(SGGP).- Tối 7-2, tại Hội trường TPHCM, hơn 800 kiều bào từ nhiều nước trên thế giới đã tề tựu mừng Xuân Ất Mùi 2015. Chương trình do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với UBND TPHCM tổ chức, nằm trong chuỗi hoạt động “Xuân quê hương 2015 - Tổ quốc vinh quang”.
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải thăm hỏi kiều bào. Ảnh: Việt Dũng
Cùng chung vui họp mặt có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Võ Văn Thưởng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam; Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Võ Thị Dung…
Trong không khí gặp mặt đầm ấm, thân tình, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân vui mừng thông tin, năm qua, dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng GDP (tổng sản phẩm nội địa) của TP tăng 9,6% (năm 2013 tăng 9,3%); cơ cấu kinh tế TP chuyển dịch đúng hướng, mô hình tăng trưởng từng bước đi vào chiều sâu, nâng cao dần năng lực cạnh tranh. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá, TP là địa phương đầu tiên của cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 32 tỷ USD, nhập khẩu 30,7 tỷ USD. Năm 2015 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, có nhiều sự kiện kỷ niệm lớn của đất nước và TP, TP sẽ tập trung mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao đời sống văn hóa cơ sở… góp phần xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tặng bằng khen những kiều bào có nhiều đóng góp với đất nước. Ảnh: VIỆT DŨNG
Về sự đóng góp của kiều bào, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, người Việt Nam ở nước ngoài đã trở thành cầu nối về văn hóa, kinh tế, thương mại giữa trong nước và quốc tế, góp phần tạo dựng hình ảnh về TP nói riêng và Việt Nam nói chung trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Hàng ngàn lượt kiều bào trên thế giới đã tham gia các hoạt động xã hội từ thiện cho thấy người Việt Nam ở nước ngoài ngày một gắn bó hơn, ruột thịt hơn với quê hương đất nước. “Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao sự đóng góp của các cô bác, anh chị em kiều bào trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước” - Chủ tịch Lê Hoàng Quân bày tỏ và trân trọng gửi lời cảm ơn chân thành đến kiều bào.
Ghi nhận và biểu dương sự đóng góp của kiều bào, dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 1 tập thể và 2 cá nhân; Bộ Ngoại giao tặng bằng khen cho 12 tập thể và 24 cá nhân; UBND TPHCM tặng bằng khen cho 1 tập thể và 6 cá nhân.
Sáng cùng ngày, đoàn kiều bào đã dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ tại đền Bến Dược (Củ Chi) và tham quan Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.
* Ông David Dương (người Việt định cư tại Hoa Kỳ): Luôn hướng về quê hương
Trong tâm thức của mỗi con người Việt Nam, tết cổ truyền của dân tộc là dịp để mỗi người đoàn tụ, sum vầy cùng tiễn năm cũ và chào đón năm mới với bao nhiêu điều tốt đẹp và dự định tương lai. Mỗi độ tết đến xuân về, nhiều người đã trở về quê hương sum họp, đón mừng năm mới. Buổi gặp gỡ cuối năm đối với những người con xa xứ chúng tôi là dịp gặp gỡ nhau, và gặp gỡ các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước; được cập nhật tình hình đất nước, tận mắt chứng kiến và cảm nhận những tình cảm mà đất nước dành cho kiều bào.
Gần 40 năm sống xa Tổ quốc, cuộc sống mưu sinh nơi đất khách quê người, chúng tôi phải tự vươn lên, vượt lên chính mình, học hỏi tinh hoa, trí thức để hòa nhập với cuộc sống mới hiện đại. Nhưng, từ sâu thẳm trái tim, tôi vẫn luôn hướng về quê hương với nguyên dòng máu nóng của người con đất Việt.
Dịp Tết Nguyên đán 2015, tôi được nhận bằng khen của Thủ tướng. Đây là niềm vinh dự đối với tôi. Cá nhân tôi nói riêng và bà con kiều bào nói chung rất tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn tự hào về đất nước Việt Nam. Với niềm tự hào ấy, chúng tôi, những người con sinh sống ở xa quê hương, nguyện sát cánh với toàn thể người Việt Nam, cùng góp công sức nhỏ bé vào xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
* Ông Nguyễn Trí Dũng, kiều bào Nhật: Vì Việt Nam, đoàn kết lại
Tôi rất xúc động khi nhìn thấy những đổi thay của đất nước, của TPHCM. Chúng ta đã làm được điều thần kỳ Thánh Gióng. Nhưng, để Việt Nam tiến nhanh, tiến xa có lẽ đất nước cần nhiều kỳ tích Thánh Gióng hơn nữa. Về cái chưa làm được, tôi có cảm giác là ở ta hiện vẫn mạnh ai nấy làm, thậm chí có vẻ như đang bị hành chính hóa. Chúng ta cần nâng cao tính tự chủ, sáng tạo ở từng môi trường. Lực lượng 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là năng lượng quan trọng, rất cần được khơi gợi, được phát huy. Cần nhất là sự tập hợp.
Tôi nhận thức được rằng niềm hãnh diện của đất nước này là do từng người Việt Nam đóng góp sức để xây dựng. Hiện mỗi năm kiều hối gửi về nước là 12 tỷ USD nhưng nó có ổn định hay không? Chúng ta hay nói khoa học và công nghệ là then chốt song chủ trương đúng đắn này có lẽ chưa được vận dụng như là chúng ta mong muốn? Nhà nước cần đưa ra một thông điệp nào đó để kêu gọi tất cả những người Việt Nam; chúng ta cần gác lại mọi quá khứ để nhìn về một tương lai tươi sáng. Trong dịp đầu xuân này, tôi muốn cùng chia sẻ với tất cả chúng ta ở đây, những người nước ngoài là: vì Việt Nam, đoàn kết lại.
* Ông Võ Văn Tới, kiều bào Mỹ, Giáo sư Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM: Nhiều cơ hội để kiều bào đóng góp cho đất nước
Tôi ở bên Mỹ hơn 40 năm. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn làm việc cùng với mọi người ở Việt Nam, tôi thấy cuộc sống ở quê nhà đối với tôi có rất nhiều ý nghĩa hơn bên Mỹ nên tôi quyết định trở về. Tôi thấy là mỗi ngày ở Việt Nam là một ngày hạnh phúc đối với tôi. Và ở Việt Nam có rất nhiều cơ hội để kiều bào đóng góp cho đất nước.
Khi tôi trở về, ngành kỹ thuật vi sinh là ngành quá mới mẻ. Ở Việt Nam, những vấn đề giáo dục, y tế cần phải phát triển. Chúng ta cần có chính sách cởi mở với kiều bào vì kiều bào có rất nhiều điều kiện để đóng góp cho đất nước. Đơn cử như tôi, có thể nói tôi đã làm được nhiều việc ở Việt Nam nhiều hơn những gì tôi làm được ở bên Mỹ. Nếu chúng ta thể hiện được sự cởi mở, nói lên và truyền đi được điều đó, chúng ta sẽ thu hút được rất nhiều kiều bào trở về; vì một số kiều bào vẫn còn nghi ngờ, lạnh lùng với đất nước. Chủ trương của Chính phủ đã có rất nhiều, rất hay. Tuy nhiên, cơ chế hoặc là quá lỏng lẻo, hoặc quá phức tạp để người ta tin tưởng, hợp tác. Do đó tôi nghĩ vấn đề là làm cách nào để thu hút kiều bào trở về.