(SGGPO). - Chiều 1-11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về quy hoạch tổng thể về thủy điện. Theo báo cáo của Chính phủ, kết quả rà soát quy hoạch thủy điện cho thấy đã loại bỏ 424 dự án (trong đó gồm 6 thủy điện bậc thang 395 MW và 418 dự án thủy điện nhỏ 1.174 MW), chiếm 34,2% tổng số dự án đã quy hoạch. Hai dự án thủy điện bậc thang thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian qua là Đồng Nai 6 và 6A cũng bị loại khỏi quy hoạch. Như vậy trên cả nước hiện còn lại 815 dự án, công trình thủy điện (24.334 MW). Trong số đó có 268 dự án đang vận hành (14.240MW), 205 dự án đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến 2017 (6.198MW).
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Quốc hội cho biết, công tác quản lý chất lượng, an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đối với các công trình thủy điện nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 66% số đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão. Điển hình trong đó là một số sự cố dự án, công trình thủy điện vừa và nhỏ khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản; sự cố, hiện tượng bất thường tại công trình thủy điện Sông Tranh 2...
Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ con số đáng quan ngại, từ năm 2006 đến 2012, cả nước có 160 dự án thuộc 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện với diện tích 19.792ha. Cho đến nay, diện tích rừng trồng thay thế được 735ha, đạt 3,7% tổng diện tích theo yêu cầu. Kết quả giám sát cho thấy nhiều địa phương không có quỹ đất quy hoạch hoặc đất không phù hợp để trồng rừng thay thế.
Chiều nay, phát biểu về báo cáo này, hầu hết các đại biểu đoàn TPHCM đều bày tỏ quan ngại đối với sự phát triển thủy điện hiện nay. “Phát triển nóng”, “phát triển theo phong trào”... là cụm từ nhiều đại biểu nói về phát triển thủy điện trong thời gian qua, hậu quả là gây thiệt hại nặng nề cho người dân vùng thủy điện.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng tỏ ra rất lo lắng khi 65% công trình thủy điện chưa có quy chế phòng chống lụt bão, rất dễ làm phát sinh ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống nhân dân. “Thủy điện Sông Tranh 2 đến giờ này cũng chưa ai khẳng định an toàn hay chưa? Không có giấy chứng nhận an toàn là không được. Không thể để tình trạng người tháo nước cứ tháo nước, người tích nước cứ tích nước. Cần ban hành quy chế để quản lý. Chính phủ, Bộ Công thương... phải rà lại toàn bộ để người dân yên tâm” - Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) hoan nghênh Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình kỳ họp báo cáo về quy hoạch tổng thể thủy điện, hoan nghênh Chính phủ đã rà soát đưa ra quy hoạch trên 400 dự án. Phát triển thủy điện có nhiều mặt tích cực, nhưng quy hoạch và phát triển thủy điện hiện nay có quá nhiều bất cập. Rừng bị khai thác tràn lan, nhiều nơi khai thác nhiều hơn so với yêu cầu làm thủy điện, nhiều nơi tận dụng khai thác rừng và khai thác luôn các tài nguyên khoáng sản khác. Nhiều thủy điện có chất lượng xây dựng không bảo đảm, đã có trường hợp vỡ đập gây thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân sống trong khu vực thủy điện. “Còn đối với nhân dân ở hạ lưu thì luôn nơm nớp lo sợ xả lũ của thủy điện. Nhiều người dân miền Trung đã bị trắng tay sau cả đời chắt bóp chỉ vì xả lũ của thủy điện. Đặc biệt, thủy điện lấy 19.000 ha rừng nhưng chỉ trồng bù 735 ha là điều không thể chấp nhận được, giải thích sao với dân? Rừng không có thì gây ra bao nhiêu hệ lụy. Tôi cũng nghi ngờ độ che phủ rừng đạt 44% như Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn báo cáo, vì hậu quả thiên tai hiện nay quá khủng khiếp”, ĐB Thiện nói.
ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM) bức xúc, làm thủy điện như làm phong trào, không có quy hoạch, thích đưa vào thì đưa vào, không thích thì lại đưa ra. “Những con số trong báo cáo của Chính phủ quá nhiều điều phải giật mình. Phải trả lời câu trả lời 20% thủy điện lớn, 55% thủy điện nhỏ chưa có phương án phòng chống lụt bão, lấy gì bảo đảm đang vận hành thì bão lũ xảy ra và ai bảo đảm an toàn của nhân dân”, ĐB Minh nêu và kiến nghị, phải kiên quyết loại bỏ thủy điện nhỏ, còn tất cả các dự án thủy điện lớn phải được đưa ra Quốc hội để bàn.
Hầu hết các ý kiến như ĐB Đỗ Văn Đương, ĐB Võ Thị Dung...đều đồng ý phải kiên quyết loại bỏ thủy điện nhỏ. Các ĐB cũng đề nghị Quốc hội phải yêu cầu Chính phủ làm rõ trách nhiệm cụ thể trong việc quy hoạch thủy điện tràn lan, trồng rừng không đủ. Kể cả các dự án dù đã đưa ra khỏi quy hoạch nhưng phải đánh giá các chủ đầu tư đã làm gì ở đó, đã lấy rừng chưa, phải quy trách nhiệm. “Không trồng lại rừng thì đền bù thế nào, không thể chỉ dừng ở báo cáo, đánh giá là xong. Quốc hội không nên cho qua điều này. Phải tổng kiểm tra toàn bộ dự án thủy điện hiện nay đang vận hành. Đồng ý Quốc hội phải có Nghị quyết về vấn đề này, trong đó nêu rõ phải bảo đảm an toàn cho người dân ở vùng thủy điện”, ĐB Nguyễn Văn Minh nói.
“Đồng tình là phải loại bỏ các dự án thủy điện, nhưng không chỉ giơ tay đồng ý là xong, phải truy trách nhiệm và làm rõ”, nhiều ý kiến nêu rõ. ĐB Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) nói thêm, báo cáo thủy điện nêu ra nhiều bất cập, phải loại bỏ hơn 400 dự án ra khỏi quy hoạch nhưng không hề đề cập đến việc xử lý trách nhiệm. ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) thì nêu câu hỏi, vừa qua để thủy điện phát triển tràn lan như vậy, trách nhiệm của Nhà nước nằm ở đâu, Chính phủ hay địa phương?
Nhiều đại biểu có chung đề nghị Chính phủ cho rà soát, đánh giá lại toàn bộ công tác quy hoạch, xây dựng thủy điện, vấn đề trồng rừng thay thế cũng như công tác vận hành thủy điện. Đồng thời phải công khai, minh bạch công tác quy hoạch, đầu tư và khai thác thủy điện để Quốc hội và người dân tham gia giám sát.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu, phải rà lại các công trình để xem đã lo cho dân nghiêm túc chưa, vì thực tế hiện nay đời sống đồng bào dân tộc miền núi sau di cư nhường đất cho thủy điện còn rất khó khăn.
Cũng trong chiều 1-11, Quốc hội thảo luận về Luật Công chứng sửa đổi
| |
PHAN THẢO
>> Có cơ sở để tin rằng tín dụng cả năm sẽ đạt 11-12%