Kiến nghị xây dựng Luật làng nghề

Xử lý 104 làng nghề ô nhiễm nhất
Kiến nghị xây dựng Luật làng nghề

(SGGPO). - Sáng 20-4, tại Hà Nội diễn ra tọa đàm “Làng nghề Việt Nam: truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hiệp hội các làng nghề Việt Nam tổ chức với sự tham dự của các làng nghề, nghệ nhân 12 tỉnh thành trong cả nước.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, tính đến hết năm 2014, cả nước có 5.096 làng nghề và làng có nghề nước. Số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 1.748. Các làng nghề thu hút khoảng 10 triệu lao động. Có nhiều làng tồn tại từ 500 đến 1.000 năm, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến. Thu nhập bình quân của lao động làng nghề thường cao hơn lao động nông nghiệp từ 2 – 3 lần, có nơi còn cao hơn nữa.

Tuy nhiên, các làng nghề hiện nay đối mặt nhiều khó khăn, yếu kém như chất lượng, mẫu mã sản phẩm còn thấp; thị trường hạn hẹp; đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề chưa được quan tâm bồi dưỡng, phát huy đúng mức; tình trạng ô nhiễm tại làng nghề nghiêm trọng, nhiều làng nghề vẫn phải sống chung với ô nhiễm, chịu nhiều bệnh tật, tuổi thọ giảm sút. Đặc biệt, việc liên kết giữa các cơ sở, giữa các làng nghề còn rất nhiều hạn chế, chủ yếu là kinh doanh hộ gia đình, ít mô hình doanh nghiệp và hợp tác xã. Đây là một nhược điểm rất lớn của làng nghề. Nhiều hộ gia đình rất ít trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong các hoạt động sản xuất cũng như tiêu thụ, do đó, sản phẩm chậm cải tiến, sức cạnh tranh kém, thu nhập thấp kéo dài...

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu tại Tọa đàm sáng nay.

Từ thực tế trên, Hiệp hội kiến nghị xây dựng Luật Làng nghề hoặc Pháp lệnh làng nghề để có cơ chế cho làng nghề đi lên. Để lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa làng nghề, nên xem xét mở rộng chức năng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghề và làng nghề truyền thống phát triển bền vững như: tiếp cận vốn tín dụng, giảm thiểu các thủ tục, tăng cường cho vay tín chấp (do hội làng nghề bảo lãnh), giảm lãi suất.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nếu không có chính sách của Nhà nước và sự nỗ lực của chính các làng nghề thì làng nghề không thể phát triển được, chỉ mãi như hiện nay với rất nhiều khó khăn cố hữu. Nhiều làng nghề có tuổi đời cả ngàn năm, “trẻ” nhất cũng 200 năm. Các làng nghề gắn với chiều dài lịch sử, tạo ra nhiều sản phẩm, tạo nhiều công ăn việc làm. Nhưng giá trị làng nghề không chỉ ở việc tạo ra việc làm, những giá trị kinh tế mà cao hơn là sản phẩm làng nghề gắn với những giá trị văn hóa  tâm linh, nghệ thuật của người Việt. Giữ giá trị của văn hóa làng nghề là giữ lại giá trị văn hóa của dân tộc.

Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Xử lý 104 làng nghề ô nhiễm nhất

“Bộ TN-MT đã xác định được 104 làng nghề ô nhiễm nhất trên phạm vi cả nước cần phải có kế hoạch xử lý triệt để cho đến năm 2020. Trong đó có những địa phương, mức độ ô nhiễm kim loại nặng độc hại (Cr6+) cao gấp hơn 3.000 lần quy chuẩn cho phép, rất đáng báo động. Tỷ lệ bệnh tật tại các khu vực ô nhiễm do làng nghề ngày một gia tăng. Hầu hết các cơ sở tại làng nghề không có biện pháp xử lý chất thải, các loại khí thải, nước thải, chất thải rắn đều xả trực tiếp ra môi trường. Đặc biệt là chất thải của các làng nghề tái chế chất thải (giấy, kim loại, nhựa), dệt nhuộm sử dụng hóa chất công nghiệp … đang là vấn đề hết sức bức xúc gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. Rất cần tính toán giữa bài toán giữa lợi ích kinh tế mà 104 làng nghề này mang lại không thể bù đắp được những hao tổn về sức khỏe, môi trường và hậu họa cho tương lai. 

Tuy nhiên, việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp đã khó, việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề còn khó hơn rất nhiều lần. Đề nghị cơ quan chức năng công nhận làng nghề phải bám sát các điều kiện về bảo vệ môi trường (điều mà rất nhiều các địa phương hiện nay chưa quan tâm tới).

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng:

Kinh doanh hộ gia đình làm cho làng nghề phát triển manh mún

Đa số các làng nghề chậm thay đổi về mô hình, chủ yếu là kinh doanh hộ gia đình, mô hình doanh nghiệp và hợp tác xã còn ít, đó là nguyên nhân cơ bản khiến làng nghề vẫn manh mún, nhỏ lẻ, chưa thể phát triển mạnh được, vì kinh doanh hộ gia đình khó tiếp cận với vốn vay, công nghệ, thị trường tiêu thụ... Tôi đồng tình với đề xuất có cấp độ pháp lý lớn hơn về làng nghề, ví dụ như Pháp lệnh làng nghề.

Về quản lý Nhà nước, đối với làng nghề, Chính phủ quy định Bộ NN-PTNT quản lý các hộ, cá nhân; Bộ Công thương quản lý doanh nghiệp ở nông thôn nhưng mỗi tỉnh thì có cách phân công khác nhau, dẫn đến phân tán, chồng chéo (27 tỉnh thành giao cho Sở NN-PTNT, 22 tỉnh thành giao Sở Công thương, còn lại là thuộc các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh - Xã hội, Liên minh Hợp tác xã…). Để tránh phân tán như hiện nay, Chính phủ cần thống nhất đầu mối quản lý. Bên cạnh đó, cần có cơ chế tài chính cho làng nghề để làng nghề phát triển.

PHAN THẢO

>>Phát triển làng nghề: Khắc phục cách làm nhỏ lẻ, ô nhiễm môi trường

>>Làng nghề truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một

Tin cùng chuyên mục