(Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên họp)

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục