Ngày 20-7, hơn 200 doanh nghiệp đã tham gia cuộc họp bàn giải pháp hỗ trợ xuất khẩu do Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại TPHCM. Theo đó, các đại biểu nhận định, cuối năm 2018, cán cân thương mại thặng dư khoảng 5 tỷ USD. Tuy nhiên, mức tăng trưởng trên vẫn chưa ổn định và nguy cơ tái tụt giảm đà tăng trưởng còn cao.
Thiếu ổn định vì khối ngoại vẫn áp đảo
Phân tích về tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp cho rằng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt gần 230 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2017. Cán cân thương mại thặng dư 3,4 tỷ USD. Tuy nhiên, xét tỷ trọng cơ cấu xuất khẩu thì 70% tổng kim ngạch xuất khẩu là của doanh nghiệp khối ngoại, 30% còn lại thuộc khối doanh nghiệp trong nước. Có 1.000 doanh nghiệp lớn (chủ yếu là doanh nghiệp khối ngoại) chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu cũng không có sự thay đổi nhiều, dẫn đầu vẫn tập trung sản phẩm mà khối doanh nghiệp ngoại chiếm ưu thế, như sản phẩm điện - điện thoại, linh kiện điện tử, máy móc thiết bị dụng cụ, phương tiện vận tải và phụ tùng…
Doanh nghiệp khối nội vẫn tập trung sản phẩm có giá trị xuất khẩu không cao như dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủy hải sản, nông sản thực phẩm… Do vậy, những biến động đầu tư của các doanh nghiệp ngoại sẽ có ảnh hưởng nhất định đến tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Đơn cử, ngay khi Tập đoàn Samsung đầu tư nhà máy công nghệ sản xuất hiện đại tại thị trường Indonesia, ngay lập tức đầu tư của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước bị chậm lại vì thận trọng.
Còn về mặt thị trường, hiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt 200 quốc gia trên thế giới. Trong đó, có 28 thị trường được xác định là trọng điểm. Kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường này từ đầu năm đến nay liên tục tăng cao. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh 28%, Hàn Quốc tăng 33%, Ấn Độ tăng gần 50%, châu Âu và Mỹ tăng 10% - 15%. Tuy nhiên, hàng hóa thành phẩm xuất khẩu có tỷ trọng nguyên liệu nhập khẩu đầu vào tăng 78%.
Mặt khác, những tác động do Mỹ đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nhất định lên thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Trước mắt, doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc sẽ dịch chuyển đầu tư sang khu vực lân cận, thị trường mới nổi. Không dừng lại đó, so với Việt Nam, những thị trường mới nổi như Myanmar, Campuchia, Bangladesh, Indonesia… có lợi thế thu hút đầu tư hơn nhờ ứng dụng mạnh khoa học công nghệ mới, giảm đáng kể chi phí giá thành sản xuất sản phẩm. Hai yếu tố trên sẽ đặt doanh nghiệp Việt Nam vào thế cạnh tranh trực tiếp hoặc gián tiếp ngày càng gay gắt trên thị trường thế giới.
Cần gỡ khó cho doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp trong nước cho rằng môi trường kinh doanh chưa thuận lợi đang kéo chân sự phát triển của doanh nghiệp. Khảo sát vừa qua cho thấy, công tác cải cách thủ tục hành chính tại các bộ ngành vẫn rất chậm, thậm chí có những bộ ngành không muốn bỏ những rào cản thủ tục hành chính làm khó doanh nghiệp. Ngay cả cơ quan hải quan - đơn vị có đến hàng ngàn quy định thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhưng đến nay hiệu quả cải cách chỉ mới đạt hơn 13%. Dự báo cuối năm 2018, tình hình tăng trưởng sẽ có nhiều khó khăn hơn do giải ngân vốn Nhà nước rất chậm và nhà đầu tư tư nhân có tâm lý thận trọng hơn trong hoạt động đầu tư.
PSG-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh, để cải thiện năng lực xuất khẩu theo hướng bền vững, cần phải thực hiện hiệu quả 2 mục tiêu. Một là, cải thiện năng lực sản xuất để cải thiện cấu trúc hàng hóa xuất khẩu, hai là Chính phủ phải cải cách cơ cấu bên trong. Trong đó, trọng tậm là cải cách thủ tục hành chính tại các bộ ngành, cơ quan chức năng. Ở mục tiêu thứ nhất, doanh nghiệp cần tính đến việc phải chủ động đối mặt với tình trạng đầu tư ồ ạt từ Trung Quốc sang. Riêng với Chính phủ, trong ngắn hạn cần phải có giải pháp điều chỉnh trong hoạt động thu hút đầu tư. Nhất định phải chọn lọc đầu tư công nghệ cao và kiên quyết từ chối đầu tư công nghệ thấp, giản đơn.
Một vấn đề khác, tính trong 6 tháng, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 64.000 doanh nghiệp nhưng số doanh nghiệp giải thể cũng đạt số 61.000. Như vậy, bình quân 1 doanh nghiệp ra đời thì một doanh nghiệp bị xóa sổ trên thị trường. Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư để doanh nghiệp tồn tại phát triển chưa tốt. Hiện Chính phủ rất trăn trở với vấn đề này.
Do vậy, theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần quyết liệt giao trách nhiệm và buộc lãnh đạo các bộ ngành phải rốt ráo cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho doanh nghiệp. Nhất thiết phải xử lý triệt để trách nhiệm người đứng đầu nếu trong thời gian nhất định không hoàn thành việc cải thiện môi trường đầu tư, để ảnh hưởng, bức xúc trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, phải thừa nhận rằng, thủ tục hành chính phức tạp lại chính là đất sống của nhiều đối tượng khác, trong đó có cơ quan chức năng. Do vậy, nhất thiết cần có sự hợp lực của các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội trong việc phát hiện và tố giác những tiêu cực của cán bộ, công chức các bộ ngành liên quan.