Mùa hoa tết 2012 vừa qua, có người ăn tết lớn nhưng cũng không ít người ngổn ngang lo toan vì ế ẩm và nhiều bài học cần được đúc kết.
- Hoa lan các loại hút hàng
| |
Anh Lê Dũng, người trồng và kinh doanh hoa lâu năm ở Củ Chi cho biết hoa lan các loại (Mokara, Dendrobium…) đến 25 tết vùng trồng hoa trọng điểm của TPHCM tại huyện Củ Chi gần 100 ha hầu như đã hết hàng.
Lý do người dân TP và các tỉnh đã bắt đầu quen dần với việc sử dụng hoa lan trong những ngày tết. Vì vậy, dù diện tích hoa lan năm nay khoảng 190 ha, tăng gần 17 ha so với Tết Nguyên đán năm 2011, vẫn không đủ bán. 80% lượng hoa lan các loại được tiêu thụ ngay tại TP, hơn 10% được đưa về các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, phần còn lại là các tỉnh vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, kể cả miền Trung.
Theo những người am hiểu, hoa lan dù đã có nhiều người biết nhưng vẫn là loài hoa mới, lạ mắt so với những loại hoa truyền thống khác và điều quan trọng không kém là phù hợp với túi tiền người tiêu dùng. Chỉ cần trên dưới 200.000 đồng đã có được chậu lan đẹp để trưng những ngày tết. Nếu là dân mê hoa còn có thể giữ lại để chăm sóc lâu dài và sử dụng nhiều dịp sau. Đồng quan điểm này, ông Kiều Lương Hồng (nghệ nhân về lan và mai kiểng xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) cho biết việc kinh doanh của giới trồng lan năm nay không gặp khó khăn, nhất là loại lan cắt cành Mokara và Dendrobium.
Như vậy việc TPHCM khuyến khích, hỗ trợ người dân nông thôn và vùng ven chuyển đổi từ diện tích trồng lúa hoặc các loại cây khác kém giá trị sang trồng lan không chỉ phù hợp với nền nông nghiệp đô thị mà còn phù hợp với thị trường gần 10 triệu dân. Theo Sở NN-PTNT TPHCM vùng sản xuất hoa lan tập trung ở huyện Củ Chi gần 100 ha, Bình Chánh gần 22 ha, quận 12 hơn 19 ha, Hóc Môn 12 ha, những năm gần đây có thêm huyện Nhà Bè.
- Mai bonsai dội chợ
Gần 12 giờ trưa 29 Tết, tại Bến Bình Đông, dưới sông ghe xuồng san sát, trên bờ các sạp vẫn ngập tràn hoa tết. Nhưng người xem nhiều người mua ít. Chị Nguyễn Thị Yến Ba, một thương lái hoa từ Bến Tre, chủ chiếc ghe bầu còn chứa đầy các loại hoa, nhất là loại mai nho nhỏ (bonsai) đã than thở khi được hỏi về khả năng tiêu thụ hoa tết. Trên các con đường nội thành xe cộ qua lại đông đúc nhưng lượng xe chở hoa mua về nhà không nhiều dù là gần trưa ngày giáp tết.
Có người cho rằng, lượng hoa đưa về thành phố năm nay quá nhiều, được bày bán khắp nơi, lại nói thách với giá quá cao. Khoảng 3 ngày trước tết, 1 cặp hoa cúc bị hét lên 200.000 đồng, thực chất chỉ có thể bán khoảng 20.000 – 25.000 đồng/cặp! Điều này làm người mua e dè, chờ đến giờ cuối mới cân nhắc việc có nên mua hay không. Nhiều tụ điểm bán hoa năm nay ứ hàng đọng chợ. Anh Nguyễn Văn Nổi ở phường 12, quận Gò Vấp, cho biết chưa khi nào hoa ế như tết rồi. Chợ hoa Gò Vấp mở cửa đến 8 giờ tối ngày cuối năm vẫn bán không được nhiều.
Có thể nói, mai bon sai dư thừa nên việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, giá cả vô chừng, có khi rất rẻ 50.000 đồng-100.000 đồng/cây vẫn không bán được. Giá mai cho thuê năm nay cũng giảm khoảng 25% so với năm trước còn mai chợ thì trưng bày tràn ngập nhưng tìm người mua thật đỏ mắt. Có người lý giải, do làm ăn khó khăn, lại nghỉ dài ngày, nên nhiều người đi chơi xa, về quê… đã hạn chế rất lớn đến lượng cầu. Trong khi đó, người nông dân lại không nắm rõ thông tin, tạo ra lượng cung quá nhiều nên gặp khó trong tiêu thụ và giá không cao là chuyện đương nhiên.
Theo ông Nguyễn Văn Trận, Phó chủ tịch Hội Làm vườn quận 9, chuyên về mai kiểng, việc sản xuất kinh doanh về hoa theo kiểu “năm được, năm thua” như tết này là điều nên được xem xét lại. Người nông dân nên cân nhắc, tránh chạy theo phong trào mà mang nợ.
Nhìn chung trong các loại hoa tiêu thụ tết này, có thể nói lan là mặt hàng bán chạy và được giá nhất, cây mai dù bán không nhiều như mọi năm nhưng nó không thiệt hại gì so với các loại hoa khác, vì vẫn để được mùa tết tới. Nhưng với các loại hoa nền như cúc, vạn thọ, mãn đình hồng… chỉ có nước đem bỏ.
ĐĂNG LÃM - ĐẶNG THÀNH